Trung Quốc có thể ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán?

Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc khó bứt tốc vào cuối năm khi nước này đưa ra một loạt rào cản về kỹ thuật, thuế quan. Đỉnh điểm khi thị trường này dự định ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán.

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, sản lượng cây ăn quả năm 2021 các tỉnh phía Nam hơn 7 triệu tấn, tăng nhẹ so với 2020. Riêng tháng 12, sản lượng trái cây cần tiêu thụ khoảng 700.000 tấn, trong đó có 200.000 tấn thanh long.

Chia sẻ trong Diễn đàn 970, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cảnh báo xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc sẽ gặp những rào cản về kỹ thuật, thuế quan vào cuối năm và quý I/2022.

Cụ thể, nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến công tác tiêu thụ và xuất khẩu. Yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao.

Đặc biệt, thị trường Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch bệnh tăng thêm, điều này có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu.

Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết: "Trung Quốc dự định ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán. Điều này có thể làm gia tăng tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu".

Trung Quốc có thể ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán? - Ảnh 1.

Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc gặp khó cho đến quý I/2022. (Ảnh: Vietnam Export)

Ngoài ra, việc các doanh nghiệp khó thuê tàu, thuê container gây gián đoạn việc thu mua, vận chuyển và ứ đọng rau quả.

Trong khi, năng lực chế biến sâu của Việt Nam chưa cao, khó có thể phục vụ các thị trường có khoảng cách địa lý xa, bằng những hình thức vận chuyển giá rẻ.

Do đó, ông Nguyên kiến nghị cần đẩy mạnh tỷ lệ tiêu thụ nội địa, đồng thời mở rộng danh sách các mặt hàng trái cây xuất khẩu khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…

Trái cây Việt cần khẳng định chất lượng ở thị trường quốc tế

Hiện, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc. Trước những rào cản về kỹ thuật của thị trường này, T.S Đoàn Hữu Tiến, đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng trái cây cần khẳng định chất lượng ở hai khía cạnh là "ngon" và "lành".

Trong đó, trái cây được xem là ngon khi trong cùng một lô hàng, trái cây phải đúng giống, đồng đều về kích cỡ và ngoại hình; có hàm lượng dinh dưỡng cao, độ brix phù hợp cho từng đối tượng người tiêu dùng.

Còn trái "lành" phải đảm bảo an toàn thực phẩm; giảm thiếu tối đa tồn dư hóa chất, có những chất bắt buộc phải bằng hoặc gần zero.

Trung Quốc có thể ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán? - Ảnh 2.

Xây dựng hệ thống mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc giúp trái cây Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường quốc tế. (Ảnh: Hanoimoi)

Để cởi bỏ những rào cản kỹ thuật này, nông dân và doanh nghiệp cần thay đổi quy trình sản xuất và chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thông tin: "Hiện Việt Nam đang có một tiêu chuẩn trung chuyển giữa VietGAP và GlobalGAP. Đó là LocalGAP.

Tiêu chuẩn LocalGAP thể hiện được hầu hết những đặc điểm của tiêu chuẩn GlobalGAP tuy nhiên chi phí cũng như thời gian thực hiện lại thấp hơn 1/3".

Đến nay đã có 170 doanh nghiệp, trong đó có 120 doanh nghiệp nông sản được trao chứng nhận LocalGAP.

Với tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp đang tạo dựng một tấm giấy thông hành để trái cây Việt Nam bước những bước chân vững chắc ra thị trường quốc tế.

Tương tự, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết những quy định mới của Trung Quốc là bước đệm khiến cả ngành nông nghiệp thay đổi tư duy sản xuất và kinh doanh nông sản.

"Chánh Thu đang ráo riết làm mã số vùng trồng cho quả sầu riêng nhưng nhiều địa phương tỏ ra thờ ơ, mặc kệ người nông dân làm việc với doanh nghiệp. Đây là quan điểm sai lầm, cần thay đổi", bà Vy nói.

Theo bà Vy, doanh nghiệp có thể kết nối, thu mua, tiêu thụ nhưng việc định hướng sản xuất phải có sự tham gia của các địa phương. Nếu thay đổi được điều này thì xuất khẩu mới có thể khởi sắc.

Một lần nữa, ông Tùng khẳng định việc xây dựng mã số vùng trồng là trách nhiệm chính của các Sở NN&PTNT, không phải của doanh nghiệp.

Việc thiết lập mã vùng trồng tạo cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu, tìm ra vùng đặc thù, từ đó kêu gọi doanh nghiệp tham gia tiêu thụ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trung-quoc-co-the-ngung-nhap-khau-it-nhat-6-tuan-trong-dip-tet-nguyen-dan-2021120512083261.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/