TS. Võ Trí Thành: Nới room tín dụng không còn nhiều ý nghĩa, dư địa chính sách tiền tệ hiện rất hạn hẹp

Chuyên gia cho rằng con số tăng trưởng tín dụng 14% năm nay là hợp lý. Hiện, dư địa chính sách tiền tệ rất hạn hẹp khi phải xử lý cùng lúc nhiều vấn đề ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống.

Trong bối cảnh dòng tiền tắc nghẽn do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị tê liệt, thị trường chứng khoán nhiều phiên giảm điểm, nhiều đề xuất được đưa ra nhằm giải bài toán nghẽn vốn, trong đó có giải pháp nới thêm room tín dụng.

Tại cuộc họp giữa Bộ Tài chính và công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu mới đây,  các doanh nghiệp đều cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là cần nới room tín dụng ngân hàng, duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông.  

Nêu quan điểm về đề xuất nới room tín dụng, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, thời điểm này việc nới room không còn nhiều ý nghĩa. Dư địa tín dụng từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 2%, tương đương còn hơn 230.000 tỷ đồng sẽ được bơm ra nền kinh tế. Vì vậy, theo ông, điều quan trọng là đưa dòng vốn này đến đúng địa chỉ.

TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh con số tăng trưởng tín dụng 14% năm nay là hợp lý, có thể xem xét mức tương đương trong năm 2023. Ông lý giải, dư địa chính sách tiền tệ rất hạn hẹp khi phải xử lý cùng lúc nhiều vấn đề ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải cân đối các yếu tố trên, nên việc thận trọng giữ room tín dụng ở mức 14% là phù hợp.

Trong dài hạn, khi hệ thống ngân hàng và các công cụ tiền tệ tốt hơn, biện pháp áp trần tín dụng có thể xem xét bỏ.  

 

Cũng bày tỏ lo ngại về nới thêm room tín dụng, TS.Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh nếu vốn chảy không đúng chỗ thì tình hình sẽ càng thêm khó khăn.  

Vì thế, vị chuyên gia nhấn mạnh giải ngân đầu tư công là giải pháp then chốt ở thời điểm này để thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Nếu kế hoạch giải ngân đầu tư công giai đoạn 2021-2025 diễn ra đúng tiến độ, sẽ là kênh tạo vốn rất mạnh cho thị trường. 

"Hồ nước mênh mông chưa khai thác được ở đây là vốn đầu tư công. Nếu kênh này thông được thì các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, vật liệu, xây dựng,… sẽ được hưởng lợi và nền kinh tế nhận hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Còn lại là mỗi doanh nghiệp phải tự có bài toán của mình để có thể tồn tại, vượt qua khó khăn ở thời điểm này", TS.Trần Du Lịch nói.  

 

Hồi tháng 9, tại phiên thảo luận tổng thể, thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhấn mạnh NHNN vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm nay, vì nới thêm sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản hệ thống, mặt bằng lãi suất cũng tăng.

Phó Thống đốc thông tin, hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng hiện ở mức rất cao, khoảng 100%, tức là đã dùng hết vốn huy động để cho vay. Nếu nâng tăng trưởng tín dụng thêm vài phần trăm, nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống, mặt bằng lãi suất lập tức sẽ dâng lên.

"Gần đây Moody’s có nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam và đi kèm là cảnh báo vì tỷ lệ tín dụng/ GDP của Việt Nam ở mức 124%. Tỷ lệ tổng tài sản của tổ chức tín dụng Việt Nam trên tổng GDP là 187%, nghĩa là đòn bẩy rất lớn, do vậy nếu nới thêm tín dụng sẽ ảnh hưởng đến rủi ro an toàn tài chính trong tương lai", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nói khi đó.

Trong công văn mới nhất hôm 23/11, NHNN đến nay tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5%, so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống năm 2022 khoảng 14%. Do vậy, vẫn còn dư địa để các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

NHNN cũng nhắc nhở, việc tăng trưởng tín dụng phải trên cơ sở đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thời gian tới, NHNN sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình của hệ thống và từng tổ chức tín dụng để có giải pháp điều hành phù hợp theo chủ trương của Chính phủ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ts-vo-tri-thanh-noi-room-tin-dung-khong-con-nhieu-y-nghia-du-dia-chinh-sach-tien-te-hien-rat-han-hep-20221128155534945.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/