Thị trường kỳ vọng Sacombank tái cấu trúc thành công, bất chấp khoảng cách với các đối thủ?

Thị giá tăng 41,4% kể từ đầu năm, cổ phiếu STB nằm trong nhóm cổ phiếu nổi bật trên thị trường. Tính riêng trong ngành ngân hàng, mức tăng của STB vượt qua những tên tuổi của nhóm ngân hàng tư nhân là MBB, TCB, ACB, vượt xa so với nhóm ngân hàng nhà nước là VCB, CTG, BID. Xét trong VN30, chỉ có NVL và VPB có mức tăng tốt hơn STB.

Vậy điều gì đã khiến cổ phiếu STB trở nên bùng nổ như vậy?

Kỳ vọng đẩy nhanh tốc độ xử lý tài sản có vấn đề, trong đó tâm điểm là phần tài sản đang được hạch toán tại trái phiếu VAMC. Nhìn lại quãng thời gian từ năm 2017 – nay, với sự góp mặt của chủ tịch Dương Công Minh, bảng tài sản đã phần nào bớt những màu ‘xám’.

Cụ thể giá trị gốc trái phiếu VAMC giảm từ 45.000 tỷ đồng xuống còn 27.000 tỷ đồng tính đến quý I/2021. Trong đó, Sacombank đã tiến hành trích lập dự phòng khoảng 4.600 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý trong giá trị tồn đọng tại VAMC của Sacombank đến từ khoản vay thế chấp 32,5% cổ phần (tương đương 586 triệu cp) của nhóm Trầm Bề (cựu chủ tích Sacombank).

Đây là khoản nợ được ông Trầm Bê nhận trách nhiệm giải quyết, nằm trong khối lượng nợ gốc 35.400 tỷ đồng đã được thế chấp bằng tài sản đảm bảo trị giá 43.000 tỷ đồng. Trong đó, có tài sản đảm bảo là bất động sản trị giá 33.000 tỷ đồng và khoảng 10.000 tỷ đồng được đảm bảo bằng khối lượng cổ phiếu STB nói trên.

Tại ĐHCĐ 2021, Chủ tịch Dương Công Minh gợi mở phương án xin được bán đấu giá khối lượng cổ phần này với giá bán được kỳ vọng trên 30.000 đồng/cp (giá thế chấp ban đầu khoảng 17.000 đồng/cp), ước tính thu về khoảng 20.000 tỷ đồng.

Thị trường kỳ vọng Sacombank tái cấu trúc thành công, bất chấp khoảng cách lớn trong kinh doanh với các đối thủ? - Ảnh 1.

Nguồn: Artinvestor tổng hợp.

Phần tài sản được thế chấp khác tại trái phiếu VAMC là hàng loạt các bất động sản, đa dạng từ khu công nghiệp đến trung tâm thương mại. So với nhiều ngân hàng, Sacombank được đánh giá là nhà băng ưu tiên tối đa tài sản đảm bảo là bất động sản (BĐS). 

Tổng giá trị tài sản BĐS được sử dụng thế chấp đến hết năm 2020 lên đến 570.000 tỷ đồng trong tổng giá trị của TSĐB là 680.000 tỷ đồng (tương đương 2 lần giá trị cho vay khách hàng).

Thị trường kỳ vọng Sacombank tái cấu trúc thành công, bất chấp khoảng cách lớn trong kinh doanh với các đối thủ? - Ảnh 2.

Nguồn: Artinvestor tổng hợp.

Với diễn biến thị trường BĐS đang ấm trở lại, nhà đầu tư kỳ vọng đây là cơ hội tốt giúp STB nhanh chóng xử lý trái phiếu VAMC thông qua đấu giá các BĐS. Nổi bật trong nhóm tài sản này là Khu công nghiệp Phong Phú (Bình Chánh) được giao đấu giá khởi điểm 7.600 tỷ đồngvào năm 2019.

Hiện đang được một số bên thị trường kỳ vọng sẽ thu về 16.000 tỷ đồng cho Sacombank. Với những hỗ trợ khách quan từ thị trường, chủ động trong các phương án xử lý, chủ tịch Minh kỳ vọng trái phiếu VAMC sẽ được xử lý xong trong năm 2022.

Không chỉ kỳ vọng tái cấu trúc thành công, vượt kế hoạch về tiến độ. Nhiều nhà đầu tư lạc quan đang rất mong đợi Sacombank quay trở lại thời hoàng kim nhờ quy mô hệ thống (566 chi nhánh và phòng giao dịch) và dư nợ cho vay lớn nhất khối ngân hàng tư nhân.

Quy mô huy động của Sacombank đạt khoảng 430.000 tỷ đồng trong đó hơn 80% là từ khách hàng cá nhân.

Sau nhiều năm tái cấu trúc, Sacombank có thể làm thỏa mãn kỳ vọng này?

Thực tế đang cho thấy quá trình tái cơ cấu của Sacombank cũng đã ghi nhận những điểm tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu và cải thiện hoạt động kinh doanh, tuy nhiên tái cấu trúc vốn là một giai đoạn không dễ dàng.

Năng suất lao động và hiệu quả khai thác doanh thu trên tài sản của Sacombank vẫn cần cải thiện để có thể bằng với những ngân hàng có quy mô tài sản tương đương.

Theo tính toán trong năm 2020, năng suất lao động trên từng nhân viên và phòng giao dịch của Sacombank lần lượt khoảng 915 triệu/người/năm và 30,5 tỷ/PGD/năm thấp hơn so với con số tương ứng 1,6 tỷ và 50 tỷ đồng của ACB hay 2,3 tỷ và 65 tỷ đồng của Techcombank.

Thị trường kỳ vọng Sacombank tái cấu trúc thành công, bất chấp khoảng cách lớn trong kinh doanh với các đối thủ? - Ảnh 3.

Nguồn: Artinvestor tổng hợp.

Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 3.339 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm trước và vượt 30% so với kế hoạch. Tuy nhiên, con số này chưa bằng 1/4 lợi nhuận của Techcombank, hay chỉ tương đương 1/3 MB và ACB.

Nhìn lại về năm 2011, quy mô doanh thu (TOI) và lợi nhuận nhà băng này là không hề thua kém, không những thế còn trội hơn nhóm các ngân hàng tư nhân lớn nhất hiện nay.

Thị trường kỳ vọng Sacombank tái cấu trúc thành công, bất chấp khoảng cách lớn trong kinh doanh với các đối thủ? - Ảnh 4.

Nguồn: Artinvestor tổng hợp.

Khó khăn trong tái cơ cấu khiến cho tốc độ phát triển của ngân hàng chậm lại. Đóng góp lợi nhuận trước thuế của thị trường phía Nam, nơi được coi là sân nhà của Sacombank, chỉ bằng 1/10 năm 2011. 

Trong khi ACB, được coi là đối thủ lớn nhất của Sacombank ở thời hoàng kim thì đóng góp của khu vực phía Nam đã tăng hơn 7 lần trong giai đoạn 2014 – 2020. Hiện lợi nhuận trước thuế phía Nam của ACB là hơn 7.000 tỷ đồng (tương đương 80% LNTT của ACB), trong khi tổng doanh thu ước khoảng 15.000 tỷ đồng. 

Ngoài đối thủ truyền thống thì những tên tuổi như MB, Techcombank,VPBank cũng định vị thị trường phía Nam là khu vực trọng tâm tăng trưởng.

Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2025, phát triển thị trường phía Nam là định hướng quan trọng của MB, khu vực mới chỉ đóng góp khoảng 25% tổng thu nhập với giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng, trong năm 2020 dự kiến sẽ sớm vượt qua quy mô doanh thu của Sacombank tại phía Nam.

Thị trường kỳ vọng Sacombank tái cấu trúc thành công, bất chấp khoảng cách lớn trong kinh doanh với các đối thủ? - Ảnh 5.

Nguồn: Artinvestor tổng hợp.

Đi sâu hơn vào bức tranh kinh doanh theo vùng miền của Sacombank thấy rằng, dư nợ cho vay khu vực phía Nam vẫn là trọng số chính tăng 3 lần trong 7 năm qua (tương đương CAGR +15,7%), tuy nhiên quy mô doanh thu tăng chưa tương xứng.

Đáng lưu ý, biên lãi ròng (NIM) khu vực phía Nam chỉ ở mức 3,0% so với 4,5% ở miền Bắc và Trung. Ngoài ra, hoạt động bán chéo, tăng doanh thu dịch vụ ở khu vực phía Bắc và Trung lại hết sức khiêm tốn khiến năng suất lao động tại hai khu vực này kém hơn miền Nam.

Có thể thấy, sau thời gian dài tập trung tái cấu trúc, Sacombank đang có khoảng cách xa với những đối thủ ngang hàng 10 năm về trước. 

Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu đôi khi không phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố cơ bản hiện tại mà còn chịu ảnh hưởng từ diễn biến của thị trường và kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Kể từ đầu năm khối ngoại mua ròng hơn 30 triệu cổ phiếu STB, tương đương giá trị giải ngân hơn 700 tỷ đồng trái ngược xu hướng bán ròng chung của toàn thị trường, cho thấy sức hấp dẫn nhất định của cổ phiếu STB. Tại báo cáo thường niên 2020, sở hữu nước ngoài ở Sacombank mới chỉ 9,36% do vậy trong ngắn hạn ‘room’ dành cho khối ngoại là rất dư giả.

Xa hơn, STB hoàn toàn có thêm câu chuyện mới từ việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, hơn ai hết lãnh đạo STB hiểu rằng chỉ có khối ngoại mới là chủ thể tiềm năng mang đến lượng vốn mới dồi dào hướng đến phục hưng đế chế Sacombank.

Năm 2017, khi trao đổi với báo chí cựu chủ tịch Đặng Văn Thành có chia sẻ tính toán nếu được tái cấu trúc STB thì phải cần đến 1 tỷ USD. Mặc dù đã nhiều năm tái cấu trúc, nhưng con số được ông Thành nhắc đến, hiện tại chắc cũng khó có thể giảm.

Ngoài ra, câu chuyện xoay quanh các nhóm cổ đông, cùng mong muốn tiếp tục gia tăng sở hữu nắm quyền chi phối STB cũng sẽ phản ánh lên diễn biến thị giá.

Theo báo cáo thường niên 2020, Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh là cá nhân chính danh sở hữu nhiều cổ phần STB nhất khoảng 3,31%. Để có thể thực hiện tham vọng đi xa cùng STB thì với chủ tịch Minh rõ ràng tỷ lệ trên là chưa đủ. Rộng hơn, ở Sacombank hiện nay chưa có nhóm cổ đông nào đủ lấn lướt về sở hữu cổ phần, (không bao gồm phần sở hữu thuộc VAMC do chủ thể không có tác động về mặt điều hành và chiến lược).

Do vậy, sự quyết tâm trong việc gia tăng tỷ trọng nắm giữ của một hay nhiều nhóm cổ đông có thể sẽ tạo động lực tích cực lên thị giá cổ phiếu STB. Các câu chuyện ngoài yếu tố cơ bản là một trong những động lực duy trì xu hướng tăng và giữ nền giá của STB ở mức cao đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Nathan Vu,

Founder Artinvestor

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thi-truong-ky-vong-sacombank-tai-cau-truc-thanh-cong-bat-chap-khoang-cach-voi-cac-doi-thu-20210504201727351.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/