Trước Deutsche Bank, những ngân hàng và doanh nghiệp lớn nào cắt giảm nhân sự kỉ lục?

Gần đây, Deutsche Bank AG đã khiến thị trường tài chính toàn cầu choáng váng khi tuyên bố sa thải từ 15.000 - 20.000 nhân sự. Tuy nhiên, trong lịch sử, đây chưa phải là đợt cắt giảm nhân sự lớn nhất.

sa-thai

Người viết tổng hợp 10 đợt cắt giảm nhân sự lớn nhất của nhiều công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng, ô tô và viễn thông trong giai đoạn 1990 - 2019.

1. Wells Fargo (2018)

Cắt giảm: 26.500 nhân viên

Vào tháng 9/2018, "ông lớn" ngành ngân hàng Wells Fargo tuyên bố họ sẽ thu hẹp nhân sự từ 5% đến 10% (khoảng 26.500 nhân viên) trong ba năm tới.

Theo CNN, việc Wells Fargo thực hiện kế hoạch cắt giảm 26.500 lao động trong vòng ba năm là do ngân hàng gặp khó khăn trước sự gia tăng của ngân hàng điện tử và áp lực cắt giảm chi phí sau loạt bê bối suốt hai năm trước đó.

CEO Tim Sloan cho hay, sự thay đổi trong thị hiếu của khách hàng, bao gồm việc áp dụng rộng rãi của ngân hàng điện tử, là một trong những nguyên ngân khiến Wells Fargo phải cắt giảm nhân sự.

Wells Fargo đã phải chịu các khoản phạt khổng lồ từ cơ quan quản lí Mỹ cũng như sự giám sát chặt chẽ khiến chi phí lên quan tới pháp lí và marketing của ngân hàng tăng lên.

2. Hewlett-Packard (2012)

Cắt giảm: 27.000 nhân viên

Với hi vọng biến công ty thành một đối thủ nhanh nhạy trong ngành công nghệ, hãng máy tính Hewlett-Packard (HP) đã tuyên bố sa thải 27.000 nhân viên vào tháng 5/2012.

Vào thời điểm đó, HP là nhà sản xuất máy tính cá nhân, máy in và máy chủ lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, doanh số máy tính cá nhân của hãng lại giảm 15% trong suốt kì nghỉ lể năm 2011 và lợi nhuận không ngừng trượt dốc.

Do đó, HP phải vật lộn để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù nhiều khách hàng đã chuyển sang sử dụng điện thoại di động, HP vẫn chưa cung cấp ra thị trường bất kì sản phẩm điện thoại thông minh hay máy tính bảng nào.

3. Bank of America (2011)

Cắt giảm: 30.000 nhân viên

Là một phần của kế hoạch tiết kiệm 5 tỉ USD và tách tổ chức thành các hạng mục ngân hàng doanh nghiệp và ngân hàng tiêu dùng riêng biệt, Bank of America cho biết vào tháng 9/2011 rằng họ sẽ cắt giảm hàng chục nghìn việc làm.

CEO Bank of America cho biết việc thu hẹp qui mô là nhằm bảo vệ ngân hàng này trước những tổn thất trong tương lai.

Tuy nhiên, Bank of America cũng đang "quay cuồng" vì nền kinh tế yếu kém và lãi suất thấp vào thời điểm đó.

Ngoài ra, ngân hàng này đã đồng ý trả 8,5 tỉ USD để dàn xếp với loạt doanh nhân bị mất tiền vào những khoản đầu tư gắn với các khoản thế chấp của Bank of America.

4. Boeing (2001)

Cắt giảm: 31.000 nhân viên

Sau cuộc khủng bố ngày 11/9/2001, du lịch hàng không đã suy yếu đáng kể và các hãng hàng không ngay lập tức cắt giảm đơn hàng máy bay Boeing mới xuống 25%.

Boeing rơi vào một cuộc khủng hoảng mà họ chưa bao giờ lường trước.

Sau đó, hãng sản xuất máy bay Mỹ đã phản hồi vào ngày 19/9 bằng một đợt sa thải qui mô lớn, mà CEO của bộ phận máy bay thương mại mô tả là "một điều đáng buồn và to lớn".

5. Ford Motor (2002)

Cắt giảm: 35.000 nhân viên

Sau khi gặp phải cú sốc từ cuộc tấn công khủng bố vào tháng 9/2001, người tiêu dùng Mỹ đã mua sắm ít xe hơi hơn, khiến doanh số bán hàng của Ford tại Mỹ giảm 6% trong năm đó. Hãng sản xuất ô tô đã ghi nhận khoản lỗ thường niên là 5,45 tỉ USD.

Để bắt đầu xoay chuyển tình thế, Ford tuyên bố vào tháng 1/2002 rằng họ sẽ cắt giảm đến 25% nhân viên và loại bỏ một số mẫu xe, gồm Ford Escort và Mercury Cougar.

CEO Bill Ford nhận định đây là một đợt cắt giảm nhân sự đau đớn và tuyên bố sẽ không nhận tiền lương hoặc thưởng trong năm 2002, ngoại trừ các lựa chọn về cổ phiếu.

6. Verizon (2018)

Cắt giảm: 44.000 nhân viên

Vào đầu tháng 10/2018, Verizon đã cung cấp một gói thôi việc tự nguyên (VSP) cho khoảng 44.000 nhân viên và chuyển 2.500 nhân viên công nghệ thông tin sang công ty Infosys ở Ấn Độ như một phần của hợp đồng thuê ngoài (outsourcing).

Theo một số tin tức, con số nhân viên điều chuyển sang Ấn Độ có thể lên đến gần 5.000 nhân viên.

Việc sa thải và điều chuyển ảnh hưởng đến hơn 30% trong số 153.100 nhân sự của hãng viễn thông Mỹ.

Gói thôi việc của Verizon chủ yếu nhắm đến các nhân viên lâu năm, với hơn 30 năm làm việc tại công ty.

Nhà mạng lớn nhất nước Mỹ cho biết họ muốn tiết kiệm 10 tỉ USD để có thể đầu tư vào mạng 5G tốc độ cao mới.

7. AT&T (1996)

Cắt giảm: 40.000 nhân viên

AT&T công bố kế hoạch cắt giảm 40.000 việc làm trong công ty, tương đương 13% tổng lực lượng lao động.

Theo AT&T, họ phải cắt giảm biên chế để đối mặt với những thách thức cạnh tranh mới. Việc cắt giảm sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến các nhà quản lí và nhân viên tại trụ sở chỉnh.

Không giống các vụ sa thải khác, quyết định của AT&T đến vào thời điểm đa phần bộ phận trong công ty đều mang lại lợi nhuận và tăng trưởng tốt.

Động thái cắt giảm nhân sự là một phần trong kế hoạch của gã khổng lồ ngành viễn thông, theo đó AT&T muốn tự tách thành ba công ty riêng biệt tập trung vào dịch vụ truyền thông, thiết bị viễn thông và máy tính.

8. General Motors (2009)

Cắt giảm: 47.000 nhân viên

General Motors cũng rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đến đầu năm 2009, hãng sản xuất xe ô tô đã chuẩn bị tuyên bố phá sản và yêu cầu viện trợ của chính phủ liên bang nhằm duy trì hoạt động của công ty.

General Motors phát đi rất nhiều thông điệp xấu trong tháng 2/2009, gồm việc đóng cửa 5 nhà máy, cắt giảm 47.000 việc làm và loại bỏ dòng xe tải và SUV cỡ lớn Hummer.

Một vài tháng sau, công ty đã nộp đơn xin tuyên bố phá sản. Đây được xem là một trong những phi vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử. Một gói cứu trợ của chính phủ đã giúp General Motors duy trì đến hiện tại.

9. Citigroup (2008)

Cắt giảm: 50.000 nhân viên

Citigroup đã phải đối mặt với một loạt rắc rối trong năm 2008, gồm các khoản lỗ lớn từ nợ xấu và khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Vào tháng 11/2008, "đại gia" ngành ngân hàng này cho rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài trừ việc cắt giảm 14% nhân sự hiện thời.

Theo New York Times, CEO Vikram Pandit tin rằng Citigroup cần một số "liệu pháp sốc" để kéo ngân hàng này ra khỏi tình trạng suy yếu.

10. IBM (1993)

Cắt giảm: 60.000 nhân viên         

Năm 1993, thời điểm Louis Gerstner (một trong những CEO vĩ đại nhất của Mỹ nửa sau thế kỷ 20) gia nhập IBM, công ty này đang trong thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng với doanh thu sụt giảm mạnh.

Để giảm chi phí, IBM đã sa thải 60.000 nhân viên. Trước đó, cuối những năm 1980, công ty này cũng đã mạnh tay cắt giảm nhân sự.

Năm 1985, tổng số nhân viên của IBM là 405.000 nhân viên. Từ đó đến năm 1993, sau vụ cắt giảm lao động của Gerstner, IBM chỉ còn 225.000 nhân viên. Vụ cắt giảm nhân sự này đã giúp tiết kiệm cho IBM 4 tỉ USD mỗi năm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/truoc-deutsche-bank-nhung-ngan-hang-va-doanh-nghiep-lon-nao-cat-giam-nhan-su-ki-luc-20190713011304899.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/