Trung - Ấn tranh chấp biên giới: Ấn Độ sẽ đáp trả bằng kinh tế?

Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ đã nhất trí không gây leo thang tranh chấp biên giới, giới quan sát và truyền thông lại có nhiều đồn đoán về các phương án mà New Delhi có thể sử dụng để đáp trả Bắc Kinh.

Trung - Ấn tranh chấp biên giới: Chính quyền Thủ tướng Modi có thể ngã về phía Mỹ để đáp trả? - Ảnh 1.

Một đoàn xe quân đội Ấn Độ tiến về biên giới với Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

South China Morning Post dẫn nguồn tin chính phủ chưa qua xác minh cho biết, công chúng Ấn Độ đang ra sức kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi đáp trả Trung Quốc khi thông tin chi tiết về cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc tối hôm 15/6 lan rộng.

Khi thi thể của 20 binh sĩ được đưa về quê nhà, các kênh truyền hình Ấn Độ đồng loạt đưa tin về các cuộc tụ tập đông người và biểu tình ở nhiều thành phố trên khắp cả nước.

Sau đó, hình ảnh nhóm người ở bang Gujarat được cho là đang đập nát một thương hiệu tivi Trung Quốc đã lan truyền trên mạng xã hội. Ông Ramdas Athawale - Bộ trưởng Tư pháp Xã hội Liên bang Ấn Độ, đã yêu cầu ra lệnh cấm các nhà hàng bán thức ăn Trung Quốc, theo SCMP.

Ông Harsh Pant - giáo sư quan hệ quốc tế tại King's College (London), nhận định cuộc khủng hoảng là một điểm uốn trong quan hệ Trung - Ấn.

"Toàn bộ chính sách Trung Quốc của Ấn Độ được xây dựng trên giả định rằng hai bên có thể duy trì quan hệ song phương nhờ các cam kết sâu rộng và tuân thủ vấn đề biên giới. Giả định đó đã thay đổi sau cuộc đụng độ", ông Pant nói.

Giáo sư Pant kết luận: "Ấn Độ không thể giữ quan hệ bình thường với Trung Quốc khi biên giới bị động chạm".

Quan chức quân sự cấp cao Trung - Ấn được cho là đã có cuộc hội đàm vào ngày 18/6 để hạ nhiệt căng thẳng sau khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar trao đổi cùng người đồng cấp Vương Nghị hôm 17/6. Tại đây, hai bên đã đổ lỗi qua lại về cuộc tranh chấp biên giới nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỉ qua.

Sau cuộc họp, ông Jaishankar đăng tweet khẳng định binh sĩ Ấn Độ được trang bị vũ trang nhưng quyết định không sử dụng vì theo như các nghị định thư, vũ khí chỉ dùng để ngăn chặn xung đột leo thang.

Hôm 18/6, ông Anurag Srivastava - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết quan chức hai nước đang tiếp tục hội đàm cùng nhau.

Trong một tuyên bố ngắn gọn, Thủ tướng Modi nói Ấn Độ muốn hòa bình, tuy nhiên "nếu bị khiêu khích, chúng tôi sẽ đáp trả thích đáng".

Mặc dù New Delhi không đưa ra dấu hiệu chính thức nào về kế hoạch đáp trả Bắc Kinh, các phương tiện truyền thông lại đưa tin Ấn Độ đang tìm cách hạn chế lợi ích kinh doanh của Trung Quốc ở nước này.

Các biện pháp đáp trả tiềm năng gồm yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của chính phủ không sử dụng thiết bị của Trung Quốc và xem xét lại các dự án cơ sở hạ tầng nhà nước do các công ty Trung Quốc thực hiện.

Dedicated Freight Corridor Corporation of India - một công ty nhà nước Ấn Độ, đã chấm dứt hợp đồng trị giá 62 triệu USD từng giao cho một công ty Trung Quốc do "tiến độ công việc kém", SCMP ví dụ.

Chính sách của Ấn Độ với Trung Quốc không còn mềm mỏng?

Trong 6 năm qua, New Delhi đã đề cao một chiến lược mới nhằm đối phó với Trung Quốc. Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp mặt 18 lần trong 6 năm qua, cùng hai hội nghị thượng đỉnh song phương không chính thức tại Vũ Hán vào năm 2018 và tại Chennai hồi năm ngoái.

Qua đó, các nhà ngoại giao Ấn Độ khẳng định chiến lược của New Delhi là nhằm tăng cường mối quan hệ song phương và không cho phép các điểm vướng mắc như biên giới chiếm trọng tâm.

Một số nhà phân tích chính sách như ông Madhav Das Nalapat tin rằng chiến lược này sắp thay đổi.

"Từ lâu, Ấn Độ đã khẳng định tranh chấp biên giới sẽ không làm lu mờ quan hệ song phương trên các mặt trận khác.

Tuy nhiên, các vách ngăn này giờ đã biến mất. Phát biểu mới nhất của ông Modi cho thấy hợp tác kinh doanh sẽ không diễn ra như thường lệ", ông Nalapat - trưởng khoa địa chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Manipal (Ấn Độ), cho hay.

"Suốt thời gian qua, Trung Quốc chưa phải trả bất kì cái giá nào cho hành vi xâm lấn biên giới Ấn Độ", ông Nalapat nói thêm.

Ấn Độ có thể "ngả lưng" về phía Mỹ

Giáo sư Pant của King's College nhận định chính sách đối ngoại của Ấn Độ sẽ thay đổi nhanh chóng, đồng thời trật tự thế giới sẽ được sắp xếp lại.

"Theo một số cách hiểu, cuộc tranh chấp biên giới đã giải phóng chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Chính quyền New Delhi liên tục vật lộn trong thế tiến thoái lưỡng nan khi phải cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Cán cân này không còn cơ sở nào để tồn tại ngay lúc này", ông Pant lí giải.

Vị học giả của King's College cho rằng Ấn Độ có thể khiến Trung Quốc phải chịu tổn thất về kinh tế.

"Bây giờ, Ấn Độ có thể lấy 5G ra khỏi bàn đàm phán, tức không cho phép gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei triển khai mạng internet thế hệ mới.

Chúng tôi nhận thấy các công ty Trung Quốc cũng đang không được phép tham gia đấu thầu dự án nhà nước và còn bị áp một số hạn chế về đầu tư. Ấn Độ sẽ đẩy nhanh tất cả các biện pháp trừng phạt này", ông Pant lí giải.

New Delhi bây giờ sẽ phải xem xét lại các quan hệ địa chính trị của mình. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, Washington đã công bố kế hoạch xây dựng một liên minh toàn cầu nhằm kiềm chế Bắc Kinh hậu COVID-19 bằng cách mở rộng nhóm G7 để thêm Ấn Độ, Australia, Nga và Hàn Quốc vào.

Cuộc đụng độ tại biên giới tối hôm 15/6 có thể thúc đẩy Ấn Độ tham gia vào kế hoạch của Mỹ. Ngoài ra, Ấn Độ cũng có thể tham gia vào chiến lược Indonesia - Thái Bình Dương do Mỹ dẫn dắt nhằm mục đích kiểm soát sự bành trướng của Trung Quốc, SCMP dẫn lời ông Harsh Pant nói thêm.

Một chỉ huy quân sự cấp cao của Ấn Độ, từng phục vụ tại khu vực biên giới xảy ra vụ đụng độ gần đây, cho rằng tâm lí thù địch giữa hai bên sẽ tiếp tục.

Ông Vinod Bhatia - cựu giám đốc phụ trách các hoạt động quân sự chung và là trung tướng đã về hưu của Ấn Độ, nhận thấy New Delhi cần tăng cường khả năng phòng thủ khẩn cấp.

"Hai nước không thể gánh nổi một cuộc chiến và tình hình nhiều khả năng cũng không leo thang đến mức phải nổ ra chiến trận. Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ cần phải nghiên cứu lại các thỏa thuận và nghị định thư hướng dẫn việc kiểm soát biên giới giữa hai nước, sau đó cập nhật lại", cựu trung tướng Bhatia nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trung-an-tranh-chap-bien-gioi-an-do-se-dap-tra-bang-kinh-te-20200619231324818.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/