Thế khó của người quản lý vốn nhà nước khi đầu tư cho dự án khởi nghiệp

Nếu dự án khởi nghiệp nhận vốn nhà nước và thất bại, có thể người quản lý vốn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì làm thất thoát tài sản công.

Hồi tháng 5, chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (hay còn gọi là Đề án 844) để tạo lập môi trường thúc đẩy và hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Chính phủ cũng đề ra mục tiêu khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Đến năm 2025, chính phủ muốn hỗ trợ 2.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo, 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi vốn đầu tư thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng.

the kho cua nguoi quan ly von nha nuoc khi dau tu cho du an khoi nghiep
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, phát biểu trong cuộc họp báo hôm 10/10. Ảnh: Nhạc Dương

Hồi tháng 4, ông Từ Minh Hiệu – một quan chức của Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết, từ năm 2012 đến nay, lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực, sau Singapore, Indonesia và Malaysia.

Năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (KNST) với tổng số vốn hơn 291 triệu USD tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50% về mặt tổng số vốn đầu tư so với năm 2016. Mặc dù mức tăng trưởng tương đối mạnh mẽ, nhưng nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam vẫn tương đối khiêm tốn so với khu vực và trên thế giới. Theo Tech in Asia, năm 2017, khu vực Đông Nam Á đã thu hút 7,86 tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp. Như vậy số vốn đầu tư Việt Nam thu hút được chiếm tỷ phần rất nhỏ, chưa đến 5%.

Ở Việt Nam, không chỉ quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần mà các tập đoàn lớn như Quỹ đầu tư của FPT (FPT Ventures), Quỹ đầu tư của Viettel (Viettel Ventures), Quỹ sáng tạo CMC cũng tham gia hoạt động rót vốn cho start-up.

“Họ có nguồn vốn dành cho các start up đang ở giai đoạn ươm mầm”, ông Hiệu cho biết.

Số lượng nhà đầu tư thiên thần đang tăng dần. Các hoạt động tạo mạng lưới, câu lạc bộ để phát triển các dự án khởi nghiệp cũng tăng.

the kho cua nguoi quan ly von nha nuoc khi dau tu cho du an khoi nghiep
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cùng các quan chức giải đáp các câu hỏi trong cuộc họp báo hôm 10/10.

Mọi số liệu cho thấy, thị trường vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đang chứng kiến những hoạt động đa dạng, tương đối sôi nổi từ cả nguồn vốn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, quy mô vốn cũng như sự liên kết, hợp tác trong đầu tư vẫn còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Bối cảnh ấy khiến nhiều người kêu gọi chính phủ hỗ trợ vốn cho khởi nghiệp sáng tạo, song hàng loạt vấn đề về cơ chế, chính sách khiến nguyện vọng của họ chưa thể thành hiện thực ngay.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm 10/10 để công bố chuỗi hoạt động "Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018", ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thừa nhận rằng các Bộ vẫn đang phải phối hợp với nhau để tháo gỡ nhiều rào cản về cơ chế, đặc biệt là đối với hoạt động hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu trong cuộc họp báo ngày 10/10

Chẳng hạn, theo ông, khi nhà đầu tư nước ngoài rót vốn cho doanh nghiệp trong nước, nếu các cơ quan chức năng không kiểm ra kỹ, rất có thể nhiêu đối tượng sẽ coi Việt Nam là nơi rửa tiền. Ngoài ra, khi nhà đầu tư muốn chuyển lợi nhuận hoặc vốn góp ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, chính phủ cũng nên tạo điều kiện để họ thực hiện việc đó một cách thuận lợi mà không vi phạm luật pháp của chúng ta.

"Đây là vấn đề rất thực tiễn mà các Bộ, Ngành phải phối hợp, tham mưu để chính phủ ban hành những văn bản phù hợp", ông Tùng nhấn mạnh.

Vấn đề nữa là quản lý tiền của chính phủ trong các đầu tư khởi nghiệp. Theo ông Tùng, giả sử tỷ lệ start-up thành công là 10%, nghĩa là phần lớn dự án khởi nghiệp nhận vốn sẽ thất bại. Đó là quy luật tự nhiên.

"Song nếu quỹ đầu tư có vốn nhà nước, người quản lý phần vốn ấy sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì làm thất thoát tài sản công", Thứ trưởng nói.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/the-kho-cua-nguoi-quan-ly-von-nha-nuoc-khi-dau-tu-cho-du-an-khoi-nghiep-96872.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/