Vì sao Dragon Capital đưa tiền mặt lên mức đỉnh ngay trước cú sụp của chứng khoán Việt Nam?

Trong tuần đầu tháng 7, quỹ ngoại quy mô tỷ USD của Dragon Capital đã đưa số tiền mặt nắm giữ lên mức cao kỷ lục. Riêng trong tuần thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu lao dốc (1 - 8/7), quỹ VEIL đã bán ròng gần 100 triệu USD.

Xả gần 100 triệu USD, quỹ ngoại VEIL của Dragon Capital đưa tiền mặt lên mức kỷ lục

Báo cáo công bố mới đây cho thấy quỹ quy mô tỷ USD do Dragon Capital quản lý đã đưa tỷ trọng tiền mặt về mức đỉnh trong một vài năm trở lại đây. Tại ngày 8/7, tỷ trọng tiền mặt của quỹ Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) bất ngờ tăng lên 5,51%. 

Theo dõi kể từ đầu năm 2020, tỷ trọng tiền mặt tại ngày 8/7 của quỹ VEIL chỉ thấp hơn thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đợt hồi phục vào tháng 5/2020.

Xét về quy mô, với tỷ trọng 5,51% của danh mục giá trị gần 2,52 tỷ USD, lượng tiền mặt nắm giữ của quỹ VEIL vào khoảng 138,6 triệu USD. Đây là số tiền cao nhất của quỹ tỷ USD này trong nhiều năm gần đây. 

Ngày 14/5/2020, tỷ trọng của quỹ lên mức đỉnh 6,38%, nhưng với quy mô danh mục thời điểm đó chỉ khoảng 1,25 tỷ USD. Do vậy, lượng tiền mặt của của quỹ là 79,8 triệu USD, thấp hơn đáng kể so với thời điểm hiện tại. 

Vì sao Dragon Capital đưa tiền mặt lên mức đỉnh ngay trước cú sụp của chứng khoán Việt Nam? - Ảnh 1.

Quỹ tỷ USD của Dragon Capital đưa số tiền mặt nắm giữ lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Theo quan sát của người viết, trước khi đưa số tiền mặt nắm giữ lên mức cao kỷ lục, quỹ VEIL duy trì tỷ trọng tiền mặt ở mức thấp hơn 2%. Trong tháng 5, tỷ trọng này của quỹ nhiều thời điểm thấp hơn 1%.

Nhưng trong tuần cuối tháng 6 và đầu tháng 7, hoạt động bán ra bắt đầu được thực hiện đẩy tỷ lệ tiền mặt trong danh mục tăng lên. Tại ngày 1/7, tỷ lệ tiền trong quỹ là 1,57%. Như vậy, ước tính quỹ VEIL đã bán ròng khoảng 98,4 triệu USD (khoảng 2.290 tỷ đồng) trong tuần 1 - 8/7.

Đáng nói, động thái đưa tỷ trọng tiền mặt về mức đỉnh của quỹ VEIL diễn ra tại thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đảo chiều giảm sâu sau giai đoạn tăng nóng. VN-Index có nhịp rơi hàng trăm điểm kể từ mốc đỉnh 1.422,89 điểm ngày 2/7 xuống mốc thấp nhất 1.264,68 điểm ngày 14/7, tương ứng mức giảm 158,21 điểm. 

Trong tuần quỹ VEIL bán ròng, VN-Index dao động trong vùng 1.417,08 điểm - 1.374,68 điểm. Cú lao dốc bất ngờ lần này, chỉ số thị trường từng có thời điểm giảm hơn 70 điểm phiên 12/7 khi hàng loạt bluechip giảm sàn.

Theo tìm hiểu, việc đưa tiền mặt lên mức đỉnh nhiều năm của quỹ VEIL một phần liên quan đến việc thực hiện quyền mua trong đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu của Tập đoàn Gelex (Mã: GEX). Ngày 5/7 là hạn cuối nộp tiền mua cổ phần phát hành của Gelex.

Tuy vậy, kịch bản nếu thực hiện quyền mua 5 - 6 triệu (tương mức mức nắm giữ 8 - 10 triệu cp) cổ phiếu GEX (phát hành hành 12.000 đồng/cp) của quỹ VEIL, giá trị bán ròng tuần (1 - 8/7) thấp hơn đáng kể số tiền phải nộp.

Vì sao Dragon Capital đưa tiền mặt lên mức đỉnh ngay trước cú sụp của chứng khoán Việt Nam? - Ảnh 2.

Top10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất của quỹ VEIL tại ngày 8/7. Nguồn: VEIL.

Dragon Capital quan ngại về bức tranh vĩ mô khi làn sóng COVID-19 thứ 4 bùng nổ

Một khả năng khác liên quan đến quyết định bán ròng là quan ngại trước làn sóng COVID-19 thứ 4 đang bùng phát mạnh tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh phía nam. Trong báo cáo vừa được phát hành mới đây, chuyên gia của Dragon Capital tỏ ra rất thận trọng.

"Do mức độ phức tạp của chủng virus Delta, chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 6% về 5% để phản ánh các rủi ro hiện có", báo cáo nêu.

Tuy nhiên, Chính phủ không thay đổi kế hoạch đã đưa ra mà thay vào đó đặt ra hai kịch bản tăng trưởng 6% và 6,5%. Đồng thời, Thủ tướng đã thông qua gói hỗ trợ tài chính trị giá 26.000 tỷ đồng và đang chuẩn bị thông qua chương trình miễn giảm thuế trị giá gần 115.000 tỷ đồng.

Với gần 10% dư địa về tài khóa so với mức trần nợ công 65%, Dragon Captail kỳ vọng các gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo sẽ sớm được công bố và Chính phủ sẽ nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công (tập trung vào các dự án phát triển hạ tầng) trong nửa cuối năm nay.

Vì sao Dragon Capital đưa tiền mặt lên mức đỉnh ngay trước cú sụp của chứng khoán Việt Nam? - Ảnh 3.

Dragon Capital hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam từ 6% xuống còn 5%. Nguồn: Dragon Capital.

'Thị trường có thể sẽ cần thời gian để tích lũy'

Về diễn biến thị trường chứng khoán, đầu tháng 7, VN-Index tiếp tục tăng và chạm mức kỷ lục 1.421 điểm và thanh khoản đạt gần 35.000 tỷ đồng khi hệ thống HOSE được nâng cấp.

Song, khi thông tin về giãn cách xã hội tại TP HCM được đưa ra, nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn về rủi ro dịch bệnh kéo dài sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng và định giá.

Trong giai đoạn trước đó, thị trường vẫn được dẫn dắt bởi lớp nhà đầu tư mới. Số tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới trong tháng 6 tiếp tục tăng 23% so với tháng trước, đạt mức kỷ lục hơn 140.000. Trong khi vốn vay ký quỹ vẫn ở mức cao kỷ lục và các công ty chứng khoán tiếp tục phát hành tăng vốn, tiền mới nộp vào tài khoản bắt đầu có dấu hiệu giảm.

Về sức khỏe doanh nghiệp, Dragon Captial cho rằng lợi nhuận của các công ty niêm yết bị ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 kéo dài lên nền kinh tế và doanh nghiệp. Nếu mức tăng trưởng cả năm chỉ đạt 35%, PE 2021 sẽ đạt 14,1 lần khi VN-Index ở mức 1.350 điểm. 

"Đây vẫn là mức hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực, tuy rằng không hẳn là mức thấp so với trung bình các năm trước của Việt Nam. Do đó, thị trường có thể sẽ cần thời gian để tích lũy. 

Nếu thị trường thế giới tiếp tục tăng và không có yếu tố tiêu cực xảy ra, chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2022 nhờ các yếu tố cơ bản phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch", chuyên gia của Dragon Capital nêu quan điểm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-dragon-capital-dua-tien-mat-len-muc-dinh-ngay-truoc-cu-sup-cua-chung-khoan-viet-nam-20210716081654332.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/