TS. Nguyễn Tú Anh: 'Áp lực lạm phát giảm là cơ hội tốt để nới room tín dụng'

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, khi nền kinh tế đang có đà phát triển khá tốt thì cần tận dụng cơ hội để đưa tiền ra đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát đang giảm dần.

 

Nới room tín dụng đang là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm trong bối cảnh doanh nghiệp vô cùng "khát" vốn sau dịch COVID-19.

Báo cáo từ Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân chỉ ra rằng, hiện có 95% doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh. Nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì các doanh nghiệp và hộ kinh doanh này sẽ có nguy cơ phá sản.

Chia sẻ với chúng tôi, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế trung ương cho rằng, đúng là sau dịch COVID-19 doanh nghiêp đang rất cần vốn để duy trì sản xuất, tái cơ cấu, đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Việc nới room tín dụng sẽ giúp các doanh nghiệp đang đầu tư vào sản xuất kinh doanh có vốn duy trì và mở rộng sản xuất, điều này không những không làm tăng nợ xấu mà thậm chí còn giúp giảm. Nếu không có vốn, doanh nghiệp rơi vào phá sản thì nợ xấu chắc chắn sẽ tăng lên", ông nói.

Theo ông, nới room mục tiêu để dòng tiền đi vào sản xuất kinh doanh chứ không phải đầu cơ vào bất động sản hay chứng khoán vẫn là quy định xưa nay của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên trên thực tế, nếu có lãi cao thì người dân và doanh nghiệp thường đổ tiền vào.

Điều này gây ra lo ngại nếu nới room tín dụng thì dòng vốn lại bị đổ vào bất động sản và chứng khoán nhưng trong bối cảnh hiện nay vấn đề này không quá lo ngại. Thực chất, việc nới room tín dụng cần lo ngại nhất là vấn đề lạm phát, tuy nhiên hiện nay áp lực lạm phát giảm đang là cơ hội tốt để nới room tín dụng. 

Khi nền kinh tế đang có đà phát triển khá tốt thì cần tận dụng cơ hội để đưa tiền ra đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát đang giảm dần.Vấn đề cho vay đúng đối tượng sẽ có nghiệp vụ của các ngân hàng xử lý. 

 

 Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế trung ương  (Ảnh: Báo Đầu tư). 

"Với nền tảng vĩ mô hiện đang làm khá tốt như hiện nay việc nới room tín dụng là rất phù hợp", ông Tú Anh cho biết. 

Ông Tú Anh cũng cho biết thêm, trong nền kinh tế luôn có những doanh nghiệp tốt và doanh nghiệp "chưa tốt" (chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn tín dụng Ngân hàng", việc nới room giúp các doanh nghiệp tốt vay được tiền cũng gián tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện vay vốn.

Bởi nếu các doanh nghiệp tốt không vay được tiền, không mở rộng được sản xuất thì cũng sẽ mất đi cơ hội có được đơn hàng với các doanh nghiệp chưa tiếp cận được dòng vốn ngân hàng. Đóng sập cánh cửa tín dụng đồng nghĩa với việc cả doanh nghiệp tốt hay chưa tốt đều không được "cứu", ông Tú Anh cho hay.

Nếu không giải quyết vấn đề vốn, nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản

Bên cạnh ý kiến của các chuyên gia, sau khi trao đổi với 16 Hiệp hội, tổ chức Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa có báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ phản ánh một số khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Báo cáo từ Ban IV cho hay, hầu hết các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm nghiên cứu phương án nâng “trần” tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại .

"Nguồn vốn này nhằm ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như du lịch, công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản, bên cạnh mục tiêu kiểm soát kỹ lưỡng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán", báo cáo từ Ban IV cho biết. 

Theo Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp tình trạng khó khăn về vốn do quy mô doanh nghiệp hầu hết là vừa và nhỏ nên tài sản đảm bảo của doanh nghiệp thấp, dẫn đến việc các ngân hàng thường không ưu tiên cho các doanh nghiệp này vay.

Bên cạnh đó, dòng tiền “tự thân” của các doanh nghiệp cũng nhỏ và không ổn định khiến các doanh nghiệp cơ bản không thỏa mãn được các điều kiện khi muốn tiếp cận những nguồn vay hỗ trợ, vay ưu đãi, vay vốn trung và dài hạn.

Ngay cả đối với các doanh nghiệp không gặp vướng mắc bởi hai yếu tố trên thì trong bối cảnh hiện nay, khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng không còn room tín dụng để cho doanh nghiệp vay.

Theo Ban IV, nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì các doanh nghiệp và hộ kinh doanh sẽ có nguy cơ phá sản bởi hai lý do: Không có tiền trả lương cho người lao động và không có vốn để kinh doanh và đầu tư mới.

"Việc cần thiết lúc này là phải có các biện pháp kiểm soát mức tăng lạm phát một cách hợp lý đề nới room tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh nói trên. Nếu không sẽ xảy ra kịch bản trong năm tới là các doanh nghiệp này bị phá sản, không thể tồn tại được, kéo theo suy thoái kinh tế. Như vậy còn nguy hiểm hơn lạm phát”, báo cáo khuyến nghị.

Các doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn về vốn và chi phí đầu vào 

Báo cáo từ Ban IV cũng chi ra rằng, do hậu quả của hơn 2 năm đại dịch, doanh nghiệp không có hoặc ít doanh thu nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền nợ, lãi vay ngân hàng cùng các khoán khác để duy trì, vận hành doanh nghiệp ơ mức độ tối thiểu dẫn đến tình trạng thiếu vốn lưu động.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp những tháng gần đây tăng cao do tỷ giá USD/VND đã tăng từ đầu năm và tăng mạnh thời gian gần đây do Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất, làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đối với các doanh nghiệp nhập khẩu giao dịch bằng USD. Bên cạnh đó, việc giá nhiên liệu tăng cao do xung đột Nga-Ukraine kéo dài làm tăng áp lực lên chi phí vận tải và logistics vốn đã tăng rất cao trong hơn 2 năm dịch, kéo theo sự tăng giá của một loạt mặt hàng.

Số lượng và lợi nhuận đơn hàng đầu ra sụt giảm cũng khiến tình hình tài chính của doanh nghiệp trở nên ảm đạm. Sự thắt chặt của điều kiện tài chính toàn cầu cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng làm giảm triển vọng tăng trưởng cùa kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp đi rất nhiều ở hầu hết các thị trường.

Việc VND mạnh hơn tương đối so với những đồng tiền khác như JPY hay EUR cũng khiến cho các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu tại Liên minh châu Âu hay Nhật Bản chịu nhiều bất lợi do thu về những đồng tiền đang mất giá mạnh.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ts-nguyen-tu-anh-ap-luc-lam-phat-giam-la-co-hoi-tot-de-noi-room-tin-dung-2022815145839378.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/