Vì sao các ông lớn công nghệ Mỹ chăm rót tiền vào startup kì lân Indonesia?

Nền kinh tế kĩ thuật số số 1 Đông Nam Á trong thời gian gần đây đã thu hút sự chú ý của những gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Google, Facebook.

Đối với các công ty công nghệ lớn của Mỹ, năm 2020 cho thấy Indonesia tiếp tục trở thành vùng đất hứa tiếp theo, tờ Nikkei Asia nhận xét.

Bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, một loạt công ty như Facebook, Google và Microsoft đã đổ tiền vào các startup kì lân được định giá hơn 1 tỉ USD của Indonesia. Tiền được rót vào các công ty như Gojek - công ty công nghệ lớn nhất đất nước, cùng nền tảng thương mại điện tử Tokopedia và Bukalapak.

Tương tự Ấn Độ, các công ty công nghệ Mỹ đang đặt cược lớn vào các startup tại Indonesia và thừa nhận rằng đây là một thị trường quá lớn để có thể bỏ qua. Quốc gia Đông Nam Á này có qui mô dân số lớn thứ 4 thế giới và chiếm 1/3 tổng sản lượng kinh tế của khu vực.

Tầm quan trọng trong việc đầu tư vào quốc gia vạn đảo còn được thúc đẩy bởi những căng thẳng Mỹ - Trung, khi Trung Quốc - thị trường lớn nhất châu Á, dường như đã khép cửa với các hãng công nghệ Mỹ.

Tiền liên tục đổ về các startup tại Indonesia

Hai trang thương mại điện tử Tokopedia và Bukalapak đã trở thành những startup mới nhất được nhận vốn từ Mỹ trong tháng 11. Hồi đầu tháng, Microsoft đã thông báo rằng họ vừa thực hiện một khoản "đầu tư chiến lược" vào Bukalapak.

Theo đó, Microsoft đã tham gia vòng gọi vốn 100 triệu USD, cùng các nhà đầu tư khác của Singapore như PT Elang Mahkota Teknologi và Emtek Group - một tập đoàn truyền thông địa phương.

Cuối tháng 10, Google đã đầu tư vào Tokopedia, cùng với Temasek của Singapore. Cả hai nhà đầu tư được cho là đã bơm 350 triệu USD vào nền tảng thương mại điện tử này.

Trước đó không lâu, trong tháng 6, cả Facebook và PayPal đã cùng rót vốn vào Gojek.

Vì sao các ông lớn công nghệ Mỹ chăm rót tiền vào startup kì lân Indonesia? - Ảnh 1.

Các khoản đầu tư liên tục đổ về startup kì lân Indonesia. (Đồ hoạ: Nikkei).

Các khoản đầu tư liên tiếp là minh chứng cho thấy Indonesia đã tiến xa thế nào trong hệ sinh thái kĩ thuật số và tiềm năng tăng trưởng của nó.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số Indonesia đã tăng gấp 5 lần trong 5 năm qua, đạt giá trị 44 tỉ USD trong năm 2020 và cho đến nay, đây là nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo báo cáo, thị trường này sẽ đạt qui mô 124 tỉ USD vào năm 2025, tiếp tục củng cố vị thế số 1 trong nền kinh tế số của khu vực.

Hanno Stegmann, Giám đốc BCG Digital cho biết đầu tư vào các công ty đã thành danh như các kì lân của Indonesia là "một cơ hội tuyệt vời, một thương vụ quan trọng để xây dựng một vị trí vững chắc trong hệ sinh thái, thay vì phải từng bước xây dựng doanh nghiệp ngay từ đầu."

Nó cho phép các công ty Mỹ "thiết lập một vị trí rõ ràng trong hệ sinh thái, và mở rộng sự hiện diện kinh doanh một cách mạnh mẽ hơn trên cơ sở đó", Stegmann nói thêm.

Một ví dụ điển hình là khoản đầu tư của Facebook cùng với Palpay vào Gojek. Trọng tâm của khoản vốn này là "hỗ trợ các giao dịch thanh toán và dịch vụ tài chính". Hiện ứng dụng thanh toán GoPay của Gojek là một trong những ví điện tử được sử dụng nhiều nhất tại Indonesia.

Nhưng nó cũng đi kèm với việc Facebook thúc đẩy tham vọng thanh toán của riêng mình thông qua ứng dụng Whatsapp.

Trong khi Whatsapp đã trở thành một phương thức nhắn tin chủ yếu tại quốc gia vạn đảo thì Gojek lại có nhiều kinh nghiệm hơn trong mảng thanh toán, ví điện tử, và nó cũng hiểu rõ hơn về các đặc tính người dùng địa phương.

Giám đốc điều hành Whatsapp Matt Idema cho biết khi Facebook công bố khoản đầu tư này: "Khoản đầu tư này sẽ hỗ trợ mục tiêu chung của Facebook và Gojek là trao quyền cho các doanh nghiệp và thúc đẩy lĩnh vực tài chính tại Indonesia".

"Cùng với Gojek, chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể giúp hàng triệu người tiếp cận được nền kinh tế số đang phát triển của quốc gia này", Matt Idema nói.

Nền kinh tế số lớn nhất khu vực Đông Nam Á

Việc tăng cường hợp tác với những gã khổng lồ địa phương được đánh giá là thể giúp các công ty công nghệ Mỹ tăng doanh thu của họ trong khu vực.

Chẳng hạn, Facebook coi châu Á - Thái Bình Dương là nơi có tập người dùng hàng tháng lớn nhất, chiếm 42% trong quí III/2020. Tuy nhiên, khu vực này lại chỉ chiếm 19% doanh thu trong kì. Tương tự, 18% doanh thu Google đến từ châu Á - Thái Bình Dương.

Jefrey Joe, đồng sáng lập và đối tác chung của quĩ đầu tư mạo hiểm địa phương Alpha JWC cho biết chính Tập đoàn SEA của Singapore là doanh nghiệp đã đưa tên tuổi các startup Đông Nam Á lên bản đồ thế giới.

SEA được niêm yết trên sàn chứng khoán New York và hiện là công ty niêm yết có giá trị nhất ở Đông Nam Á.

"SEA đã cho các nhà đầu tư thấy được rằng các startup ở Đông Nam Á là những doanh nghiệp tốt, đang phát triển và tiềm năng mạnh mẽ."

Vì sao các ông lớn công nghệ Mỹ chăm rót tiền vào startup kì lân Indonesia? - Ảnh 2.

Indonesia hiện là một trong những nền kinh tế số lớn nhất khu vực. (Ảnh: Nikkei).

Shopee - một trong những công ty con của SEA là nền tảng thương mại điện tử có lượng truy cập nhiều nhất tại Indonesia. Trong khi đó, SEAPay lại là ví điện tử được sử dụng nhiều nhất. Giá cổ phiếu của Tập đoàn này đã tăng hơn 4 lần trong năm nay.

Đầu tư công nghệ của những doanh nghiệp Mỹ cho phép các kì lân Indonesia nâng cao danh tiếng của họ đối với các nhà đầu tư toàn cầu, một điều sẽ rất cần thiết nếu họ quyết định niêm yết cổ phiếu bên ngoài Indonesia.

Các công ty công nghệ Mỹ bắt đầu đầu tư vào Indonesia khoảng 5 năm trước. Năm 2016, Apple mở màn với khoản đầu tư 44 triệu USD để thành lập một trung tâm đào tạo cho các nhà phát triển ở ngoại ô Jakarta. Học viện được hoàn thành vào năm 2018 và là học viện đầu tiên của Apple ở Đông Nam Á.

Nhưng khoản đầu tư này chỉ mang tính chất là một tấm vé vào thị trường điện thoại thông minh của Indonesia, hơn là đặt cược trực tiếp vào nền kinh tế số của nước này. Nó cho phép Apple tuân thủ yêu cầu của Chính phủ Indonesia rằng điện thoại bán ra trong nước phải có hàm lượng hoặc kinh kiện sản xuất trong nước tối thiểu.

Lần đầu tư đầu tiên và thực chất nhất vào nền kinh tế số Indonesia là vào năm 2018, khi Google rót vốn cho Gojek - startup lớn nhất Indonesia, với việc công ty có trụ sở tại Mountain View nắm giữ 7% cổ phần.

Cuối năm đó, Microsoft đầu tư vào Grab, đối thủ Gojek, tại Singapore.

Nếu cả Grab và Gojek quyết định sáp nhập - các cuộc đàm phán được cho là đã tiến triển, thì các công ty Mỹ sẽ có cổ phần trong một tập đoàn công nghệ khổng lồ của khu vực, hoạt động tại 8 quốc gia tăng trưởng cao.

Thị trường điện toán đám mây tăng trưởng hai chữ số

Các công ty công nghệ Mỹ không chỉ đơn thuần đặt cược vào sự phát triển của dịch vụ gọi xe và các dịch vụ siêu cấp khác. Stegmann của BCG Digital Ventures cho biết, công ty Mỹ tin tưởng vào việc mở rộng các dịch vụ đám mây ở Indonesia là "một trong những động lực chiến lược quan trọng" cho các khoản đầu tư của họ.

Dịch vụ đám mây hiện là một trong những động lực tăng trưởng mạnh cho các công ty công nghệ Mỹ.

Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng thèm muốn phân khúc này.  Alibaba Group Holding hiện đang có hai trung tâm dữ liệu ở Indonesia và có kế hoạch xây dựng trung tâm thứ ba vào năm sau, theo báo cáo.

Cả Gojek và Tokopedia hiện đang sử dụng Google Cloud, trong khi Bukalapak chuyển từ Google sang Azure của Microsoft sau khoản đầu tư của ông chủ Windows.

"Cuối cùng, việc chuyển sang dịch vụ của Microsoft là điều bình thường", Rachmat Kaimuddin - Giám đốc điều hành Bukalapak cho biết. "Khi bạn kết hôn, về cơ bản, bạn sẽ cố gắng tìm kiếm sự đồng điệu trong gia đình".

Vì sao các ông lớn công nghệ Mỹ chăm rót tiền vào startup kì lân Indonesia? - Ảnh 3.

Thương mại điện tử thúc đẩy tăng trưởng điện toán đám mây. (Ảnh: Nikkei).

Amazon trước đó cũng đã đàm phán với Gojek để đầu tư vào hãng gọi xe này, hiện gã khổng lồ thương mại điện tử cũng có kế hoạch xây dựng các trung tâm dữ liệu tại Indonesia.

Tập đoàn tư vấn Boston cho biết trong một báo cáo vào năm ngoái rằng, Indonesia là một trong những thị trường đám mây phát triển nhanh nhất châu Á - Thái Bình Dương, với tốc độ tăng trưởng hai chữ số hàng năm dự kiến là 25% trong vòng 5 năm tới.

"Việc sử dụng dữ liệu đang bùng nổ từ việc thương mại điện tử được phổ biến và các dịch vụ giao đồ ăn phát triển", báo cáo viết.

Indonesia là nền kinh tế số lớn nhất khu vực, lớn gấp đôi so với Thái Lan, nhưng tỉ lệ sử dụng internet lại thấp nhất trong số các quốc gia ASEAN - 5. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ sớm thay đổi với việc hoàn thành dự án Vành đai Palapa trị giá 1,5 tỉ USD của chính phủ, kết nối tất cả các hòn đảo của Indonesia thành một mạng cáp quang.

Các kì lân cũng đang vươn tay về các vùng nông thôn, tạo ra nhu cầu sử dụng dữ liệu nhiều hơn. Việc số hoá đang giúp các tập đoàn lớn len lỏi tới những nơi xa xôi.

Ngoài ra, Indonesia cũng là một nước được hưởng lợi từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung, khi các nhà đầu tư đang mệt mỏi với bất kì rủi ro nào liên quan tới Bắc Kinh. Do đó, đầu tư vào châu Á có nhiều khả năng sẽ tập trung vào Ấn Độ và Indonesia - những thị trường lớn nhất sau Trung Quốc.

Indonesia là lợi thế từ chính sách đối ngoại phi liên kết - khiến nước này trở thành một trong những nền kinh tế trung lập hơn so với Ấn Độ.

Dữ liệu từ Preqin cho thấy số lượng các thương vụ đầu tư mạo hiểm ở Indonesia với sự tham gia trực tiếp từ các nhà đầu tư có trụ sở tại Mỹ đã tăng gần gấp đôi trong năm 2019 so với năm 2016. Trong khi giá trị thương vụ tăng gấp đôi.

Năm 2020 cũng có thể chứng kiến số lượng giao dịch vượt qua con số của năm 2019.

Ngay cả Tổng thống Mỹ mới đắc cử Joe Biden đã đưa ra những giọng điều mềm mỏng hơn với Bắc Kinh cũng phải thừa nhận "chắc chắn các khoản đầu tư ở châu Á sẽ thay đổi".

Như vậy có thể thấy, các nhà đầu tư đang để ý nhiều hơn tới đa dạng hoá sản xuất, rủi ro khi tập trung vào một nơi. Và đây chắc chắn sẽ là thời điểm thích hợp để đầu tư vào Indonesia, khi qui mô đã phù hợp với nguồn lực họ muốn triển khai, tờ Nikkei Asia nhận định.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-cac-ong-lon-cong-nghe-my-cham-rot-tien-vao-startup-ki-lan-indonesia-20201206175851701.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/