Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch là xu thế nổi bật trong Shark Tank Việt Nam mùa 3

Đến thời điểm hiện tại, ít nhất 3 startup ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch đã gọi vốn thành công tại Shark Tank mùa 3.

Màn gọi vốn đưa "cá mập" về làm việc cho Triip

Là một nền tảng công nghệ kết nối khách du lịch với doanh nghiệp du lịch tại địa phương, Triip sử dụng công nghệ blockchain để lưu trữ và kết nối dữ liệu. Theo CEO Hải Hồ, các đối tác của Triip sẽ tiết kiệm tới 50-90% chi phí bán hàng và đổi lại, Triip sẽ nhận ưu đãi từ các đối tác.

Theo lời Hải Hồ, Triip đang trên đà phát triển mạnh với những thông số tài chính hết sức ấn tượng: Doanh thu 1,4 triệu USD trong năm 2018. Đồng thời, Triip cũng huy động thành công 1 triệu USD vốn ở vòng pre-season A, trong đó một nửa là từ chính phủ Bồ Đào Nha.

Với việc thu tiền từ giao dịch dữ liệu. Cứ mỗi một khách sạn mua thông tin hành trình của khách sẽ phải trả cho Triip 10% giá trị giao dịch. 

Bất chấp việc bị phản đối bởi doanh nhân Phạm Thành Hưng khi cho rằng Triip khó có thể hưởng lợi nếu để hai bên tự mua bán với nhau, CEO Hải Hồ vẫn cho rằng Triip đang "viết lại luật chơi" cho ngành du lịch khi khoảng cách giữa người mua và người bán đang ở quá xa.

Với sự tự tin đó, Hải Hồ đến với Shark Tank và kêu gọi 500.000 USD cho 5% cổ phần. Mức gọi vốn này tương đương với việc công ty có định giá 9,5 triệu USD ở thời điểm hiện tại.

photo-2-1565248436048436706182

Hải Hồ thuyết phục thành công shark Việt về làm việc tại Triip 1 giờ/tuần trong 1 năm. Ảnh: VTV

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kĩ càng khả năng phát triển của Triip trong vòng 5 năm tiếp theo, lần lượt các "cá mập" Đỗ Liên, Phạm Thành Hưng, Nguyễn Ngọc Thủy làn lượt rời cuộc chơi. Thậm chí đến một  "shark" công nghệ như Nguyễn Mạnh Dũng cũng từ chối đàu tư.

Một mình một ngựa, Chủ tịch Intracom Nguyễn Thanh Việt tự tin đưa ra lời đề nghị 500.000 USD cho 20% cổ phần, tỉ lệ sở hữu gấp 4 lần so với kì vọng của Hải Hồ. Đây là một thói quen của "shark Việt" khi luôn muốn nắm tỉ lệ sở hữu cao để kiểm soát startup.

Tuy nhiên, đây là một lời đề nghị đẩy Triip vào thế khó khi khả năng gọi vốn thành công ở những vòng kế tiếp giảm xuống. Hải Hồ đưa ra đề nghị 500.000 USD ở dạng trái phiếu chuyển đổi, nếu thất bại trong vòng năm anh sẽ bán nhà để trả lại "cá mập" Nguyễn Thanh Việt.

"Việc định giá công ty thấp hơn sẽ không công bằng cho những người đã đầu tư trước đó. Em phải bảo vệ cho các nhà đầu tư trước, vì đó là cách để em bảo vệ cho các shark sau này", Hải Hồ nhấn mạnh.

Chứng kiến sự tự tin của CEO trẻ, cuối cùng doanh nhân Nguyễn Thanh Việt cũng đã chấp nhận 500.000 USD cho 5% cổ phần và 1,6% cổ phần tùy chọn cho nhân viên nếu shark Việt làm việc cho Triip trong vòng 1 năm, mỗi tuần 1 tiếng.

Mạng xã hội du lịch Liberzy khiến 3 "cá mập" tranh nhau

Trái với Triip, Liberzy khi đến Shark Tank gọi vốn mới chỉ ở những bước đi đầu tiên. Nhà sáng lập Đức Thắng không được đào tạo bài bản về kinh doanh và công nghệ nhưng vẫn quyết định tạo ra Liberzy - mạng xã hội du lịch sau khi đã bán nhà để khởi nghiệp

Về nền tảng, Liberzy bắt đầu hoạt động từ năm 2017 và cho tới khi gọi vốn đã có 200.000 người dùng. Định hướng của Đức Thắng là biến sản phẩm của mình thành một trung gian tiếp cận khách hàng cho các OTA (đại lí du lịch trực tuyến).

Nội dung trên Liberzy sẽ do chính những người dùng cung cấp, từ lịch trình cho tới trải nghiệm. Người tạo ra nội dung sẽ nhận hoa hồng từ các OTA nếu như bạn bè trên Liberzy đọc và đặt lịch ngay tại bài viết đó.

Mô hình kinh doanh của Liberzy ngay lập tức bị phản đối bởi doanh nhân Nguyễn Hòa Bình. Theo chủ tịch NextTech, mỗi người dùng chỉ có thời gian để sử dụng một mạng xã hội duy nhất và khả năng cạnh tranh với các ông lớn của Liberzy là rất khó.

"Bản chất của con người khi dùng mạng xã hội là khoe khoang ở một chỗ thật đông bạn bè. Ứng dụng của các bạn có ít người dùng đang sử dụng như vậy, người dùng sẽ vào một lần, hai lần rồi sẽ bỏ", shark Bình phân tích.

photo-3-15682471708471960998862

Bán nhà để khởi nghiệp, Đức Thắng khiến 3 "cá mập" tranh nhau. Ảnh: VTV

Cho đến thời điểm ghi hình, Liberzy cũng chỉ đạt doanh số là 2.000 USD, thấp hơn rất nhiều so với số vốn mà Đức Thắng kêu gọi là 110.000 USD cho 10% cổ phần. 

Ngoài ra việc chuyển quá nhiều loại hình kinh doanh cũng khiến một vài nhà đầu tư không thật sự tin tưởng. Đó chính là lí do mà ông Phạm Thành Hưng và ông Nguyễn Thanh Việt quyết định không xuống tiền.

Tuy nhiên, sự nhiệt tình của Đức Thắng đã thuyết phục được ông Nguyễn Mạnh Dũng, giám đốc Quĩ dầu tư CyberAgent tại Việt Nam và Thái Lan đầu tư. Lời đề nghị rót vốn 110.000 USD đổi lấy 30% cổ phần sẽ đi kèm với yêu cầu toàn bộ các thành viên của Liberzy sẽ chuyển từ Đà Nẵng vào TP HCM làm việc.

Không chỉ shark Dũng, mà trong lần gọi vốn này, cả shark Bình và shark Đỗ Liên đều tỏ ra hứng thú. Ông Nguyễn Hòa Bình sẵn sàng bỏ 150.000 USD để đối lấy 40% cổ phần trong khi bà Đỗ Liên cam kết bỏ 110.000 USD cho 10% cổ phần.

Sau thời gian hội ý cùng đồng sáng lập, Đức Thắng vẫn quyết định chấp nhận lời đề nghị đầu tư của doanh nhân Nguyễn Mạnh Dũng, bất chấp việc toàn bộ đội ngũ nhân viên sẽ phải thay đổi môi trường làm việc.

Không người dùng, vẫn gọi thành công 1 triệu USD

Tiếp tục là một startup ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch, Astra đã bất ngờ thuyết phục thành công ông Phạm Thành Hưng đầu tư 1 triệu USD, bất chấp việc hiện tại vẫn chưa có người sử dụng.

Đến với Shark Tank, nhà sáng lập Nguyễn Tiệp của mạng xã hội Astra kêu gọi 1 triệu USD cho 10% cổ phần công ty. 

Theo anh, Astra đang là mạng xã hội đầu tiên trên thế giới có công nghệ trả thưởng cho người dùng. Mong muốn của nhà sáng lập là muốn chiếm 5% thị phần du lịch trực tuyến toàn cầu trong 5 năm tới.

Hiện tại, Astra đang thu hút người dùng bằng chính sách trả thưởng hấp dẫn. Theo anh Tiệp, Astra đã phải tốn trung bình 5 USD cho một người dùng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, người dùng lại đang hoạt động ở một ứng dụng khác trong khi Astra vẫn chưa được chạy chính thức trên hệ thống kho ứng dụng.

photo-2-15688302961691428739619

Astra gọi vốn thành công 1 triệu USD bất chấp việc chưa có người dùng. Ảnh: VTV

Chính vì lí do đó, "cá mập" Đỗ Liên đã tỏ rõ sự quan ngại khi mức định giá công ty của Astra lên tới 9 triệu USD, một con số rất lớn khi vẫn chưa có doanh thu chính thức.

Trong khi đó, theo các doanh nhân Nguyễn Mạnh Dũng và Nguyễn Hòa Bình, đây là một mô hình kinh doanh có từ 20 năm về trước, và không có một ai từng thành công nếu đi theo mô hình này.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Việt cũng không thích mô hình kinh doanh dùng tiên để lôi kéo khách hàng. Lần lượt 4 "cá mập" kể trên đều rời cuộc chơi.

Khi còn lại duy nhất shark Hưng, phó chủ tịch CENGROUP đã đưa ra lời đề nghị 100.000 USD cho 5% đầu tiên và nếu Astra đạt được những chỉ tiêu đặt ra, ông Hưng sẽ giải ngân tiếp 900.000 USD cho 15% tiếp theo.

Sau màn ngã giá căng thẳng, hai bên đã đi đến thỏa thuận cuối cùng. Shark Hưng sẽ rót 150.000 USD để đổi lấy 5% cổ phần Astra, 850.000 USD tiếp theo sẽ đổi lấy 10% tiếp theo nếu dự án đạt được những yêu cầu như cam kết.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ung-dung-cong-nghe-trong-linh-vuc-du-lich-la-xu-the-noi-bat-trong-shark-tank-viet-nam-mua-3-20190920084714299.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/