Vẫn còn hơn 412.000 tỷ đồng nợ xấu cần xử lý, Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 đến 15/8/2024

Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến ngày 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380.200 tỷ đồng nợ xấu. Song, số nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết số 42 vẫn ở mức cao.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày báo cáo. (Ảnh: TTXVN).

Báo cáo tại phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao (so với tổng dư nợ) là 6,31% (khoảng 813.000 tỷ đồng).

Đáng chú ý, nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết số 42 vẫn ở mức cao là 412.700 tỷ đồng, theo Tiền Phong.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 42, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%.

Lũy kế từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (15/8/2017) đến ngày 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380.200 tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 196.900 tỷ đồng (chiếm 51,79%); các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 100.800 tỷ đồng (chiếm 26,51%); các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82.500 tỷ đồng (chiếm 21,70%).

Cùng với đó, VAMC đã mua được 339 khoản nợ theo giá trị thị trường với 193 khách hàng với dư nợ gốc đạt 11.723 tỷ đồng và giá mua nợ đạt 11.822 tỷ đồng; thu hồi nợ đạt 120.738 tỷ đồng; tổ chức đấu giá thành công 22 tài sản với tổng giá trị trúng đấu giá đạt 2.516 tỷ đồng. 

Đề xuất kéo dài thời gian thí điểm xử lý nợ xấu thêm 2 năm

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, mặc dù xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã đạt được kết quả tích cực nhưng thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc khi xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42.

Trong đó, có khó khăn, vướng mắc từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành, địa phương về mua, bán nợ xấu của tổ chức mua, bán nợ; hỗ trợ thu giữ tài sản bảo đảm; tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm...

Ngoài ra còn có những khó khăn, vướng mắc từ chính quy định tại Nghị quyết số 42. Hơn nữa, sau khi xử lý được khối lượng lớn nợ xấu trong năm 2018, 2019, tốc độ xử lý nợ xấu trong năm 2020 và năm 2021 có xu hướng chậm lại.

Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trong khi chờ luật, Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua nghị quyết kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 thêm 2 năm (đến hết ngày 15/8/2024) theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp tháng 5/2022.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/van-con-hon-412000-ty-dong-no-xau-can-xu-ly-chinh-phu-de-xuat-keo-dai-thoi-gian-ap-dung-nghi-quyet-42-den-1582024-2022414154255336.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/