Thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu điều tra TikTok của Trung Quốc

Nền tảng mạng xã hội đang gây bão TikTok, do công ty Internet ByteDance vận hành, rơi vào danh sách các startup công nghệ Trung Quốc bị giới chính trị Mỹ ngắm tới, Nikkei Asian Review đưa tin.

Hôm thứ Tư (9/10), Thượng nghị sĩ Macro Rubio cho biết sẽ yêu cầu Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Mỹ (CFIUS) điều tra thương vụ thâu tóm Musical.ly (một ứng dụng sau đó được đổi tên thành TikTok) của ByteDance trong năm 2017, vì lí do kiểm duyệt nội dung.

"Tôi sẽ yêu cầu CFIUS điều tra vụ thâu tóm Musical.ly của TikTok", vị Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa viết trên mạng xã hội Twitter. "Hàng loạt bằng chứng cho thấy nền tảng TikTok ở thị trường phương Tây, có cả Mỹ, đang kiểm duyệt nội dung để phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ Trung Quốc".

Ông Rubio kêu gọi điều tra TikTok, một ứng dụng được tải hơn 1 tỉ lần trên khắp thế giới và được Facebook xem là đối thủ cạnh tranh, cách hai ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ đặt hai startup trí tuệ nhân tạo (AI) giá trị cao của Trung Quốc là SenseTime và Megvii vào danh sách đen về xuất khẩu. 

Oái ăm là Megvii vừa nộp đơn đăng kí chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu ở Hồng Kông.

Goldman Sachs, một trong những nhà bảo lãnh cho đợt IPO của Megvii, cho biết họ đang đánh giá lại vai trò của họ trong đợt IPO này khi xuất hiện những diễn biến gần đây.

Việc Mỹ nhắm đến các công ty công nghệ của Trung Quốc dường như đã vượt ra khỏi những công ty đã tồn tại lâu đời như "gã khổng lồ" viễn thông Huawei của Trung Quốc và "động" tới những "gã khổng lồ" thế hệ mới, nhiều trong số này có tuổi đời dưới 10 năm.

ByteDance, nổi tiếng là startup đáng giá nhất thế giới, được ghi nhận là đã mua Musical.ly với giá 1 tỉ USD.

Musical.ly được thành lập tại Thượng Hải vào năm 2014 và có hoạt động tại Quần đảo Cayman, nhưng Mỹ mới là thị trường chính của họ. Sau đó, Musical.ly bị ByteDance thâu tóm và đổi lại tên thành TikTok và từ đó đã hoạt động như phiên bản ở nước ngoài của ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc Douyin.

Mãi cho đến gần đây, các thách thức về pháp lí của TikTok ở thị trường nước ngoài như Mỹ, Anh và Ấn Độ có liên quan đến việc bảo vệ trẻ em (khi nhiều người dùng TikTok đang ở tuổi vị thành niên) cũng như bảo mật dữ liệu.

Thế nhưng, nay TikTok lại dính thêm cáo buộc về kiểm duyệt những nội dung nhạy cảm về chính trị, bao gồm biểu tình ở Hồng Kông. TikTok liền phản đối cáo buộc này.

"Chính sách nội dung và điều chỉnh của chúng tôi được đề xuất bởi nhóm nhân viên ở Mỹ và không bị ảnh hưởng bởi các chính quyền nước ngoài", bao gồm cả Trung Quốc, phát ngôn viên của TikTok cho biết trong một tuyên bố, đồng thời nói thêm Công ty đang xem xét thiết lập một ủy ban độc lập để tăng tính minh bạch.

CFIUS – một ủy ban liên ngành được phép xem xét các khoản đầu tư nước ngoài tại Mỹ để xác định nó có phải là mối quan ngại về an ninh quốc gia hay không – đã thu hút sự chú ý trong vài năm gần đây khi Washington siết chặt kiểm soát các khoản đầu tư từ Trung Quốc.

Paul Marquardt, đối tác tại công ty luật tập trung vào quy trình rà soát đầu tư nước ngoài Cleary Gottlieb, cho biết việc kiểm duyệt nội dung dường như không nằm trong những vấn đề mà CFIUS thường tập trung vào. 

"CFIUS không bỏ quên những giao dịch có thể gây tranh cãi, nhưng họ cũng khá kỉ luật về việc cố gắng chỉ xem xét những vấn đề về an ninh quốc gia", Marquardt nói thêm. "Dù rằng việc họ xem xét giao dịch của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị, nhưng câu trả lời họ đưa ra thì có lẽ không liên quan đến chính trị".  

Đầu năm nay, có thông tin tiết lộ rằng CFIUS đã yêu cầu Beijing Kunlun Tech, chủ sở hữu Trung Quốc của ứng dụng hẹn hò đồng tính Grindr có trụ sở tại Los Angeles, để thoái vốn khỏi công ty để ngăn chặn dữ liệu nhạy cảm về người dùng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thuong-nghi-si-my-yeu-cau-dieu-tra-tiktok-cua-trung-quoc-20191010151324426.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/