Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay mới, nhưng vì sao vẫn chưa thể vùng vẫy giữa đại dương?

Mặc dù tàu sân bay mới được trang bị công nghệ phóng hiện đại, Hải quân Trung Quốc vẫn sẽ còn gặp chặng đường dài trước khi có thể vùng vẫy tại "vùng nước xanh dương" do thiếu kinh nghiệm tác chiến, máy bay và cả hệ thống logistics.

Lễ hạ thủy tàu sân bay Type 003 của Trung Quốc ngày 17/6. (Ảnh: CCTV).

Cường quốc về tàu sân bay

Theo SCMP, sau hai lần trì hoãn, tàu sân bay Type 003 cuối cùng cũng được hạ thủy và rời cảng Giang Nam ngày 17/6. Đây là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sử dụng hệ thống phóng điện từ (EMALS) để giúp máy bay cất cánh. 

Con tàu mới của Hải quân Trung Quốc có tên gọi Phúc Kiến, được đặt theo tên một tỉnh của Trung Quốc ở đối diện đảo Đài Loan.

Type 003 là tàu sân bay thứ ba và hiện đại nhất, giúp Bắc Kinh tiến thêm một bước tới mục tiêu xây dựng “hải quân nước xanh dương”, với ít nhất 6 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030. 

Hệ thống EMALS trên tàu sân bay lớp Gerald R. Ford của Mỹ. Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia duy nhất đang triển khai EMALS trên tàu sân bay. (Ảnh: FoxNews).

Việc sử dụng hệ thống EMALS giúp việc phóng máy bay nhanh, hiệu quả và bảo dưỡng đơn giản hơn so với hệ thống hơi nước truyền thống. Tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ, Gerald R. Ford cũng sử dụng hệ thống này.

Hai tàu sân bay trước đây của Trung Quốc dựa trên lớp Kuznetsov của Liên Xô, với Type 001 Liêu Ninh có phần thân từ tàu sân bay Varyag đã hoàn thiện 2/3. Type 002 Sơn Đông được chế tạo dựa trên thiết kế của Liêu Ninh với một số nâng cấp. 

Con tàu mới Type 003 có trọng lượng giãn nước hơn 80.000 tấn, trong khi hai tàu đầu tiên có trọng lượng lần lượt 61.000 tấn và 70.000 tấn.

Khác với Mỹ, cả ba con tàu của Trung Quốc đều không sử dụng năng lượng hạt nhân mà chạy bằng dầu diesel nên cần tiếp nhiên liệu thường xuyên hơn và tầm hoạt động bị hạn chế. Một tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của Mỹ có trọng lượng giãn nước khoảng 100.000 tấn, lớn hơn tàu của Trung Quốc.

Với việc hạ thủy Type 003, Trung Quốc đang vận hành nhiều tàu sân bay thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. (Ảnh: Minh Quang). 

Theo CNBC, việc hải quân Trung Quốc liên tục mở rộng, cùng với tình hình căng thẳng tại Ukraine và các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, đã khiến Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Fumio Kishida phải tăng cường chi tiêu quốc phòng.

“Tôi quyết tâm củng cố khả năng quốc phòng của Nhật Bản trong vòng 5 năm tới và sẽ gia tăng đáng kể ngân sách quốc phòng để thực hiện mục tiêu này”, ông Kishida tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La năm 2022.

Theo Điều 9 trong Hiến pháp thời hậu chiến, Nhật Bản cam kết “vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh”. Do đó, lực lượng phòng vệ Nhật Bản không được phép tiến hành chiến tranh ngoại trừ để bảo vệ đất nước.

Hiện tại Tokyo đang vận hành 4 "tàu khu trục mang máy bay trực thăng" với khối lượng giãn nước từ 20.000 tới 30.000 tấn.

Tuy Nhật Bản cố ý tránh dùng từ "tàu sân bay" nhưng về bản chất, những tàu khu trục mang trực thăng của Nhật thực chất có chức năng tương đương với các loại tàu sân bay cỡ nhỏ. Đồng thời Nhật Bản cũng sở hữu 42 máy bay phản lực hiện đại F-35 B có khả năng cất hạ cánh theo phương thẳng đứng, tức là có thể vận hành trên các "tàu khu trục mang máy bay trực thăng".

Còn nguyên điểm yếu chí tử

Trung Quốc hiện có hải quân lớn nhất thế giới, nhưng đa số hạm đội là những tàu cỡ nhỏ. Bắc Kinh đang có kế hoạch vận hành 6 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2035, với 4 trong số đó là tàu sân bay hạt nhân. Các tàu sân bay hạt nhân sẽ giúp Hải quân Trung Quốc hoạt động xa hơn và thực hiện những nhiệm vụ phức tạp hơn.

Hiện tại, chỉ vài quốc gia trên thế giới đáp ứng đủ yêu cầu để trở thành “hải quân nước xanh dương”. Khái niệm này dùng để chỉ hải quân có khả năng triển khai tàu trên đại dương rộng lớn và hoạt động xa căn cứ. Sở hữu năng lực này có thể giúp quốc gia tăng sức ảnh hưởng trên toàn cầu.

Mặc dù sở hữu số lượng tàu sân bay lớn thứ hai trên thế giới, nhiều chuyên gia quân sự đánh giá năng lực tác chiến xa bờ của Trung Quốc thậm chí còn thua Pháp, quốc gia chỉ vận hành duy nhất một tàu sân bay.

Tàu sân bay không hoạt động động lập mà đi thành từng nhóm tác chiến, bao gồm các tàu tuần dương mang tên lửa, tàu khu trục phòng không, tàu ngầm, tàu cứu hộ và tiếp tế ... (Ảnh: Reuters).

Theo National Interest, để có khả năng hoạt động độc lập và xa bờ, một đơn vị tác chiến của hải quân cần được bảo vệ từ trên không, trên mặt nước, và dưới mặt nước, có đủ hệ thống logistics và kinh nghiệm. 

Máy bay và các tàu khu trục có nhiệm vụ bảo vệ và cảnh giới trên không và trên mặt nước. Khả năng tấn công sẽ do máy bay và tàu tuần dương phụ trách. Trong khi đó, tàu ngầm có thể xử lý các mối nguy dưới mặt nước và tấn công các mục tiêu chiến lược.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố nước này đang vận hành 6 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 46 tàu ngầm diesel. 

Tuy 58 tàu ngầm là con số đáng nể, chỉ 12 trong số này sử dụng nhiên liệu hạt nhân. Tàu ngầm động cơ diesel bị hạn chế đáng kể tầm hoạt động cũng như khả năng tác chiến hoặc tạo thêm gánh nặng cho logistics.

Thiếu máy bay cũng là một vấn đề với Hải quân Trung Quốc. Theo Business Insider, tính đến năm 2020, Trung Quốc chỉ vận hành khoảng 50 máy bay chiến đấu J-15, và cũng là loại tiêm kích duy nhất trên tàu sân bay của nước này. 

J-15 dựa trên Su-33 của Nga, là phiên bản nâng cấp của Su-27 với một số điều chỉnh để phóng từ tàu sân bay với đường băng dốc như lớp Kuznetsov. Tuy nhiên với hệ thống phóng EMALS mới trên Type 003, J-15 có thể sẽ cần sự chỉnh sửa mới.

J-15 với cánh có thể gập lại. Loại máy bay này ban đầu được thiết kế để phóng từ đường băng dốc chứ không tương thích với EMALS. (Ảnh: China Daily).

Mặc dù các máy bay như J-31 đang được thử nghiệm tích cực, nhưng để đạt đủ số lượng để phục vụ trên tàu sân bay sẽ cần nhiều thời gian. Với hạm đội 6 tàu sân bay dự kiến vào năm 2035, Trung Quốc cần nhanh chóng bổ sung máy bay.

Nhưng vấn đề lớn với Hải quân Trung Quốc khi vận hành tới 3 tàu sân bay lại là logistics. Hiện tại, hoạt động của Hải quân Bắc Kinh cần có sự trợ giúp của tàu và cảng thương mại. Trong thời bình, đây là một giải pháp tiết kiệm chi phí, nhưng nếu chiến tranh xảy ra, Trung Quốc sẽ cần tới các loại tàu tiếp vận quân sự.

Tính đến cuối năm 2020, Trung Quốc đang sở hữu 2 tàu tiếp vận Type 901 và 9 tàu tiếp tế vận nhỏ Type 903. Với các chiến dịch xa bờ, Hải quân chỉ có thể trông đợi vào Type 901 trong nhiệm vụ tiếp tế. Việc thiếu cảng quân sự tại nước ngoài cũng đã và đang cản trở khả năng hoạt động và khuếch đại tầm ảnh hưởng của các nhóm tàu sân bay Trung Quốc. 

Tàu tiếp vận Type 901, mảnh ghép quan trọng nhưng đang thiếu hụt trong hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc. (Ảnh: Naval Technology).

Trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã tranh thủ mọi cơ hội để xây dựng kiến thức, kinh nghiệm về hoạt động tại những vùng biển xa. Tuy nhiên, hải quân các nước như Mỹ, Anh, Pháp lại có hàng trăm năm kinh nghiệm, từng tham gia hoạt động quân sự tại khắp nơi trên thế giới.

Có lẽ sẽ còn một thời gian nữa để Trung Quốc chuẩn bị đủ số lượng máy bay, hệ thống logistics, cảng xa bờ cũng như kinh nghiệm để có thể trở thành một "hải quân nước xanh dương" thực thụ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trung-quoc-ha-thuy-tau-san-bay-moi-van-con-nguyen-diem-yeu-co-huu-202261716713601.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/