VASEP: Tôm Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sau khi dịch COVID-19 được khống chế

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) nhận định nếu dịch COVID-19 được giải quyết cơ bản cuối quí II/2020, thị trường thế giới mở cửa trở lại, tôm Việt Nam có thể tranh thủ tận dụng cơ hội thời kỳ hậu COVID-19.

Trong số các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam, trong khi xuất khẩu các mặt hàng như cá tra, cá ngừ, hải sản đều giảm, thì xuất khẩu tôm Việt Nam quí đầu năm nay vẫn khả quan hơn khi tăng trưởng nhẹ trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp trên toàn thế giới. 

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) nhận định nếu dịch COVID-19 được giải quyết cơ bản cuối quí II/2020, thị trường thế giới mở cửa trở lại, tôm Việt Nam có thể tranh thủ tận dụng cơ hội thời kỳ hậu COVID-19.

VASEP:  Tôm Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sau khi dịch COVID-19 được khống chế - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: VTV

Khả quan trên thị trường Mỹ

VASEP cho biết Mỹ đứng thứ 2 về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỉ trọng 18,4% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam. Q I/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Dịch COVID-19 lây lan rộng ở Mỹ bắt đầu từ tháng 3/2020 khiến hoạt động nhập khẩu hàng hóa trong đó có tôm vào thị trường này bị đình trệ. 

Nhu cầu nhập khẩu cũng giảm do giảm mạnh tiêu thụ ở phân khúc dịch vụ thực phẩm do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Mỹ. 

Tuy nhiên, tại các hệ thống bán lẻ vẫn thu mua hàng bình thường nhằm đáp ứng nguồn hàng thiếu do người tiêu dùng Mỹ đổ xô mua đồ trích trữ từ đầu dịch. 

Trong khi nguồn cung tôm từ Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan đang giảm sút do lệnh phong tỏa quốc gia, khách hàng Mỹ quay sang mua tôm Việt Nam.

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Mỹ nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ EZ..., thay đổi quy cách đóng gói để phù hợp với phân khúc bán lẻ.

Nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ là Ấn Độ, cũng là đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ, đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19

Lệnh phong tỏa nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan ở Ấn Độ bắt đầu từ 23/3 và kéo dài đến 18/5 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của nước này khi tháng 3 là tháng cao điểm để thả giống vụ hè. 

Người nuôi tôm ở Ấn Độ gặp khó khăn về nguồn cung và vận chuyển tôm giống trong khi đầu ra bị tắc, không có người chăm sóc tôm vì lệnh phong tỏa, giá tôm nguyên liệu giảm sâu. 

Do Lệnh phong tỏa, một số nhà máy chế biến của Ấn Độ chỉ có thể hoạt động 50% số lượng công nhân. Giá tôm nguyên liệu tại Ấn Độ tính tới tháng 4 giảm mạnh, ảnh hưởng tới tâm lý người nuôi ngại thả giống, nguồn cung nguyên liệu tại Ấn Độ có thể giảm.

Xuất khẩu tôm Ecuador sang Mỹ cũng dự kiến giảm trong tháng 3/2020 do ngành tôm nước này đang phải hoạt động chỉ với 50% công suất trong bối cảnh COVID-19 vì số ca nhiễm và tử vong vẫn tăng ở nước này.

Sản xuất tôm tại nước này bị ảnh hưởng nặng nề do các công ty chế biến chủ yếu nằm ở Guayaquil, thuộc tỉnh Guayas-đây cũng là tâm dịch Covid ở Ecuador. 

Một số công ty có nguy cơ phải đóng cửa nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện. Một số nhà máy chế biến không mua thêm nguyên liệu vì không có nhân công làm việc tại các nhà máy do lệnh phong tỏa. 

Trong khi ngành tôm nước này không nhận được hỗ trợ gì từ phía Chính phủ.

Bộ NN&PTNT cho biết nhập khẩu tôm của Mỹ tăng có thể là do một số đơn hàng từ dịp cuối năm bị chậm giao và nhu cầu bổ sung vào kho dự trữ sau khi doanh số bán lẻ tôm tại Mỹ tăng. 

Tại thị trường các nước thuộc khu vực Địa Trung Hải và Biển Đen, giá các sản phẩm thuỷ sản sụt giảm từ 20-70% chủ yếu do việc suy giảm do giảm cầu từ khu vực khách sạn, nhà hàng, du lịch. 

Báo cáo đánh giá của Uỷ ban Thuỷ sản Địa Trung Hải (GFCM) về tác động của dịch bệnh Covid-19 lên ngành thuỷ sản tại thị trường các nước này cho thấy giá các sản phẩm thuỷ sản có dấu hiệu phục hồi, ổn định kể từ cuối tháng 3/2020. 

Giá tôm nguyên liệu tăng dần

Sau một thời gian sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, từ đầu tháng 4/2020, giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL đang dần tăng trở lại. Việc giá tôm nhích lên mở ra kỳ vọng thuận lợi cho sản xuất vụ tôm mới.

Cuối tháng 4, giá tôm chân trắng loại 100 con/kg có giá từ 95.000 - 100.000 đồng, so với cách đây 3 tháng, tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Tôm sú cỡ 30 con/kg có giá từ 200.000 - 230.000 đồng, tăng 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Giá tôm chân trắng tại Bạc Liêu hiện tăng hơn trước 20.000 đồng/kg (đối với loại nhỏ). Cụ thể, tôm chân trắng loại 100 con/kg có giá 90.000 đồng/kg đối với nuôi ao lót bạt; tôm nuôi ao đất giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. 

Các loại tôm chân trắng cỡ lớn tăng nhẹ so với trước: loại 70 con/kg có giá 110.000 đồng/kg; loại 50 con/kg có giá từ 120.000 - 125.000 đồng/kg.

Dù giá tôm nguyên liệu đã tăng tích cực hơn nhưng do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên tôm, dịch COVID-19 phức tạp tại các thị trường tiêu thụ chính, nên người dân vẫn e dè trong việc thả nuôi. 

Nếu những điểm trên không được khống chế, sẽ rất dễ xảy ra thiếu hụt nguyên liệu tôm khi thị trường hồi phục.

Thời gian của vụ tôm nước lợ năm 2020 vẫn còn dài, những dấu hiệu thuận lợi cũng bắt đầu xuất hiện ngày một rõ ràng hơn như nhu cầu tiêu thụ tôm thế giới vẫn có.

Nguyên nhân là tôm là thực phẩm thiết yếu, việc kiểm soát dịch COVID-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đang có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hy vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi đầu ra phần nào được tháo gỡ. 

Tại thị trường EU, Việt Nam có lợi thế ưu đãi từ Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới, đặc biệt đối với sản phẩm tôm có mức thuế mà Ấn Độ, Thái Lan hay các nước khác không có lợi thế cạnh tranh. 

Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro tiềm ẩn vẫn còn, nên doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và người nuôi tôm vẫn cần liên kết chặt chẽ để vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ khi thị trường hồi phục.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vasep-tom-viet-nam-co-nhieu-co-hoi-xuat-khau-sau-khi-dich-covid-19-duoc-khong-che-20200513090607306.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/