Thoái vốn, cổ phần hóa EVN: Vướng vì quá 'lắm mối' tham gia

Có nhiều lý do dẫn đến một DN nhà nước chậm triển khai cổ phần hóa (CPH), thoái vốn và với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng vậy.

Thoái vốn, cổ phần hóa EVN:  Vướng vì quá 'lắm mối' tham gia - Ảnh 1.

EVN sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu thoái vốn ngay trong năm 2019. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Theo EVN, tình trạng các cơ quan có thẩm quyền chậm xem xét, phê duyệt nội dung liên quan đến công tác CPH, thoái vốn hay việc nhiều cơ quan, bộ, ngành có ý kiến tham gia vào quá trình này được nhìn nhận là nguyên nhân mấu chốt gây khó khăn, vướng mắc cho quá trình CPH, thoái vốn của EVN theo đúng tiến độ.

Hoàn thành thoái vốn trong 2019

Ông Nguyễn Xuân Nam-Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Trong giai đoạn 2011-2015, EVN đã hoàn thành toàn bộ mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tập đoàn hoàn thành thoái vốn tại 100% DN không liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính của EVN. Ngoài ra, EVN hoàn thành giảm vốn tại Công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFinance) theo đúng quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, qua đó thu về hơn 2.044 tỷ đồng, thặng dư vốn 64 tỷ đồng, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của EVN. Bên cạnh đó, EVN cũng đã hoàn thành sắp xếp, tổ chức lại các DN trong Tập đoàn theo hướng chuyên môn hoá trong các khâu sản xuất điện, tập trung hoạt động trong lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh chính và có liên quan của EVN.

Bước sang giai đoạn 2016-2020, theo ông Nam, EVN đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong công tác CPH, thoái vốn. Cụ thể, EVN hoàn thành việc chuyển Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần từ ngày 1/10/2018. Ngay sau đó, cổ phần của EVNGENCO 3 (mã chứng khoán PGV) đã được giao dịch trên sàn chứng khoán UpCom. EVN cũng đã hoàn thành thoái, giảm vốn tại 2 DN trong tổng số 6 DN thuộc diện thoái vốn theo Quyết định số 852/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu DN thuộc EVN giai đoạn 2017-2020 của Thủ tướng, thu về hơn 296 tỷ đồng, thặng dư vốn gần 63 tỷ đồng.

Mới đây nhất, ngay ngày 23/8/2019, 16,25 triệu cổ phần trong tổng số 18,75 triệu cổ phần của EVNFinance do EVN sở hữu đã được đấu giá thành công. Với mức giá cho mỗi cổ phần là 13.480 đồng, EVN đã thu về 219,05 tỷ đồng. Như vậy, hiện EVN chỉ còn nắm giữ 2,5 triệu cổ phần tại EVNFinance, tương đương 1% vốn điều lệ tại công ty này.

Về kế hoạch trong thời gian tới, ông Nam chia sẻ: EVN đang tích cực triển khai thoái vốn tại các DN còn lại, với mục tiêu sẽ cơ bản hoàn thành công tác thoái vốn trong năm 2019. Bên cạnh đó, tất cả các DN thành viên, DN liên kết trong Tập đoàn đáp ứng đủ điều kiện đều đã đăng ký niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán và có vốn hóa thị trường cao hơn nhiều so với giá trị vốn đầu tư của chủ sở hữu.

"Lắm mối" nên vướng mắc

Nhìn nhận lại quá trình CPH, thoái vốn DN, theo EVN, Tập đoàn đã chủ động có các văn bản báo cáo, trình bày cơ quan thẩm quyền xem xét, phê duyệt các nội dung liên quan đến công tác CPH, thoái vốn.

Trong báo cáo về tình hình triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DN, CPH và thoái vốn gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN giữa tháng 5 vừa qua, EVN nêu rõ: "Khó khăn, vướng mắc là nhiều nội dung vẫn đang được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, chưa có ý kiến chỉ đạo để EVN triển khai thực hiện tiếp. 

Cụ thể, với công tác thoái vốn, trong các phương án và lộ trình thoái vốn tại 5 Công ty cổ phần mà EVN trình Ủy ban quản lý vốn nhà nước từ tháng 10/2018, có 3 phương án đã hết hiệu lực chứng thư thẩm định giá gồm: EVNFinance, Công ty CP Phong điện Thuận Bình (TBW) và Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh-CTCP (EEMC). Điều này đồng nghĩa với việc EVN sẽ phải thuê tư vấn thẩm định giá lần hai, do vậy sẽ kéo dài thời gian và phát sinh thêm chi phí, thủ tục thực hiện thoái vốn".

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, có nhiều đầu mối tham gia, cho ý kiến (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, Văn phòng Chính phủ) do còn có cách hiểu khác nhau về các văn bản quy phạm pháp luật và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 

EVN cũng không quên nhắc tới yếu tố: "Việc nghiên cứu, giải quyết của các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN mất nhiều thời gian. Thông thường, cần hơn 1 tháng để có ý kiến, thậm chí có phương án thoái vốn gần 5 tháng chưa có ý kiến chỉ đạo dẫn đến EVN mất cơ hội khi thị trường chứng khoán khởi sắc, mất thêm thời gian, chi phí định giá cổ phần".

Riêng về công tác CPH, EVN đã có sự phân tích từng trường hợp. Cụ thể như, công tác CPH Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2) có nguy cơ chậm tiến độ do chưa được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN thông qua kế hoạch CPH, phê duyệt dự toán chi phí CPH và đặc biệt là chưa lựa chọn tư vấn xác định giá trị DN. 

Nếu không có các công văn, quyết định phê duyệt, chỉ đạo theo thẩm quyền thì trước mắt việc công bố giá trị DN EVNGENCO 2 rất khó đáp ứng được thời gian theo yêu cầu. Bên cạnh đó, công tác CPH Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) và hồ sơ quyết toán CPH EVNGENCO 3 đang chờ ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và Thủ tướng Chính phủ.

Với những vấn đề trên, EVN kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN xem xét, có ý kiến chỉ đạo EVN về quyết toán CPH EVNGENCO 3; đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc điều chỉnh thời điểm xác định giá trị DN để CPH Công ty mẹ-EVNGENCO 1 (dự kiến 0h ngày 1/1/2020) và phê duyệt việc chuyển giao Chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng từ EVN sang EVNGENCO 1 sau khi dự án hoàn thành, vận hành thương mại; xem xét, có ý kiến về phương án sắp xếp, xử lý nhà đất của EVNGENCO 1 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

EVN cũng khiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN xem xét, phê duyệt kế hoạch tiến độ CPH EVNGENCO 2; sớm có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước về việc đăng ký Kế hoạch kiểm toán kết quả xác định giá trị DN để CPH Công ty mẹ-EVNGENCO 2.

Ông Phạm Đức Trung- Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương): Cần thực hiện nghiêm chế tài xử lý người đứng đầu DN không hoàn thành tiến độ cổ phần hóa

Trong CPH DN nhà nước, trước năm 2016, khá nhiều trường hợp đánh giá không đúng giá trị tài sản của DN, xử lý tài chính sai nguyên tắc, vi phạm chế độ, gây thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng lớn đến lòng tin cũng như uy tín của chính sách cổ phần hoá.

Tuy nhiên từ năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 32/2018/NĐ-CP đã sửa đổi căn bản, thể chế hóa nhiều chủ trương nhằm tạo hành lang pháp lý cho CPH, thoái vốn nhà nước.

Tuy nhiên, từ góc độ kết quả thực hiện CPH trong thời gian qua, tôi thấy có hai vấn đề. Thứ nhất là chậm. Chậm so với kế hoạch của từng năm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu. Tuy nhiên, tôi không lo ngại việc chậm về mặt số lượng của cả giai đoạn 2016-2020. Có lẽ đến năm cuối năm 2020, chúng ta vẫn có thể hoàn thành được số lượng DN cổ phần hóa. Tuy nhiên, từ góc độ nghiên cứu, từ góc độ tổng thể, tôi lo ngại việc bán cổ phần. Đối với DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, khi bán cổ phần kết quả chưa được như mong muốn. Ví dụ như Tổng công ty sông Đà, một thương hiệu lớn như vậy nhưng sau CPH, nhà nước vẫn phải nắm giữ tới 99% cổ phần do không bán được. Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu lớn hơn của cổ phần hóa, ảnh hưởng đến quá trình cơ cấu lại DN nhà nước cũng như cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế.

Nguyên nhân không bán được cổ phần cũng như việc CPH chậm có nhiều. Trước hết là do yếu tố khách quan từ thị trường, khả năng hấp thụ của thị trường đối với việc bán cổ phần nhà nước gặp những khó khăn nhất định. Hiệu quả của DN nhà nước trước khi CPH chưa đủ sức để hút các nhà đầu tư.

Điểm thứ hai là về chính sách CPH. Các quy định về CPH DNNN thời gian qua đã có nhiều đổi mới theo kinh tế thị trường. Tuy nhiên, vì có nhiều điểm mới nên gây ra sự lúng túng nhất định đối với công tác tổ chức thực hiện từ các DN cũng như các cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Quay trở lại câu chuyện phê duyệt, quy định là phải phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi quyết định phương án CPH. Theo phản ánh của rất nhiều DN, DN quy mô lớn có phạm vi hoạt động rộng khắp tất cả các địa phương, thậm chí có những DN, tập đoàn, tổng công ty trước đây chúng ta gọi là hạch toán toàn ngành, có chi nhánh, đơn vị phụ thuộc xuống đến các cấp quận, huyện. Như vậy, công tác thống kê đất đai, công tác đo đạc, công tác hoàn chỉnh hồ sơ, giấy tờ ở phạm vi rộng, đòi hỏi phải hoàn thành trước thời điểm quyết định phê duyệt CPH, quả thực gây lúng túng và gây khó khăn cho các đơn vị.

Ngoài ra, trong chính sách quy định về CPH còn có những điểm bất cập, thời gian qua đã có những sửa đổi, quy định mới. Tuy nhiên, khi sửa đổi và đưa vào thực hiện lại không thực hiện được bởi thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp luật, khiến quá trình định giá, đặc biệt là giá trị thương hiệu, giá trị văn hóa trở nên khó khăn.

Nhóm nguyên nhân thứ ba chính là tổ chức thực hiện. Rõ ràng là có nỗ lực chỉ đạo nhưng nỗ lực CPH, tái cơ cấu DN nhà nước, thoái vốn chưa ở mức cao, chưa quyết liệt như yêu cầu của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ.

Đảng và Nhà nước đã xác định CPH là một trong những giải pháp chủ yếu để sắp xếp lại DN nhà nước. Lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu thay thế, cách chức cá nhân không hoàn thành tiến độ CPH, xác định rõ trách nhiệm và có chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm các hành vi cản trở làm chậm tiến trình CPH. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc xử lý hầu như chưa có trường hợp nào. Đây có thể là lý do khiến các cá nhân nằm trong bộ phận nhỏ trên cản trở tiến trình CPH không cảm thấy e ngại. Vì vậy, tôi cho rằng cần thực hiện nghiêm các chế tài xử lý không chỉ người đứng đầu của DN mà cả người đứng đầu cơ quan chủ sở hữu trong việc không hoàn thành tiến độ CPH.

Thanh Nguyễn


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thoai-von-co-phan-hoa-evn-vuong-vi-qua-lam-moi-tham-gia-20190915110156103.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/