VCCI không đồng tình đề xuất tăng lương tối thiểu từ 6,5-8,1%

Mặc dù Chính phủ quy định lương tối thiểu năm 2019 tăng 5,3% so với năm 2018, nhưng nhiều doanh nghiệp đã trả mức lương tối thiểu trên 6%. Vì vậy, trong năm 2020, mức lương không thể tăng cao như đề xuất của phía Công đoàn.

avatar_1562832740920

Theo đại diện VCCI nhiều doanh nghiệp đã trả lương tối thiểu năm 2019 tăng trên 6% cao mức 5,3% Chính phủ quy định Ảnh Thu Hằng

Đây ý kiến của ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho trước phiên đàm phán vòng 2 Hội đồng tiền lương quốc gia diễn ra vào chiều nay, 11.7, tại Hà Nội.

Nhiều doanh nghiệp trả lương tối thiểu trên 6%

Đại diện VCCI cho biết đã tham khảo 3 phương án của Tổng LĐLĐ Việt Nam với mức tăng từ 6,5-8,1%. Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Phòng khẳng đinh, đại diện giới chủ sử dụng lao động tiếp tục bảo lưu quan điểm như trong phiên họp cách đây 1 tháng, VCCI chỉ đồng ý đề xuất tăng không quá 2%.

Ông Phòng chia sẻ: “Hiện nay, có tới 72,5% doanh nghiệp đã trả lương tối thiểu tăng trên 6%. Qua thảo luận và nghiên cứu tình hình, chúng tôi thấy rằng, lương tổi thiểu cần phải tăng để động viên tinh thần làm việc cho người lao động. 

Tuy nhiên, không thể tăng như Tổng LĐLĐ Việt Nam kỳ vọng, bởi như vậy vượt quá năng lực chi trả của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh và các khoản chi phí khác…”.

Ông Phòng cũng cho biết thêm, tùy theo tình hình phiên đàm phán vòng 2, có thể VCCI sẽ có những điều chỉnh hợp lý. Tuy nhiên, con số là bao nhiêu thì chưa thể bật mí.

Đại diện VCCI cũng cho rằng, vấn đề mấu chốt cần được làm rõ là khái niệm mức sống tối thiểu. Hiện nay cách hiểu giữa các bên còn khác nhau dẫn đến việc đề xuất các mức lương còn vênh nhau.

Có thể sẽ tăng trên 5%?

Trước phiên đàm phán thứ 2, trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nhận định mức lương tối thiểu vùng năm 2020 nên hài hòa giữa các bên chủ sử dụng lao động và người lao động, mức tăng khoảng 5 - 5,5% là hợp lý.

“Người lao động mong muốn hưởng mức lương cao hơn nhưng người sử dụng lao động có cái khó bởi vì chưa biết được Quốc hội có đồng ý cho tăng số giờ làm thêm không, trong khi năng suất lao động không tăng, sức cạnh tranh lớn. Nếu tăng cao chi phí đầu vào, trong đó có lương cho người lao động, mức đóng bảo hiểm xã hội… cũng tăng. Trong khi, giá thành đầu ra không thay đổi hoặc thay đổi rất ít nên chủ các doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp thâm dụng lao động lo lắng rất nhiều. Cho nên, mức tăng lương vừa bảo đảm lương thực tế có cải thiện, vừa bảo đảm sức khỏe của doanh nghiệp, tương ứng với mức tăng năng suất lao động và bảo đảm yêu cầu của Nghị Quyết T.Ư", ông Huân bày tỏ.

Là “trọng tài” cần cân nảy mực tại Hội đồng tiền lương quốc gia, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, chia sẻ: "Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đang tính toán, tăng lương tối thiểu khoảng 5% so với năm 2019, sẽ đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động vào năm 2020.

Một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng đang "xuôi" theo đề xuất tăng từ 5-6%, Tuy nhiên, mức tăng cụ thể thêm bao nhiêu còn phụ thuộc vào các căn cứ mà phía đại diện chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động đưa ra tại cuộc đàm phán chiều nay.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 3 phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020

Tại buổi tọa đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống thu nhập của người lao động và đề xuất phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 do Tổng LĐLĐVN tổ chức ngày 10.7 tại Hà Nội, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), cho biết Tổng LĐLĐVN đưa ra 3 phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020.

Theo phương án 1, lương tối thiểu tăng 8,18% (từ 180.000 - 380.000 đồng); phương án 2: tăng 7,06% (từ 160.000 - 330.000 đồng); phương án 3: tăng 6,52% (từ 120.000 - 320.000 đồng).

Chia sẻ quan điểm của Tổng LĐLĐVN đề xuất phương án tăng lương tối thiểu từ 6,52 - 8,18%, ông Quảng cho hay, nhu cầu sống tối thiểu là những đòi hỏi, mong muốn, nguyện vọng của con người về vật chất và tinh thần để tồn tại và phát triển. Cùng với sự phát triển của xã hội thì nhu cầu sống tối thiểu cũng có sự thay đổi theo hướng tăng lên.

Theo ông Quảng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội đầu năm 2019 có nhiều điểm sáng. Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm của một số nước trên thế giới tương đồng với Việt Nam nên Tổng LĐLĐ VN đưa ra 3 phương án trên.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vcci-khong-dong-tinh-de-xuat-tang-luong-toi-thieu-tu-65-81-20190711152014713.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/