Tổng Giám đốc IEA: Châu Âu có nguy cơ hỗn loạn do khủng hoảng năng lượng

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng các quốc gia châu Âu có thể mất đoàn kết trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng.

Theo Financial Times, Tổng Giám đốc của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo các quốc gia châu Âu về một cuộc tranh giành năng lượng trong mùa đông này có khả năng phá vỡ sự thống nhất của Liên minh châu Âu (EU) và tạo nên bất ổn xã hội.

Ông Fatih Birol, Tổng Giám đốc IEA lo ngại về một nguy cơ “như miền Viễn Tây” nếu các nước châu Âu hạn chế thương mại hoặc ngừng hợp tác với những người hàng xóm giữa những lo ngại về thiếu hụt nhiên liệu. "Miền Viễn Tây" là thuật ngữ để chỉ phía tây nước Mỹ vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nơi vẫn còn hoang sơ, hỗn loạn và đầy rẫy tội phạm.

“Những tác động tới ngành năng lượng, kinh tế sẽ rất lớn, nhưng chính trị sẽ chịu ảnh hưởng cực kỳ tồi tệ”, ông Birol tuyên bố hôm 22/9 tại Diễn đàn Hành động Năng lượng Sạch Toàn cầu. “Nếu châu Âu thất bại trong bài kiểm tra lần này, ảnh hưởng sẽ vượt ra ngoài lĩnh vực năng lượng”, ông cảnh báo.

Quan hệ giữa các quốc gia châu Âu đang ngày càng căng thẳng khi toàn khối đang cố gắng duy trì một mặt trận thống nhất trong bối cảnh giá năng lượng gia tăng, đẩy châu lục tới nguy cơ suy thoái.

Khủng hoảng đang đến gần làm dấy lên lo ngại rằng một số quốc gia sẽ phá bỏ các thỏa thuận để có được nguồn cung từ Nga hoặc hạn chế xuất khẩu năng lượng tới những người hàng xóm.

Ông Birol cho biết có “hai viễn cảnh”: “Các thành viên EU sẽ cùng đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau … hoặc thân ai nấy lo”.

“Một trong những giá trị cốt lõi của EU là đoàn kết. [Sự chia rẽ] sẽ ảnh hưởng đến sức ảnh hưởng của EU trên toàn thế giới”, ông Birol cảnh báo về viễn cảnh thứ hai. Những người hàng xóm của Na Uy tuần trước đã cáo buộc Oslo cư xử “ích kỷ” khi xem xét việc ngừng xuất khẩu điện để làm đầy các hồ chứa.

Ông Andreas Bjelland Eriksen, người phát ngôn Bộ Dầu khí và Năng lượng Na Uy phủ nhận khả năng ngừng xuất khẩu. Tuy nhiên, ông nói với Financial Times rằng Oslo sẽ “ưu tiên bơm đầy các hồ chứa thủy điện, với lý do tương tự như việc các quốc gia châu Âu đang cố gắng làm đầy các kho [dự trữ] khí đốt”.

EU đã vấp phải sự phản đối từ Hungary và một vài nước thành viên trong việc tăng cường trừng phạt lên Nga. Ông Birol cũng cảnh báo rằng châu Âu không nên tự mãn sau khi đã đạt mục tiêu dự trữ khí đốt cho mùa đông.

 

Kể cả nếu châu lục già tránh được “những bất ngờ tiêu cực” về nguồn cung khí đốt, nhưng nếu mùa đông lạnh hơn dự kiến, thì châu Âu vẫn sẽ phải gánh chịu những “vết bầm” trong những tháng tới, bao gồm suy thoái kinh tế và “thiệt hại đáng kể với ngân sách hộ gia đình”

Ông cho rằng cuộc khủng hoảng tại châu Âu sẽ kéo dài tới năm 2023, do nguồn cung toàn cầu trì trệ và khả năng cạnh tranh khí đốt khi nhu cầu của Trung Quốc và các nhà nhập khẩu khác phục hồi.

“Không có nhiều dự án khí đốt mới được triển khai. Đường ống của Na Uy, Algeria và Azerbaijan đang chạm tới công suất tối đa. [Giai đoạn sắp tới] sẽ vẫn khó khăn”, ông cho biết.

Nhưng đồng thời, ông Birol cũng kiên quyết rằng Moscow đã “thua cuộc chiến năng lượng” với châu Âu khi châu lục già tìm kiếm những nhà cung ứng thay thế.

Trước xung đột, đa số khí đốt và dầu của Nga đi tới châu Âu. “Nga đã mãi mãi mất đi một khách hàng tốt. Người khách hàng trả tiền đúng hạn và không tạo ra bất cứ vấn đề chính trị nào”, ông Birol nói.

Tổng Giám đốc IEA cũng bác bỏ những nỗ lực của Moscow nhằm chuyển hướng sang thị trường châu Á. “[Khí đốt] không phải là thứ có thể bán dễ dàng. Bạn phải xây dựng đường ống, cơ sở hạ tầng, logistics. [Những nỗ lực này] sẽ cần ít nhất 10 năm”, ông cho biết.

Nga sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sản lượng khi các lệnh trừng phạt hạn chế nước này tiếp cận công nghệ và vốn từ phương Tây để sửa chữa các mỏ dầu và khí đốt cũ kĩ, ông nói thêm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tong-giam-doc-iea-chau-au-co-nguy-co-hon-loan-do-khung-hoang-nang-luong-2022923102710107.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/