Tư nhân hóa dịch vụ công nhìn từ vụ án Nhật Cường

Vụ án buôn lậu và trốn thuế tại Công ty thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường Mobile) vừa bị Bộ Công an khởi tố đã phần nào dấy lên lên những e ngại về tình trạng biến tướng của hoạt động xã hội hóa các dịch vụ công. Công ty con của doanh nghiệp này là Nhật Cường Software đã được chỉ định thầu hàng loạt dự án lớn về công nghệ cho các dịch vụ công tại Hà Nội.

Tư nhân hóa dịch vụ công nhìn từ vụ án Nhật Cường - Ảnh 1.

Nhà nước cần tiếp tục chuyển giao nhiều dịch vụ công hơn nữa cho doanh nghiệp tư nhân để nâng cao hiệu quả quản trị. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhà nước nắm quá nhiều dịch vụ cần giao cho tư nhân

Trong mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh vào năm 2020, mấy năm qua, UBND TP Hà Nội từng bước số hóa cách thức quản lý, như “thuê dịch vụ cung cấp phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến”. Và trong đợt 2, năm 2016, thành phố chỉ định thầu cho Nhật Cường làm dự án này. Hay nói khác đi là Nhật Cường chỉ tham gia một phần trong việc cung cấp phần mềm dịch vụ công, như một bên làm thuê cho chính quyền, trong tiến trình xã hội hóa dần các dịch vụ công. Trên thực tế, UBND TP Hà Nội không chuyển giao những dịch vụ công trực tuyến như cấp hộ chiếu trực tuyến, phần mềm lưu trú trực tuyến, cơ sở dữ liệu dân cư cho công ty tư nhân Nhật Cường làm thay.

Vụ án của Nhật Cường, với việc được chỉ định thầu tại hàng loạt dự án công của Hà Nội, khiến công luận dấy lên những lo ngại về quá trình xã hội hóa, chuyển giao các dịch vụ công sang cho tư nhân cung cấp có thể bị biến tướng thành “sân sau”, tham nhũng của quan chức. Thêm vào đó, liệu những cuộc chuyển giao dưới hình thức chỉ định thầu cung cấp, mà tư nhân làm thay nhà nước, có thể bảo đảmchất lượng dịch vụ, trong khi quy định của Bộ Tài chính hiện hành chỉ cho phép chỉ định những gói thầu loại này không quá 100 triệu đồng? Làm thế nào để chống gian lận, lừa đảo?...

Nhưng có một thực tế là không thể để những vụ án kiểu Nhật Cường làm chậm hay gián đoạn quá trình tư nhân hóa các dịch vụ công nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Thực tế câu chuyện ở ngành hàng không hay viễn thông, vốn trước chỉ do các doanh nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ, sau nhiều năm có sự tham gia của tư nhân đã làm thay đổi hẳn bộ mặt thị trường là ví dụ.

Hay ở lĩnh vực tư pháp, chủ trương xã hội hóa dịch vụ công chứng đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động công chứng nói riêng và đời sống xã hội nói chung, thúc đẩy các tổ chức công chứng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, phát triển theo đúng tính chất dịch vụ công bảo đảm cho sự an toàn, pháp lý của các hợp đồng, giao dịch mà không cần đến chế độ hành chính công như trước. Sự phát triển của ngành dịch vụ công chứng từ chỗ chưa có văn phòng nào vào năm 2019 đến nay đã có 875 văn phòng công chứng, cho thấy đã đi đúng hướng. Hoặc từ chỗ không có phòng thử nghiệm thức ăn chăn nuôi nào vào năm 2013, ngay khi bắt đầu xã hội hóa đến nay đã có 30 phòng thử nghiệm, thay Cục Chăn nuôi (Bộ Nộng nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm soát 20 triệu tấn thức ăn trong nước sản xuất mỗi năm.

Song theo ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Công ty Monitor Consulting - doanh nghiệp tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực phát triển hạ tầng thì “hiện nhà nước còn nắm quá nhiều dịch vụ cần giao cho tư nhân”. Ý kiến này, của ông Hưng, được nêu ra tại hội thảo “Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công” tại Hà Nội cuối tuần trước.

Cách đây vài tháng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chứng minh việc Nhà nước còn “ôm” quá nhiều hoạt động kiểm tra chuyên ngành mà chưa chuyển giao tích cực cho khối doanh nghiệp tư nhân. Vẫn có quá nhiều loại hàng hóa do cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện như hoạt động kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu, kiểm dịch thực vât nhập khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu. Trong khi một số bộ đã ủy quyền hoặc chỉ định cho nhiều doanh nghiệp, đơn vị ngoài nhà nước thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành khác.

“So sánh các hoạt động kiểm tra chất lượng đã được chuyển giao cho tổ chức giám định/chứng nhận sự phù hợp thực hiện và hoạt động mà Nhà nước độc quyền thấy về cơ bản không có điểm gì khác biệt đáng kể về tính chất kiểm tra. Do đó cần giao cho tư nhân kiểm tra chất lượng hàng hóa mà Nhà nước đang giữ độc quyền thực hiện” (theo Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018).

Giao cho tư nhân theo cách nào thì hợp lý?

Ông Trần Duy Hưng nhận xét: “Cách nhà nước giao cho tư nhân các dịch vụ công hiện đang có vấn đề”. Hình thức giao là cấp phép cho các tổ chức kiểm định được Nhà nước lựa chọn? Giao bằng hợp đồng hay giao bằng cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cung cấp dịch vụ... là chưa rõ.

Theo ông Ngô Gia Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam thì tâm lý của những người làm trong bộ máy chính quyền là do chi tiêu công nên ưu tiên cơ quan kiểm định, giám sát phải là đơn vị nhà nước. Ví dụ, bán tài sản công sẽ nghiêng về hướng chọn các đơn vị thẩm định giá công. Tất nhiên, tư duy này đang dần thay đổi nhưng vẫn tồn tại rất lớn ở bộ máy nhà nước, tạo nên cạnh tranh không sòng phẳng giữa các doanh nghiệp tư nhân và các đơn vị sự nghiệp công lập, làm dịch vụ. Đó là chưa kể đến việc giao không rõ chỉ là một cách để người có chức quyền trong bộ máy chuyển dịch vụ công qua các công ty “sân sau” tư nhân.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam cho rằng: “Xã hội hóa dịch vụ khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay là “nửa vời”, gây trở ngại lớn thúc đẩy tư nhân đầu tư”. Là Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert, ông Dũng và các cộng sự e ngại nhất là tính rủi ro của pháp luật. Như trước ngày 2-2-2018, thực phẩm phải công bố hợp quy và kèm theo có dịch vụ chứng nhận hợp quy. Nghị định 15/2018 đã loại bỏ việc công bố hợp quy để cải cách hành chính. Hàng loạt các doanh nghiệp đầu tư nhân lực và máy móc làm dịch vụ này thất nghiệp và mất vốn đầu tư. Hoặc các tổ chức thử nghiệm muốn cung cấp dịch vụ phải đăng ký từng phép thử đối với cơ quan quản lý nhà nước, nộp cả ngàn trang phê duyệt phương pháp mà chẳng giải quyết được vấn đề gì vì các tổ chức này muốn thử nghiệm phải có năng lực được công nhận bởi tổ chức công nhận độc lập .

Còn theo bà Trần Thị Quang Hồng, thuộc Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), các văn phòng thừa phát lại nhằm giảm tải cho các hoạt động bổ trợ tư pháp của tòa án (tống đạt giấy tờ, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án) nhưng thực trạng số lượng bản án, quyết định do thừa phát lại thụ lý và tổ chức thi hành án rất ít vì địa vị pháp lý, nhiệm vụ và quyền hạn của thừa phát lại trong thi hành án không bình đẳng với chấp hành viên. Ở đây thiếu sự phân định rõ ràng, hợp lý phạm vi thẩm quyền thi hành án giữa cơ quan thi hành án nhà nước và thừa phát lại. Khi thừa phát lại tiến hành phong tỏa tài khoản, khấu trừ tiền trong tài khoản của người thi hành án thì bị ngân hàng từ chối vì đây không phải là... cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việt Nam mỗi năm cần hàng chục tỉ đô la đầu tư vào các lĩnh vực giao thông, hạ tầng, năng lượng hay các lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm tra chuyên ngành. Nguồn lực đầu tư công và bộ máy nhà nước ngày càng hạn chế về khả năng đáp ứng nên việc chuyển giao cho tư nhân là một tất yếu.

Theo gợi ý của các chuyên gia, trước hết cần tổng rà soát, lập danh mục những dịch vụ công, đầu tư công nào có thể chuyển giao cho tư nhân và lộ trình thực hiện. Sau đó phải đặt ra những quy định về cơ chế chính sách, sử dụng các giải pháp thị trường trong cung ứng dịch vụ công ra sao (cấp ngân sách cho các nhà cung ứng tư, thuê khóan, đấu thầu...) sao cho minh bạch, chống chuyển độc quyền từ nhà nước sang tư nhân, thiết lập các quy chuẩn, bảo vệ người tiêu dùng và tạo ra cạnh tranh cung ứng dịch vụ gay gắt nhất để có một thị trường dịch vụ công ngày càng lành mạnh.

Băn khoăn về các dịch vụ của Nhật Cường cung cấp cho Hà Nội

Công ty cổ phần Nhật Cường Software (công ty con của Nhật Cường Mobile) là đơn vị được chỉ định thầu hàng loạt dự án cung cấp phần mềm gói thầu triển khai hệ thống quản lý giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội, quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân, dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp độ, phần mềm cấp hộ chiếu online, cơ sở dữ liệu dân cư... Đây đều là những dịch vụ công trực tuyến do Hà Nội quản lý và vận hành nhưng bên cung cấp lại là doanh nghiệp tư nhân được chỉ định thầu.

Bên hàng lang cuộc họp Quốc hội hôm 21-5, Bí thư thành ủy Thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải cho báo giới biết là thành phố đang chỉ đạo rà soát xem Nhật Cường có đáp ứng năng lực theo quy định hay không.

Về vấn đề đáng lẽ thành phố phải làm trước khi giao các gói thầu trị giá hàng chục tỉ đồng cho Nhật Cường này, bí thư Hoàng Trung Hải nói: "Chỉ định thầu hay đấu thầu đều có bước đánh giá năng lực, rà soát xem đúng chưa, chặt chẽ chưa, cần điều chỉnh gì không".

Ông Hải cho biết, thành ủy đã giao cho UBND TP Hà Nội rà soát, đảm bảo mọi dịch vụ không bị ảnh hưởng, nhất là trong bối cảnh các dịch vụ công như tra cứu điểm thi, sổ điểm...đang ở giai đoạn cuối năm.

Tuy nhiên, thành ủy không trực tiếp tham gia vào việc thuê hay chỉ đạo các công việc liên quan đến các dự án này do quy mô của các dự án nói trên, thời gian trước, chưa đến mức phải báo cáo.

N. Lan

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tu-nhan-hoa-dich-vu-cong-nhin-tu-vu-an-nhat-cuong-20190522204016266.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/