Thực hư việc PVN dùng 'mệnh lệnh hành chính' ép BSR bán hàng để cứu xơ sợi Đình Vũ

Để kêu gọi nhà đầu tư rót tiền vào giải cứu nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) đã ký thỏa thuận để đối tác được mua tối thiểu 35% lượng hạt nhựa (thành tố Pre) của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

thuc hu viec pvn dung menh lenh hanh chinh ep bsr ban hang de cuu xo soi dinh vu

Để giải cứu nhà máy xơ sợi Đình Vũ, PVN đã ký hợp đồng để đối tác được mua 35% hạt nhựa của BSR - Ảnh: N.AN

Tuy nhiên, thỏa thuận này đang được xem là dùng "mệnh lệnh hành chính" để ép BSR bán hàng và phải phá vỡ hợp đồng với đối tác đã ký trước đó là Công ty Opec?!

Theo thông tin phản ánh mà Cục phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) nhận được, trong 6 tháng đầu năm 2018, BSR đã 4 lần bán số hàng sản xuất dư hằng tháng theo giá kỳ hạn với thành tố Pre là 15 USD/tấn, 2 lần bán hàng sản xuất dư theo giá giao ngay với thành tố Pre là 52 USD/tấn.

Phá vỡ hợp đồng, chuyển đối tác mới?

Điều đáng nói, thành tố Pre được chào bán chênh lệch rất lớn với Pre thỏa thuận. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2018 BSR bán 13.000 tấn gây thiệt hại trên 2,8 triệu USD.

Trong 6 tháng cuối năm, BSR dự định còn bán cho đối tác mới với giá 15 USD/tấn, thiệt hại dự kiến là 444.000 USD.

Để thực hiện việc bán cho đối tác mới, BSR đã tổ chức cuộc họp với các khách hàng vào tháng 7-2018 về việc cắt giảm 35% khối lượng đã ký để bán cho Công ty An Phát Holding (APH).

Lý do là thực hiện theo chỉ đạo của PVN trong việc khởi động lại nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PV Tex).

Thông tin cho Tuổi trẻ Online, lãnh đạo PVN khẳng định không có khuất tất trong việc thực hiện hợp đồng phân phối sản phẩm nhựa PP của BSR.

Ông Đinh Văn Sơn - thành viên HĐTV PVN - khẳng định việc chọn APH làm đối tác vận hành lại Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ đã được tiến hành công khai, rộng rãi, đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo trong xử lý dự án chưa hiệu quả.

Về vấn đề bán sản phẩm nhựa PP của BSR, ông Đinh Văn Sơn cũng khẳng định trong quá trình đàm phán, trao đổi hợp tác, chuyện các đối tác khi đàm phán hợp tác tận dụng lợi thế, vị thế của nhau trong hoạt động kinh doanh là bình thường và phù hợp với các quy định pháp luật.

"Xin nhấn mạnh là PVN không can thiệp vào bất kỳ hợp đồng kinh tế nào, mà ở đây, PVN chỉ sử dụng những quyền được quy định theo pháp luật để yêu cầu người đại diện vốn của tập đoàn tại đơn vị để thực hiện chủ trương lớn của trong việc xử lý dự án kém hiệu quả" - ông Sơn khẳng định.

PVN không can thiệp mà "làm theo chủ trương"

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, cơ quan Thanh tra Chính phủ đã làm việc với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn về vấn đề chênh lệch giá bán. Theo đó, khẳng định việc bán sản phẩm là đúng quy định. Liên quan đến việc Bình Sơn ký hợp đồng bán sản phẩm cho đối tác mới, mặc dù thực hiện theo chủ trương hợp đồng đã ký với APH để giải cứu Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, nhưng được biết đến thời điểm này lãnh đạo BSR vẫn chưa ký bất kỳ một hợp đồng bán sản phẩm nhựa Pre cho APH.

Theo PVN, để xử lý nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTex), Ban chỉ đạo của Chính phủ đã quyết định phương án xử lý là ưu tiên hợp tác với các nhà đầu tư để khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn…

Do đó, từ tháng 9-2017, PVN và PVTEX đã tìm kiếm đối tác trên cơ sở đăng tải thông tin rộng rãi trên các kênh truyền thông. Tuy nhiên chỉ có tổ hợp APH trình hồ sơ đề xuất phương án hợp tác.

PVN cho biết sau đó đã tiến hành đấu thầu công khai, báo cáo cổ đông về năng lực của đối tác.

Đến ngày 20-4-2018, PVTEX và APH đã chính thức ký biên bản ghi nhớ, đàm phán hợp đồng hợp tác vận hành nhà máy.

Theo đó, APH sẽ bỏ toàn bộ các chi phí liên quan đến sửa chữa và bảo dưỡng tổng thể nhà máy, tuyển dụng và đào tạo lao động, thuê chuyên gia kỹ thuật nước ngoài... với chi phí vài trăm tỉ đồng.

"Trong phương án hợp tác, APH có đưa một số điều kiện về pháp lý, thuế, khấu hao, cổ phần hóa, tiêu thụ các sản phẩm hóa dầu. Trong đó có việc mua tối thiểu 35% lượng PP của BSR với các điều kiện mua bán tương tự như BSR đang áp dụng với các công ty khác" - PVN thông tin.

Tập đoàn này khẳng định thêm là toàn bộ quá trình lựa chọn APH là đối tác hợp tác vận hành Nhà máy xơ sợi Polyseste Đình Vũ đều được báo cáo Ban chỉ đạo và các bộ ngành có liên quan, bao gồm cả nội dung hợp tác giữa PVTEX và APH.

Do đó, PVN khẳng định thông tin công ty đối tác của BSR cho rằng việc hợp tác giữa PVTEX và APH khiến BSR phải cắt giảm 35% khối lượng sản phẩm nhựa PP theo hợp đồng đã ký để cung cấp cho APH theo "mệnh lệnh hành chính" của PVN là không đúng bản chất.

"Theo các quy định hiện hành, PVN với vai trò là cổ đông tại các doanh nghiệp chỉ đưa ra định hướng người đại diện vốn tại doanh nghiệp dựa trên lợi ích tổng thể và không phương hại đến lợi ích của bên thứ 3. Và tính đến nay, BSR vẫn đang đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng sản phẩm nhựa PP cho Opec theo đúng hợp đồng đã ký" - PVN khẳng định.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thuc-hu-viec-pvn-dung-menh-lenh-hanh-chinh-ep-bsr-ban-hang-de-cuu-xo-soi-dinh-vu-108168.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/