Tiền điện tử do chính phủ Trung Quốc phát hành sẽ hoạt động như thế nào?

Đồng tiền điện tử này sẽ có thể được ra mắt sớm nhất là ngày 11/11 (Ngày Độc Thân), vốn là ngày mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm tại Trung Quốc.

avatar_1567437020159

Ảnh: SCMP.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) được cho là sẽ phát hành tiền điện tử chính thức đến 7 tổ chức. Theo ông Paul Schulte, cựu giám đốc chiến lược tài chính toàn cầu của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, 7 tổ chức bao gồm Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc; Alibaba và Tencent; và Union Pay, sẽ được phân phối loại tiền điện tử này. 

Nhiều khả năng đồng tiền này sẽ có thể được ra mắt sớm nhất là ngày 11/11 (Ngày Độc Thân), vốn là ngày mua sắm nhộn nhịp nhất tại Trung Quốc trong năm.

Tại thời điểm ra mắt, những tổ chức tiếp nhận tiền sẽ chịu trách nhiệm phân phối tiền điện tử đến 1,3 tỷ người dân Trung Quốc, và những doanh nghiệp giao dịch bằng nhân dân tệ (NDT). Nguồn tin cho biết thêm rằng PBOC hy vọng đồng tiền này rồi sẽ đến tay những người tiêu dùng Mỹ và những nơi khác thông qua các mối quan hệ với ngân hàng đại lý ở phương Tây.

Kế hoạch Trung Quốc khi sử dụng một nhóm đa dạng các tổ chức đáng tin cậy để phân phối tiền điện tử gợi nhớ đến một số ý tưởng khác hiện đang xuất hiện trên thế giới. 

Ví dụ, Libra sẽ được hỗ trợ bởi một rổ tiền tệ do các ngân hàng trung ương phát hành, bên cạnh đó là sự hỗ trợ từ những công ty như Mastercard và Uber tại Mỹ, Vodaphone tại Anh và Mercado Pago tại Argentina. Và vào tuần trước, ông Mark Carney, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đã đưa ra ý tưởng về một loại tiền tệ mới được một số ngân hàng trung ương hỗ trợ, với mục đích thay thế USD trở thành loại tiền tệ dự trữ toàn cầu.

Ông Schulte, hiện đang điều hành một công ty nghiên cứu, cho biết: “Trung Quốc đang tiến dần đến việc triển khai tiền điện tử. Đây sẽ là ngân hàng trung ương đầu tiên làm việc này.”

Việc phát hành tiền điện tử của Trung Quốc sẽ được thực hiện trên cơ chế “hai tầng”. Vào ngày 10/8, tại Diễn đàn Tài chính Trung Quốc lần thứ 40, ông Mu Changchu, phó giám đốc Bộ phận Thanh toán của PBOC, đã từng miêu tả hệ thống “hai tầng” này, trong đó PBOC sẽ tạo ra tiền điện tử và một nhóm nhỏ các doanh nghiệp thương mại uy tín sẽ “trả cho ngân hàng trung ương toàn bộ 100%” [bằng Nhân dân tệ] để mua và phân phối tiền điện tử.

Ngoài việc tránh cho các ngân hàng địa phương và các tổ chức khác bị giảm bớt trung gian (*), ông Mu cho biết "hệ thống hai tầng" được thiết kế nhằm “kiềm hãm” nhu cầu về các đồng tiền mã hóa khác, củng cố vị thế đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, đảm bảo rằng ngân hàng trung ương duy trì quyền kiểm soát chính sách ảnh hưởng đến tiền tệ, tạo điều kiện cho người dân dùng tiền điện tử, phân tán rủi ro ngân hàng trung ương nắm tất cả các quyền hạn trực tiếp trong tay và khuyến khích sự cạnh tranh giữa các tổ chức tiếp nhận tiền điện tử.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng tiền điện tử của PBOC được dự đoán cung cấp cho Bắc Kinh nhiều quyền kiểm soát hệ thống tài chính hơn. Theo các bằng sáng chế được đăng ký, người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ tải một ví điện tử và đổi nhân dân tệ lấy tiền điện tử. PBOC cũng có thể theo dõi mỗi khi tiền đổi chủ.

(*) Giảm bớt trung gian (disintermediation) là tình trạng trong đó một tổ chức trung gian tài chính, ví dụ tổ chức tiết kiệm và cho vay, bị buộc phải giảm bớt quy mô hoạt động của mình do nhiều người rút tiền gửi ra và nó không thu hút được vốn mới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tien-dien-tu-do-chinh-phu-trung-quoc-phat-hanh-se-hoat-dong-nhu-the-nao-20190902221301101.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/