Top 10 sai lầm khiến bạn nghèo bền vững

Hãy tiết kiệm số tiền bạn kiếm được hằng tháng và dành thời gian để lập một kế hoạch tài chính hợp lí.

Chúng ta cùng điểm lại một số sai lầm tài chính phổ biến nhất kiến bạn luôn kiệt quệ tiền bạc. Ngay cả khi bạn đang trong tình trạng khó khăn thì việc tránh những sai lầm này sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn mức chi tiêu của mình, theo Investopedia.

1. Không kiểm soát những khoản chi tiêu lặt vặt

Tưởng chừng sẽ không tốn kém khi bạn mua một cốc double-mocha cappuccino, một bao thuốc lá, ăn tối hoặc chi trả cho mỗi buổi xem phim nhưng nếu công dồn những khoản chi tiêu nhỏ nhặt này thì bạn sẽ mất một khoản tiền tương đối lớn. 

Chỉ cần 25 USD (hơn 500 nghìn đồng) mỗi tuần cho việc ăn uống đã tiêu tốn của bạn 1.300 USD mỗi năm, tương đương với số tiền bạn có thể trả cho các khoản nợ thế chấp hoặc phí sửa xe ô tô. Nếu bạn đang gặp vấn đề về tài chính thì bạn phải tránh lỗi chi tiêu này.

2. Lãng phí tiền bạc cho những thứ không cần thiết

Hãy tự hỏi bản thân xem có thực sự cần thiết những dịch vụ tính phí hằng tháng, hằng năm  như phí truyền hình cáp, hòa nhạc hoặc phí phòng tập không. Khi kinh tế eo hẹp hoặc chỉ đơn giản là muốn tiết kiệm tiền bạc nhiều hơn thì bạn nên cắt giảm tối đa những chi tiêu không cần thiết.

3. Sử dụng thẻ tín dụng

Sử dụng thẻ tín dụng để chi trả cho các nhu yếu phẩm ngày nay đã trở nên thông dụng với mọi người. Số lượng người tiêu dùng sử dụng thẻ tín dụng để chi trả tiền xăng xe, đồ tạp hóa và một số các mặt hàng khác ngày càng tăng lên, bạn đừng là một trong số họ nhé. 

Lãi suất thẻ tín dụng làm cho giá của các mặt hàng bị tính giá cao hơn. Sử dụng thẻ tín dụng sẽ khiến bạn chi tiêu nhiều hơn mức tiền lương bạn kiếm được.

4. Mua xe ô tô mới

Hàng triệu chiếc xe mới được bán ra mỗi năm cho những người mua không có đủ tiền mặt để chi trả cho chiếc xe. 

Bằng cách vay tiền để mua xe, người tiêu dùng phải trả lãi cho một tài sản mất giá theo thời gian, điều này làm tăng sự khác biệt giữa giá trị của chiếc xe và giá phải trả cho nó. Tệ hơn là mỗi chiếc xe chỉ được sử dụng từ 2 tới 3 năm rồi lại được thay mới.

Giá của mỗi chiếc xe ô tô thực sự đắt đỏ, trừ trường hợp bạn phải mua một chiếc xe để phục vụ công cuộc kiếm sống mỗi ngày, trong các trường hợp khác, nó thực sự không đáng để bạn đi vay một số tiền lớn như vậy.

Trong trường hợp thực cần mua một chiếc xe hơi hoặc vay tiền để mua xe, bạn hãy xem xét việc mua một chiếc xe sử dụng ít xăng, chi phí phải trả cho bảo hiểm và các dịch vụ bảo trì ở mức thấp nhất.

5. Chi quá nhiều tiền cho ngôi nhà của bạn

Khi tính tới việc mua nhà, bạn không nên chọn mua một căn quá rộng nếu chỉ ở một mình. Trong trường hợp bạn có một gia đình đông người, việc chọn mua một ngôi nhà rộng 6.000 m2 cũng đồng nghĩa với việc bạn phải chi nhiều tiền hơn cho các loại thuế, phí bảo trì cùng một loạt các tiện ích đắt tiền khác. 

Bạn có muốn mình phải chi trả một khoản tiền lớn như vậy hằng tháng không?

_00387048-e843-11e6-93cc-bb55973994db

Bạn hãy ưu tiên dành thời gian lên kế hoạch tài chính của mình - Ảnh: Investopedia

6. Bán ngôi nhà bạn đang ở

Việc bán ngôi nhà của bạn đang ở cũng sẽ kiến bạn mất hàng ngàn USD để đóng thuế và các chi phí theo qui định.  Suy cho cùng, bạn sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn cho ngôi nhà của mình so với giá trị của nó, điều này thật sự không sáng suốt. 

Bạn có thể cho thuê để tích lũy thêm tiền hằng tháng thay vì bán nhà.

7. Bội chi

Theo dữ liệu của Cục dự trữ liên bang Mỹ, vào tháng 3 năm 2018, tỉ lệ tiết kiệm cá nhân của hộ gia đình Mỹ chỉ là 3,1%. Nhiều hộ gia đình đang bội chi và không tích lũy được một khoản tiền nào cả. Điều này khiến họ thực sự gặp khó khăn nếu trong tương lai xảy ra những biến cố không mong muốn cần dùng tới tiền.

Nhiều nhà hoạch định tài chính sẽ khuyên rằng bạn nên tích cóp một số tiền đủ để cho bạn chi tiêu trong 3 tháng, số tiền này sẽ giúp bạn đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong giai đoạn thất nghiệp hoặc có bất cứ vấn đề phát sinh nào cần dùng đến tiền mặt.

8. Không biết cách đầu tư

Nếu bạn không biết cách đầu tư tiền để mang lại thêm nguồn thu nhập khác cho mình thì bạn sẽ phải tiếp tục làm việc cho tới già. Việc tích góp hàng tháng cho tài khoản hưu trí là điều rất cần thiết để bạn có thể nghỉ hưu trong sung túc. 

Tuy nhiên, hãy tận dụng các tài khoản hưu trí được hoãn thuế và các chương trình bảo trợ lao động của bạn. Bạn nên tìm hiểu nhiều hơn về các khoản bạn có thể đầu tư và mức độ rủi ro bạn có thể chịu đựng. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến một số cố vấn tài chính để nhận được lời khuyên đầu tư phù hợp nhất từ họ.

9. Trả hết nợ bằng tiền tiết kiệm

Bạn có thể nghĩ rằng nếu khoản nợ của bạn tiêu tốn 19% và tài khoản hưu trí của bạn sẽ kiếm được 7% lãi xuất và bạn sẽ dùng tiền tiết kiệm này để trả hết nợ. Điều này thực sự không hề có lợi như bạn nghĩ. Ngoài việc mất đi lãi kép, bạn sẽ rất khó để có thể bù lại số tiền tiết kiệm kia và bạn có thể phải chịu những khoản phí khổng lồ. 

Lấy tiền từ tài khoản hưu trí để trả hết nợ có thể là một lựa chọn khả thi nhưng ngay cả những người tiết kiệm chi tiêu nhất cũng thực sự phải trật vật trong một thời gian dài mới tích cóp lại được khoản hưu trí này. 

Khi khoản nợ được trả hết, bạn sẽ rất dễ quay lại thói quen chi tiêu hoang phí như trước đây, điều đó đồng nghĩa rằng bạn rất có thể lại rơi vào tình trạng nợ nần như trước đây. Nếu bạn trả hết nợ bằng tiền tiết kiệm, bạn phải sống như bạn vẫn còn một khoản nợ phải trả và tích cóp tiền đó cho quĩ hưu trí của mình.

10. Chi tiêu không có kế hoạch

Tương lai tài chính của bạn phụ thuộc vào những gì đang diễn ra ngay ngày hôm nay. Mọi người dành vô số giờ để xem TV hoặc lướt web nhưng it người dành ra hai giờ một tuần để lập ra kế hoạch tài chính của họ. Bạn hãy ưu tiên dành thời gian lên kế hoạch tài chính của mình.

Để tránh xa những nguy cơ của bội chi, bạn nên bắt đầu bằng cách theo dõi các chi phí nhỏ, sau đó chuyển sang giám sát các chi phí lớn. Hãy suy nghĩ cẩn thận trước làm phát sinh thêm nợ mới và hãy tránh chi tiêu cho những thứ bạn không có sẵn tiền để chi trả cho chúng. 

Cuối cùng, hãy tiết kiệm số tiền bạn kiếm được hằng tháng và dành thời gian để lập một kế hoạch tài chính hợp lí.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/top-10-sai-lam-khien-ban-ngheo-ben-vung-20190906110740063.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/