Đối tác quản lý GGV Capital: Từng chịu phạt 300.000 USD để bỏ việc kỹ sư, lọt top nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới nhờ Trung Quốc

Jenny Lee, đối tác quản lý của GGV Capital, được Forbes vinh danh là một trong những nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trước khi đạt được thành công, bà đã từng phải đối mặt với những khó khăn trên hành trình xây dựng sự nghiệp của bản thân.

Khi thế giới rơi vào cảnh hỗn loạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhà đầu tư mạo hiểm kỳ cựu Jenny Lee, 50 tuổi, đã quay trở về quê nhà Singapore để rót vốn cho 4 quỹ mới do quỹ đầu tư mạo hiểm GGV Capital khởi động. Trong 4 tháng, Lee hầu như không ngủ khi bà thực hiện tới hơn 250 thương vụ gọi vốn, huy động được 2,5 tỷ USD, và tất cả đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến bởi những hạn chế đi lại do ảnh hưởng của dịch bệnh, theo Forbes.

Số tiền mà Lee và nhóm của bà huy động được là số tiền cao nhất từ ​​trước đến nay trong lịch sử 22 năm của GGV, tăng 27% tài sản mà công ty đang quản lý lên mức cao nhất mọi thời đại là 9,2 tỷ USD. Lee, người điều hành tất cả hoạt động gây quỹ bằng của GGV, tự hào về kết quả đạt được.

Niềm tin của nhà đầu tư đối với GGV xuất phát một phần không nhỏ nhờ bà Lee, người đã được Forbes vinh danh là một trong 100 nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới trong 11 năm liên tiếp, kể từ lần đầu bà ấy được đưa vào Midas List vào năm 2012. Nhờ thành công của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực mà phần lớn do nam giới thống trị, bà cũng đã 3 lần lọt vào danh sách những người Phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes và danh sách những Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Forbes năm 2019.

Xung quanh bà Lee là các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) hàng đầu tại GGV, trong đó bà là một trong 6 đối tác quản lý điều hành công ty, bao gồm cả đối tác quản lý toàn cầu người Singapore Jixun Foo, được biết đến với việc rót vốn sớm cho siêu ứng dụng Grab.

Bà Lee được Forbes vinh danh vào Midas List. (Ảnh: Forbes).

Xây dựng đế chế tại Trung Quốc từ con số "0"

354 công ty trong danh mục đầu tư của GGV gần như cân bằng giữa các công ty ở châu Á - Thái Bình Dương và Châu Mỹ (GGV tuyên bố các khoản đầu tư của mình bao gồm hơn 85 kỳ lân). Trung Quốc là nơi có số lượng công ty châu Á cao nhất trong danh mục đầu tư của GGV, với 77 doanh nghiệp. Chỉ duy nhất Mỹ với khoảng 130 doanh nghiệp là thị trường được GGV đầu tư nhiều hơn Trung Quốc.

Lee bắt đầu với tư cách là một nhà đầu tư mạo hiểm tại Morgan Stanley và Jafco Asia. Tại Trung Quốc, bà cũng đã củng cố danh tiếng của mình ngay sau khi gia nhập Menlo Park. Vào năm 2005, GGV có sự hiện diện thứ hai ở nước ngoài (công ty mở văn phòng tại Singapore vào năm 2000 và đóng cửa 13 năm sau đó). Đó là một dấu hiệu ban đầu cho thấy công ty tin tưởng vào năng lực của bà Lee trong việc đi tiên phong trong một thị trường quan trọng.

Từ một cơ sở ở Thượng Hải, bà Lee và Foo dẫn đầu hoặc tham gia vào một chuỗi các khoản đầu tư vào những công ty công nghệ của Trung Quốc, chẳng hạn như nhà sản xuất xe điện Xpeng Motors và nhà sản xuất điện thoại Xiaomi. Một trong những khoản đầu tư hàng đầu của Lee là vào năm 2013 vào Kingsoft WPS, một nhà sản xuất phần mềm của Trung Quốc, cho đến nay đã tạo ra lợi nhuận gấp 55 lần.

Bà Lee đến Trung Quốc đúng thời điểm quốc gia đang chuyển đổi từ công nghệ dựa trên PC sang một hệ sinh thái công nghệ dựa trên thiết bị di động. Để khai thác các khoản đầu tư, Lee và nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc đã chia nhỏ điện thoại thông minh, xác định nhà sản xuất các thành phần quan trọng bên trong và sau đó đầu tư vào chúng. Một trong số đó là AAC Technologies có trụ sở tại Trung Quốc, nhà cung cấp chính về cảm biến âm thanh cho iPhone của Apple.

Bà Lee (ở giữa) từng bắt đầu từ con số "0" tại Trung Quốc. (Ảnh: Forbes).

Bà Lee cũng phải vượt qua thử thách khi hoạt động tại một trong những thị trường khó khăn nhất đối với lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Mặc dù đã học tiếng Trung khi lớn lên ở Singapore, nhưng bà thừa nhận rằng đã phải vật lộn với ngôn ngữ này khi đến thị trường tỷ dân. Hơn nữa, bà Lee đại diện cho một công ty không có lịch sử tại Trung Quốc và cũng không có mạng lưới quan hệ khi lần đầu tới nền kinh tế số một châu Á này.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2020 được đăng trên trang chủ GGV, bà Lee cho biết: “Chúng tôi phải học rất nhiều thứ khi tới Trung Quốc. Những người mà tôi gặp tại Trung Quốc là những người đã dạy tôi nói, cách sử dụng các cụm từ phù hợp trong tiếng Trung, và tất nhiên, tôi đã giúp họ bằng tiếng Anh. Mọi thứ tại Trung Quốc bắt đầu từ con số 0 và chúng tôi phải chiến đấu với những khó khăn”.

Một rào cản khác là văn hóa kinh doanh của Trung Quốc. Khi đó, nền kinh tế vẫn dựa trên tiền mặt, thẻ tín dụng và thanh toán điện tử vẫn chưa trở nên phổ biến. Lee đã phải mang tiền mặt trong vali để trả tiền cho nhân viên, những người đã “lấy niềm tin để gia nhập GGV,” cô nói.

Một ván cược đầu tiên vào năm 2005 là công ty Trung Quốc HiSoft (nay là Pactera), một công ty dịch vụ gia công phần mềm CNTT trong lĩnh vực bị chi phối bởi các công ty Ấn Độ như Infosys. Để phát triển công ty, bà đã thuê một người kỳ cựu trong ngành là đồng hương Singapore Tiak Koon Loh làm CEO. Loh đã chèo lái HiSoft, giúp công ty lên sàn vào năm 2010, mở đường cho GGV kiếm được khoản lãi gấp ba lần khoản đầu tư ban đầu.

Từng bỏ việc và phải nộp phạt 300.000 USD

Sau khi lớn lên ở Singapore, Lee đến Mỹ để lấy bằng cử nhân và thạc sĩ tại Cornell, theo học ngành kỹ thuật điện và tốt nghiệp vào năm 1995. Cùng năm đó, bà nhận công việc kỹ sư máy bay tại ST Aerospace của Singapore, nơi bà có nhiệm vụ sửa đổi máy bay chiến đấu F-16 thành máy bay phản lực.

Khoảng 4 năm sau, công ty đã cử bà theo học tại Trường Quản lý Kellogg của Đại học Northwestern, nơi cô lấy bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh vào năm 2001. Tuy nhiên, Lee đã nuôi dưỡng mong muốn trở thành một nhà đầu tư mạo hiểm từ lâu, vì vậy mà cùng năm, bà đã bỏ việc để theo đuổi niềm đam mê của mình.

Đáng nói, bà nghỉ việc vào thời điểm mà nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào cảnh suy thoái, và cũng đã phải trả một cái giá “không hề rẻ”. Bà đã trả cho ST Aerospace khoản tiền phạt 300.000 USD vì không hoàn thành chương trình học bổng 11 năm của công ty. Tuy nhiên, bà Lee không hối tiếc. “Đó thực sự là bước đi tốt nhất”, bà thừa nhận.

Năm 2019, Lee và Foo đã quyết định mở lại văn phòng của GGV tại Singapore, thu hút sự chú ý của nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng của khu vực, nơi đã sản sinh ra nhiều kỳ lân ngày nay. Thật không may, việc mở cửa trở lại đã được tiến hành chỉ vài tháng trước khi đại dịch xảy ra. Một trong những ưu tiên lớn nhất trong năm sau là đợt huy động vốn lịch sử, điều mà GGV đã không thực hiện theo bất kỳ cách nào kể từ năm 2018, khi bà Lee giúp huy động được 1,88 tỷ USD.

Văn phòng mới tại Singapore báo hiệu sự phát triển ngày càng tăng của khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, khi mà Trung Quốc đánh mất vị thế hàng đầu trước mối quan hệ căng thẳng với Mỹ.

GGV đã triển khai một nửa trong số 2,5 tỷ USD từ nguồn vốn mới của mình. Một số công ty đã nhận được khoản đầu tư của GGV có thể kể tới như công ty fintech Thunes của Singapore, startup Next Gen Foods và Growthwell cũng như startup edtech Ruangguru của Indonesia và Azota của Việt Nam.

Bà Lee cũng được Temasek bổ nhiệm vào hội đồng quản trị hồi đầu năm với tư cách là thành viên trẻ nhất từ ​​trước đến nay. Với vai trò mới, bà đang thực hiện lời hứa với sếp cũ của mình tại ST Aerospace, người đã nói khi bà từ chức vào năm 2001 rằng bà “nên quay lại khi đất nước cần bạn”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tu-ky-su-nganh-hang-khong-phai-nop-phat-300000-usd-khi-bo-viec-toi-mot-trong-nhung-nha-dau-tu-mao-hiem-hang-dau-the-gioi-202292673351316.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/