Tín hiệu khởi sắc của vụ mía đường 2021-2022

Ngay trước vụ ép 2021-2022, các doanh nghiệp mía đường đã đồng loạt nâng giá thu mua mía từ người dân thêm 100.000 – 200.000 đồng/tấn so với vụ trước.

Nông dân phấn khởi vì giá mía tăng

Sau thời gian gặp khó khăn trước sức ép từ đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan, ngành mía đường trong nước đang cho thấy tín hiệu khởi sắc trở lại.

Từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã công bố giá thu mua mía trong vụ ép 2021-2022 với mức tăng 100.000 – 200.000 đồng/tấn so với vụ trước.

Theo Báo Nghệ An, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU) thông báo giá mía niên vụ ép 2021 - 2022 cơ bản tại ruộng là 1,1 triệu đồng/tấn (độ đường 10 CCS), tăng hơn 200 ngàn đồng/tấn so với niên vụ 2020 - 2021.

Đối với những hộ thu hoạch đầu vụ và cuối vụ ép sẽ được hỗ trợ thêm 20.000 đồng/tấn. Bên cạnh đó, NASU vẫn có chính sách tăng giá mía cho những chuyến mía có độ đường cao. Cụ thể, tăng mỗi độ CCS được tăng thêm 60.000 đồng.

Tất cả diện tích mía thu hoạch của huyện Quỳ Hợp đều được Công ty NASU bố trí vận chuyển về nơi sản xuất và thanh toán thuận tiện cho các hộ nông dân trồng mía. Vụ ép năm nay sẽ bắt đầu từ ngày 15/12/2021.

Tương tự, Công ty CP mía đường Sông Con cũng tăng giá thu mua mía loại 1 tại ruộng trên địa bàn tỉnh lên mức 1.050.000 đồng/tấn, tăng thêm 130.000 đồng/tấn so với năm ngoái (920.000 đồng/tấn). Trong 10 ngày thu hoạch đầu tiên, phía công ty hỗ trợ thêm 30.000 đồng/tấn, tức 1.080.000 đồng/tấn, là mức giá cao nhất trong những năm trở lại đây.

Còn theo Báo Gia Lai, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTC Gia Lai) đã công bố chính sách thu mua mía tại nhà máy trong vụ ép 2021-2022 từ hơn 1,16 - 1,22 triệu đồng/tấn mía tươi sạch 10 chữ đường (CCS). Đây là mức giá cao nhất từ năm 2018 đến nay, giúp người trồng mía khu vực Đông Nam tỉnh yên tâm đầu tư sản xuất.

Theo bà Vũ Thị Lan, Giám đốc TTC Gia Lai, giá thu mua mía nguyên liệu của TTC Gia Lai trong vụ ép năm nay tăng bình quân 170.000 đồng/tấn, tăng khoảng 20% so với vụ thu hoạch 2020-2021. Thời gian tới, tùy theo giá đường thực tế trên thị trường, Công ty sẽ cân đối điều chỉnh giá thu mua mía phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích để đồng hành cùng người trồng mía khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai.

Ngoài các công ty kể trên, giá thu mua mía của Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco), CTCP mía đường Sơn La… cũng đều tăng so với vụ trước.

Trước đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã ban hành công văn khuyến cáo các hội viên sản xuất của hiệp hội tùy vào hoàn cảnh thực tế các địa phương cần sớm xem xét hiệp thương với nông dân trồng mía để điều chỉnh tăng giá cho vụ mới sắp đến. Việc tăng giá phải đảm bảo người dân bù đắp đủ chi phí, có thu nhập đủ sống với cây mía, từ đó yên tâm phát triển cây mía phục hồi vùng nguyên liệu.

Cùng với giá mía, hiện giá đường trên cả nước cũng đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Tính đến cuối tháng 11, giá các đường trong nước đã tăng 36 – 40% (tương ứng tăng 5.200 – 5.600 đồng/kg) so với đầu năm nay, ở mức 19.000 – 19.400 đồng/kg đối với đường kính trắng, 19.400 – 19.600 đồng/kg đối với đường tinh luyện và 18.800 – 19.000 đồng/kg với đường vàng.

Biện pháp phòng vệ thương mại đang phát huy tính hiệu quả

Sự phục hồi của ngành mía đường trong nước được nhận định là do tác động tích cực từ biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan và xu hướng tăng giá của thị trường thế giới.

Số liệu của Cơ quan Hải quan Thái Lan cho thấy, xuất khẩu đường của Thái Lan vào Việt Nam trong 10 tháng năm 2021 đã giảm gần 70% (tương ứng giảm 805.659 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 349.539 tấn.

Tính riêng tháng 10, xuất khẩu đường của Thái Lan sang Việt Nam đã ghi nhận tháng sụt giảm thứ 9 liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái, với khối lượng chỉ đạt 10.817 tấn, giảm 91,7% so với cùng kỳ năm trước và giảm 28,2% so với tháng 9.

Đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan vào Việt Nam đã giảm rõ rệt ngay sau khi Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan từ giữa tháng 2 năm nay và chính thức đánh thuế ở mức 47,64% từ giữa tháng 6/2021.

Ngoài Việt Nam, lượng đường xuất khẩu của Thái Lan sang Indonesia và Myanmar cũng giảm lần lượt là 57,5% và 10,5% trong 10 tháng qua.

Ngược lại, khối lượng xuất khẩu đường của Thái Lan sang Campuchia lại tăng mạnh 28,3%, sang Malaysia tăng 10,5%, Lào tăng 20,3% so với 10 tháng năm ngoái.

Tín hiệu khởi sắc của vụ mía đường 2021-2022 - Ảnh 1.

Số liệu từ Hải quan Thái Lan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Mặc dù đường nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan đã giảm nhưng đường có nguồn gốc từ Thái Lan né thuế qua các nước ASEAN và đường nhập lậu tại khu vực biên giới Tây Nam vào Việt Nam lại đang có diễn biến hết sức phức tạp.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), số liệu xuất khẩu đường của Thái Lan cho thấy đường xuất khẩu từ Thái Lan đến Campuchia và Lào đều tăng so với cùng kỳ, bất chấp tình hình dịch bệnh COVID 19 đang xảy ra tại hai quốc gia này và lớn hơn nhiều so với số liệu xuất khẩu chính ngạch (có khai báo hải quan) từ hai quốc gia này vào Việt Nam.

Trong khi đó số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2021 Việt Nam đã nhập khẩu 106.459 tấn đường từ Campuchia và 73.974 tấn đường từ Lào, nhỏ hơn nhiều so với khối lượng đường hai quốc gia này đã nhập khẩu từ Thái Lan.

"Dữ liệu nêu trên là dấu hiệu rõ ràng cho thấy lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào hai quốc gia này chính là nguồn gốc của các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu đang diễn biến tại khu vực các tỉnh biên giới giữa Việt Nam với Campuchia và Lào", VSSA nhận định.

Xuất khẩu đường của Thái Lan sang một số thị trường chính trong tháng 10 và 10 tháng năm 2021

Thị trường

Tháng 10/2021 (tấn)

So với tháng 9/2021 (%)

So với tháng 10/2020 (%)

10 tháng năm 2021 (tấn)

So với 10 tháng năm 2020 (%)

Tổng

404.859

48,3

62,1

3.009.566

-41,7

Indonesia

209.498

119,1

10.119,4

895.620

-57,5

Campuchia

46.913

66,4

25,3

447.876

28,3

Việt Nam

10.817

-28,2

-91,7

349.539

-69,7

Hàn Quốc

30.094

260,9

531,9

215.792

-13,1

Đài Loan

18.511

-41,4

103,7

183.741

-21,5

Philippines

10.038

-63,8

153,0

145.602

20,5

Malaysia

7.083

0,8

9,1

141.229

10,5

Nhật Bản

13.040

118,4

23,5

124.326

12,9

Lào

13.959

82,7

123,3

103.643

20,3

Singapore

9.081

5,2

32,2

85.342

-14,1

Myanmar

12.018

-20,0

136,7

81.858

-10,5

Trung Quốc

11.166

56,1

24,6

68.958

-23,3

Thị trường khác

12.640

-16,0

-29,3

166.040

-51,8

Nguồn: Hải quan Thái Lan. (Tổng hợp: Hoàng Hiệp)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tin-hieu-khoi-sac-cua-vu-mia-duong-2021-2022-20211216070650983.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/