Thị trường gỗ dán Việt Nam dự báo phục hồi từ quý II/2023

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, trong năm 2023, thị trường gỗ dán có khả năng phục hồi từ quý II/2023, tùy thuộc vào những thay đổi của tình hình kinh tế.

Thống kê của Trung tâm thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy năm 2021, tổng nhu cầu gỗ dán toàn cầu khoảng gần 40 tỷ USD, tương đương với khoảng trên 105 triệu m3. Năm 2022, cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến bức tranh ngành gỗ dán toàn cầu có sự thay đổi mạnh mẽ. 

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 đạt hơn 959 triệu USD giảm 0,3% về giá trị, trong khi lượng giảm 3% đạt 2,5 triệu m3.

Lạm phát tăng cao, niềm tin tiêu dùng thấp khiến hai thị trường xuất khẩu gỗ dán chính của Việt Nam là Mỹ (chiếm khoảng 40% tổng giá trị xuất khẩu năm 2022) và Hàn Quốc (chiếm 24% giá trị xuất) có xu hướng giảm từ tháng 7/2022, tới quý III/2022 tất cả nhà nhập khẩu mua hàng đều giảm hoặc dừng đơn hàng, trong đó, mở đầu là mặt hàng ván ép xây dựng, rồi ván ép nội thất.

Thêm vào đó, cuối quý III/2022 vụ kiện chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) có những diễn biến mới đã ảnh hưởng đến toàn ngành gỗ dán xuất khẩu đi Mỹ. Tiếp đó là mặt tủ bếp bị DOC khởi xướng điều tra đã tác động đến toàn bộ ngành tủ bếp của Việt Nam, từ đó, ảnh hưởng đến mặt hàng gỗ dán, đầu vào nguyên liệu cho mặt hàng tủ bếp. 

 

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, trong năm 2023, thị trường có khả năng phục hồi từ quý II/2023, tùy thuộc vào những thay đổi của tình hình kinh tế.

Đối với thị trường Mỹ, mặt hàng gỗ dán cốp pha phục vụ cho xây dựng sẽ hồi phục trước. Tiếp đến là gỗ dán phủ mặt birch (bạch dương) hoặc poplar (dương) phục vụ cho sản xuất mặt hàng tủ bếp. Dự báo, thị trường sẽ khởi động lại từ tháng 4 tới, nhưng để phục hồi và tăng trưởng tốt thì phải từ tháng 6, tháng 7/2023 trở đi.

Mặc khác, việc cước vận chuyển giảm, điều này giúp giảm sự dịch chuyển mặt hàng gỗ dán dùng để sản xuất sofa sang Mexico mà quay trở lại sản xuất tại Việt Nam. Do vậy, nhu cầu về gỗ dán cho sản phẩm ghế sofa cũng sẽ bắt đầu quay trở lại. Dự kiến, từ tháng 3/2023 trở đi, sự phục hồi của thị trường sẽ khá rõ ràng.

Đối với thị trường Hàn Quốc, kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Dòng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là gỗ dán thương mại với phân khúc tầm trung. Tại Việt Nam nhiều nhà máy đang tập trung sản xuất phục vụ thị trường này, dẫn tới việc cạnh tranh về giá rất khốc liệt, mà chưa tập trung và việc nâng cao chất lượng tạo chỗ đứng riêng. 

Malaysia, một trong 3 thị trường xuất khẩu gỗ dán chính của Việt Nam. Hiện nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng sang thị trường này. Trong đó, đối với gỗ dán phủ phim phục vụ cho xây dựng, cách đây 4 - 5 năm, Việt Nam xuất khẩu mạnh sang thị trường Hàn Quốc thì nay chuyển hướng sang thị trường Malaysia.

Nguyên nhân là sản xuất gỗ dán phủ phim tại thị trường Malaysia sụt giảm, các nhà máy sản xuất gỗ dán của họ gặp vấn đề về nhân công, chi phí sản xuất tăng, không cạnh tranh được với thị trường Việt Nam. Do đó, Malaysia nhập khẩu gỗ dán, đây cũng là lựa chọn tốt cho các doanh nghiệp sản xuất gỗ dán phủ phim của Việt Nam.

 

 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thi-truong-go-dan-viet-nam-du-bao-phuc-hoi-tu-quy-ii2023-202321074938462.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/