Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép, áp lực lên giá toàn cầu sẽ tăng cao?

Nhu cầu thép nội địa Trung Quốc yếu, dẫn đến lượng xuất khẩu thép cao hơn, có khả năng gây áp lực giảm giá thép trên toàn cầu.

Theo trang Live Mint, nhu cầu thép tại Trung Quốc vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu thép của nước này tăng mạnh dấy lên lo ngại giá thép thế giới chịu áp lực lớn. 

Thị tường đang kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh trở lại sau khi những lệnh hạn chế trong phòng dịch COVID-19 được gỡ bỏ, thúc đẩy nhu cầu và giá thép tăng. Là quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, việc nhu cầu tại Trung Quốc cải thiện sẽ hỗ trợ giá mặt hàng này trên toàn thế giới trong bối cảnh thị trường lo ngại nền kinh tế nhiều quốc giai phát triển bước vào giai đoạn suy thoái.

“Tại Trung Quốc, mặc dù những chỉ báo về tài chính đang cải thiện lên, chúng tôi vẫn đang chờ thêm những tín hiệu về nhu cầu phục hồi”, giới chuyên gia tại công ty chứng khoản ICICI nhận định. 

Nhu cầu nội địa thấp, cùng lúc sản lượng thép cũng tăng khiến Trung Quốc đẩy mạnh việc xuất khẩu, tạo áp lực lên giá toàn cầu.

Theo số liệu Hải quan Trung Quốc xuất khẩu thép của nước này trong tháng 2 tăng mạnh 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời là ngưỡng cao nhất kể từ năm 2017. Tính chung hai tháng đầu năm nay, lượng thép xuất khẩu tăng 49% so với cùng kỳ lên 12,2 triệu tấn và là mức cao nhất trong cùng giai đoạn của năm 2018 - 2022. Sản lượng thép tăng 5,6% trong luỹ kế hai tháng 2023.

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

Việt Nam là thị trường tiêu thụ thép lớn thứ 4 của Trung Quốc (sau Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan) với tỷ trọng 6,5%, giảm gần 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

Tuy nhiên, những thị tiêu thụ top đầu, kim ngạch xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng mạnh.  Cụ thể, Trung Quốc thu về gần 1,3 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu thép sang thị trườngPhilippines, tăng gấp đôi so với 2 tháng đầu năm 2022. 

Hay với thị trường Hàn Quốc và Thái Lan, mức độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trên 50% trong khoảng thời gian này.

  Số liệu: Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

Mặt khác, Trung Quốc nhập khẩu 0,6 triệu tấn thép trong tháng 2, giảm sâu gần 34%. Tính chung 2 tháng, lượng thép nhập khẩu giảm 40% sô với cùng giai đoạn của năm 2017 - 2022 xuống 1,23 triệu tấn do nhu cầu nội địa yếu. 

  Số liệu: Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

Các nhà phân tích tại Nomura Research cho biết: “Nhu cầu thép nội địa Trung Quốc yếu, dẫn đến lượng xuất khẩu thép cao hơn, có khả năng gây áp lực giảm giá thép trên toàn cầu”. 

Giá thép thanh trong tháng 3 giảm 5% sau hai tháng tăng mạnh do lo ngại nhu cầu của Trung Quốc không được như kỳ vọng. Tính đến ngày 27/3, giá thép giao dịch ở mức 725 USD/tấn.

 

Số liệu: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

Do nhu cầu thép của Trung Quốc tăng vẫn một trong những yếu tố quan trọng đối với triển vọng khôi phục ngành thép toàn, thời điểm khởi đầu mùa xây dựng cao điểm ở nước này vào tháng 4 sẽ được theo dõi chặt chẽ.

Trong khi đó, giá nguyên liệu thô giảm, đặc biệt là giá than cốc, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ lợi nhuận của các nhà sản xuất thép. Than cốc cao cấp đã điều chỉnh giảm 10% so với tháng trước xuống khoảng 351 USD/tấn.

Những vấn đề gián đoạn nguồn cung than tại Australian do điều kiện khí hậu và những điểm nghẽn về logistics đã được giải quyết tác động tích cực trong việc kiểm soát giá mặt hàng này.

Áp lực lên giá thép một phần là do cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu đang diễn ra. Các nhà phân tích tại Motilal Oswal Institutional Equities cho biết: “Triển vọng toàn cầu ảm đạm do cuộc khủng hoảng ngân hàng gây ra, cùng với các vấn đề thanh khoản cuối năm…đã khiến lợi nhuận từ hoạt động đầu tư ở mức thức. Điều này đã khiến ngành thép chuyển sang chế độ 'Chờ đợi và theo dõi'."

Ông Luan Shorden, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn SUMEC (Trung Quốc) cho biết xuất khẩu thép tiếp tục là một phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản lượng dư thừa ở Trung Quốc nhưng sản lượng đã thay đổi trong suốt 5 năm qua tùy theo các động thái tăng tỷ lệ hoàn thuế xuất khẩu, giảm thuế xuất khẩu của quốc gia này. 

Ông Luan Shorden nhận định trong những tháng đầu năm 2023, nhu cầu thép trong nước của Trung Quốc vẫn yếu, điều này sẽ thúc đẩy xu hướng gia tăng xuất khẩu trong năm 2023. Đặc biệt khi Trung Quốc đã tạm thời mở cửa thị trường xuất khẩu với mặt hàng thép cây, đây là lần đầu tiên thép cây có thể tăng trưởng sau gần 5 năm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trung-quoc-day-manh-xuat-khau-thep-ap-luc-len-gia-toan-cau-se-tang-cao-2023329122654603.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/