Tới 60% doanh nghiệp B2C hưởng lợi từ mạng xã hội, cơ hội cho các mạng xã hội Việt còn rất lớn

Mạng xã hội đang đóng một vai trò ngày càng lớn trong kinh doanh, nên giới phân tích không ngạc nhiên khi nhiều mạng xã hội nội địa xuất hiện tại thị trường Việt Nam.

Xu thế "làm mạng xã hội" tại Việt Nam

Tính trong năm 2019, ít nhất 3 mạng xã hội của Việt Nam ra đời gồm GAPO, Hahalolo và Lotus. Đặc điểm chung của cả 3 mạng xã hội là đều đặt ra những mục tiêu rất cao.

Đến tháng 12/2019, GAPO đã chạm mốc 1 triệu lượt tải ứng dụng, nhưng vẫn cách tương đối xa mục tiêu đạt 3 triệu người dùng sau vào đầu năm 2020. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Lotus cũng đã có 1 triệu người dùng vào thời điểm tháng 11/2019 dù xuất hiện sau GAPO.

Sơn Tùng có kế hoạch ra mắt mạng xã hội SkySocial trong năm 2020. Ảnh: M-TP Entertainment.

Sơn Tùng có kế hoạch ra mắt mạng xã hội SkySocial trong năm 2020. Ảnh: M-TP Entertainment.

Không những vậy, hàng loạt các mạng xã hội của Việt Nam khác cũng có ý định triển khai trong năm 2020. SkySocial - mạng xã hội do công ty M-TP Entertainment của ca sĩ Sơn Tùng, dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay.

Trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 3, một số mạng xã hội khác cũng đã gọi vốn thành công như Liberzy (gọi vốn thành công 110.000 USD từ Shark Dũng) hay Astra (gọi vốn thành công 1 triệu USD từ Shark Hưng).

Thời gian sẽ trả lời câu hỏi "Các mạng xã hội Việt Nam có đạt mục tiêu hoặc cạnh tranh với các sản phẩm "ngoại" khác hay không?". Tuy nhiên, giới quan sát có thể thấy xu thế lập mạng xã hội đang ngày càng trở nên phổ biến ở doanh nghiệp Việt.

Những con số đáng kì vọng về mạng xã hội

Phần lớn doanh thu của các mạng xã hội đều có nguồn gốc từ chi phí quảng cáo của các doanh nghiệp kí kết hợp đồng. Để có nguồn thu, các mạng xã hội phải tạo giá trị cho "khách hàng" của. 

Ở Việt Nam, xu thế kinh doanh qua mạng xã hội thậm chí còn phần nào mạnh hơn các nước trong khu vực. Đây chính là lí do khiến nhiều doanh nghiệp hay startup sẵn sàng đổ tiền để "làm mạng xã hội".

Báo cáo về ngành thương mại điện tử của iPrice cho thấy 7% lượng truy cập của các sàn thương mại điện tử lớn (Lazada, Tiki, Sendo, Shopee) đến từ mạng xã hội. Đây là con số cao hơn hẳn so với mức trung bình của khu vực là 59%.

"Công cụ lắng nghe mạng xã hội ghi nhận hàng triệu thảo luận về TMĐT hàng tháng. Đây là một trong những ngành có lượng thảo luận lớn và tăng trưởng nhanh nhất", người đại diện của công ty truyền thông YouNetMedia nhận xét.

Trong khi đó, báo cáo của CastingAsia về chiến lược marketing thông qua những người có tầm ảnh hưởng cũng chỉ ra tầm quan trọng của mạng xã hội với kinh doanh.

60% số công ty trong lĩnh vực B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) và 46% số công ty B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp) cho biết khách hàng của họ đưa ra quyết định mua hàng nhờ cảm hứng từ các nền tảng mạng xã hội.

Đằng sau xu thế làm mạng xã hội gốc Việt: 60% doanh nghiệp B2C và 42% doanh nghiệp B2C Việt Nam hưởng lợi từ nền tảng Facebook, LinkedIn, Instagram... - Ảnh 2.

Doanh nghiệp B2B nên tận dụng Twitter và LinkedIn trong khi các doanh nghiệp B2C nên sử dụng Facebook và Instagram. Ảnh: CastingAsia

Facebook vẫn là nền tảng mạng xã hội lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Tỉ lệ doanh nghiệp B2C hưởng lợi nhờ Facebook là 96%, còn tỉ lệ của doanh nghiệp B2B là 82%. 

Vị trí tiếp theo thuộc về Youtube, với tỉ lệ nhóm B2C và B2B lần lượt 82% và 81%. Trong khi đó, Instagram lại là nền tảng hướng các doanh nghiệp đến với người tiêu dùng nhiều hơn khi số công ty bán hàng tốt hơn nhờ nền tảng là 73% (B2C) và 40% (B2B).

Ở chiều ngược lại, các công ty trong lĩnh vực B2B tại Việt Nam nên tập trung bán hàng/marketing qua nền tảng Twitter và LinkedIn. Theo báo cáo, 93% số doanh nghiệp B2B hưởng lợi từ nền tảng LinkedIn trong khi con số này của Twitter là 83%.

Trên mạng xã hội, 61% số người dùng tại Việt Nam nhấp vào đường dẫn quảng cáo/bán hàng trên nền tảng. Ngoài ra, 80% số lượt nhấp mang hiệu ứng tích cực và có thể dẫn đến quyết định mua hàng và 74% trong số đó sẵn sàng chi đến 629 USD cho quyết định mua sắm của mình.

Kết lại

"Năm 2009, Instagram chưa hề tồn tại và khi chúng tôi rót vốn vào thời điểm đó, thị trường sụp đổ. Vì thế, lí do chính mà nhiều người xuất hiện trên chương trình là vì họ không còn nơi nào khác để tìm cơ hội đầu tư.

Ông Daymond John cho rằng mạng xã hội góp phần giúp các "cá mập" yên tâm đầu tư hơn. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Ông Daymond John cho rằng mạng xã hội góp phần giúp các "cá mập" yên tâm đầu tư hơn. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Còn hiện tại, chúng tôi biết rằng nhà đầu tư có thể thu hồi vốn chỉ trong 1 tháng nhờ vào các phương tiện truyền thông. Shark Tank còn có thể quảng bá cho startup và tiền của các nhà đầu tư sẽ an toàn hơn so với 10 năm trước", ông Daymond John, một trong những "cá mập" đời đầu tại Shark Tank Mỹ chia sẻ trong buổi giao lưu tại Việt Nam.

Việc mở ra các mạng xã hội không hề đảm bảo cho bất kì doanh nghiệp nào chắc chắn sẽ thành công. Mặc dù vậy, tầm quan trọng của mạng xã hội tới kinh doanh là điều không phải bàn cãi. Mạng xã hội là kênh truyền thông hai chiều, vừa tạo ra những cuộc thảo luận sôi nổi với độ phủ rộng khắp, vừa giúp khách hàng phản hồi với thương hiệu.

Các mạng xã hội gốc Việt vẫn còn tương đối sơ khai và phần nào yếu thế hơn so với những thương hiệu quốc tế. Dù vậy, với tiềm năng sẵn có của ngành, việc một ngày nào đó, một mạng xã hội nội địa chiếm thị phần đủ sức cạnh tranh vẫn rất đáng hi vọng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/toi-60-doanh-nghiep-b2c-huong-loi-tu-mang-xa-hoi-co-hoi-cho-cac-mang-xa-hoi-viet-con-rat-lon-20200319120121962.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/