Ba Lan và Ukraine thắt chặt hợp tác, Nga lo cho toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine

Nhằm đáp lại những ưu tiên mà Warsaw đã trao cho người tị nạn Ukraine, Tổng thống Zelensky tuyên bố Kiev cũng sẽ trao quy chế pháp lý đặc biệt cho người dân Ba Lan. Phía Nga đã đưa ra cảnh báo rằng quyết định của ông Zelensky có thể ảnh hưởng tới toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Mở cửa biên giới

Theo trang tin RT của Nga, vào hôm 22/5, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyến bố Ukraine sẽ trao quy chế pháp lý đặc biệt cho người dân Ba Lan.

“Không nên có biên giới hay rào cản giữa Ukraine và Ba Lan. Về mặt tinh thần, nhân dân hai nước đã không thể tách rời từ lâu”, ông Zelensky cho biết. “Vì vậy, Kiev và Warsaw nhất trí sẽ biến tình cảm giữa hai nước thành một thỏa thuận song phương trong tương lai gần”.

Hồi đầu tháng 5, Tổng thống Andrzej Duda bày tỏ hi vọng trong tương lai sẽ không còn biên giới giữa Ukraine và Ba Lan. Ông Duda cho rằng hai nước sẽ “cùng tồn tại trên mảnh đất này, tái thiết, xây dựng niềm vui và sức mạnh chung để chống lại mọi mối đe dọa”.

Cho đến nay, có rất ít thông tin về thỏa thuận và những đặc quyền mà công dân Ba Lan sẽ nhận được. Phụ tá của Tổng thống Zelensky, ông Sergey Nikiforov, gợi ý rằng điều luật sắp tới có thể tương đương các biện pháp mà Warsaw thực hiện để hỗ trợ người tị nạn Ukraine trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa Moscow và Kiev.

“Chúng ta cần chú ý đến luật đã được Ba Lan thông qua đối với những người di cư tạm thời từ Ukraine. Điều luật này coi công dân Ukraine như công dân Ba Lan, ngoại trừ việc không có quyền bầu cử. Tại Ukraine, theo sáng kiến của Tổng thống, một luật tương tự sẽ có thể được thông qua”, ông Nikiforov cho biết.

Điều luật được thông qua vào tháng 3 cho phép công dân Ukraine có thể ở lại Ba Lan trong tối đa 18 tháng. Người tị nạn sẽ có đủ điều kiện làm việc sau khi đăng ký và xác nhận danh tính của mình. Ba Lan đã chấp nhận khoảng 3,5 triệu người tị nạn Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2.

Ba Lan tiếp nhận một nửa số người tị nạn từ Ukraine sau khi Nga tấn công hồi cuối tháng 2.

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksander Kubrakov cho biết hai nước láng giềng đang nỗ lực thuận lợi hóa hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Ukraine sang Liên minh Châu Âu.

“Chúng tôi cũng đang nghiên cứu việc thành lập một công ty đường sắt liên doanh để tăng tiềm năng xuất khẩu của nền kinh tế Ukraine”, ông Kurbakov nói. 

Tổng thống Zelensky cũng cho rằng cơ chế hải quan chung có thể giúp Ukraine dễ dàng gia nhập EU:  “Đây cũng là sự khởi đầu của quá trình hội nhập của chúng tôi vào không gian hải quan chung của Liên minh Châu Âu". 

Mối đe dọa từ Ba Lan?

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hôm thứ 20/5 rằng Ba Lan có thể gây ra mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Ông Peskov trích dẫn tuyên bố gần đây từ người đứng đầu Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga Sergey Naryshkin .

Cụ thể, ông Naryshkin cho rằng Ba Lan và Mỹ đang lên kế hoạch nhằm giành lại phần lãnh thổ Ukraine mà Warsaw cho là đã từng thuộc về Ba Lan.

Theo cáo buộc ông Naryshkin đưa ra vào hôm 28/4, giai đoạn đầu tiên của "sự thống nhất" này sẽ là việc triển khai "lực lượng gìn giữ hòa bình" Ba Lan ở miền tây Ukraine với lý do "bảo vệ khỏi sự xâm lược của Nga".

Ba Lan trước đó đã bác bỏ cáo buộc của Moscow và gọi đây là "hoạt động thông tin của Nga" nhằm chống lại Warsaw và Washington.

Bộ Quốc phòng Ba Lan hồi đầu tháng thông báo đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn gần biên giới Ukraine, bắt đầu từ ngày 1/5. Warsaw khẳng định cuộc tập trận không liên quan đến xung đột ở quốc gia láng giềng.

Trong một cuộc phỏng vấn với Associated Press hôm 19/5, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cũng cáo buộc rằng các chính trị gia ở Ba Lan đang ấp ủ kế hoạch chiếm đóng miền tây Ukraine. Ông Lukashenko cho rằng phía Ba Lan “có ý tưởng phân chia Ukraine."

Sau khi được thành lập lại vào năm 1919, Ba Lan tuyên bố chủ quyền các vùng lãnh thổ hiện thuộc Lithuania, Belarus và Ukraine, gọi là Kresy Wschodnie, hay “vùng biên giới phía đông”. 

Các thành phố như Lvov và Stanislavov, được gọi là Lviv và Ivano-Frankivsk ở Ukraine ngày nay thuộc về Liên Xô sau Thế chiến II, và biên giới của Ba Lan được dịch chuyển về phía tây đến giới tuyến Oder-Neisse.

Sau Thế chiến II, Ba Lan chấp nhận từ bỏ một phần lãnh thổ để đổi lại một số vùng đất từ Đức. 

Yêu cầu Na Uy chia sẻ lợi nhuận

Theo Bloomberg, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng Na Uy nên chia sẻ lợi nhuận “khổng lồ” kiếm được gần đây do giá dầu và khí đốt tăng cao, đặc biệt là với Ukraine.

Vào cuối năm nay, Ba Lan sẽ hoàn thành một đường ống dẫn khí đốt từ Na Uy. Đường ống được xây dựng để giúp Warsaw thay thế nguồn cung từ Nga, vốn đã bị cắt vào tháng trước sau khi Ba Lan từ chối thanh toán bằng ruble.

“Nhưng liệu chúng ta có nên trả cho Na Uy số tiền khổng lồ cho khí đốt lớn gấp 4 hoặc 5 lần so với số tiền đã trả một năm trước không? Thật là lố bịch”, ông Morawiecki nói.

RT dẫn lời ông Morawiecki cho biết khoản lợi nhuận trung bình từ dầu mỏ và khí đốt năm nay của Na Uy sẽ đạt “hơn 100 tỷ USD”. Ông cho rằng khoản lợi này quá lớn với một đất nước chỉ có khoảng 5 triệu người.

Dự kiến doanh thu của Equinor trong năm 2022 sẽ lớn hơn nhiều do giá nhiên liệu tăng cao.

“Na Uy nên chia sẻ những khoản lợi nhuận dư thừa này. Hành động này hoàn toàn bình thường chứ không hề bất công. Na Uy không khác nào hưởng lợi gián tiếp từ xung đột tại Ukraine”, Thủ tướng Ba Lan cho biết.

Nhu cầu khí đốt của Warsaw đã tăng khoảng 50% trong thập kỷ này khi các công ty điện lực xây dựng các nhà máy điện khí mới thay thế cho những tổ máy chạy bằng than đã cũ kỹ.

Thỏa thuận với Na Uy và Đan Mạch để xây dựng liên kết từ Biển Bắc rất quan trọng đối với chính sách của đảng Công lý và Pháp luật Ba Lan trong việc cắt đứt quan hệ năng lượng với Nga.

Công ty PGNiG SA thuộc sở hữu nhà nước Ba Lan đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay, hay còn gọi là EBITDA, tăng hơn gấp đôi trong quý đầu tiên so với cùng kỳ 2021, lên mức 2,19 tỷ USD.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ukraine-mong-muon-mo-cua-bien-gioi-voi-ba-lan--2022523141926114.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/