Tập đoàn Đèo Cả xin làm dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận quy mô gần 15.000 tỷ đồng

Trước Đèo Cả thì Liên danh Cienco6 - Coteccons - Thuận Việt cũng đã xin đầu tư mở rộng cao tốc TP HCM – Trung Lương và cam kết tự bỏ chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo khả thi cho dự án này.

Ngày 14/7, CTCP Tập đoàn Đèo Cả có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất đầu tư hai dự án cao tốc nói trên là TP HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2.

 Một góc cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật).

Hệ thống đường bộ từ TP HCM về các tỉnh miền Tây hiện có hai tuyến cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng gồm TP HCM - Trung Lương dài 39,8 km và tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,5 km. 

Tập đoàn Đèo Cả cho biết đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, TP HCM, Long An và CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Ngân hàng Vietinbank,... đề xuất triển khai giai đoạn 2 cao tốc TP HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận trên cơ sở giải phóng mặt bằng đã được hoàn thành bằng vốn ngân sách nhà nước theo quy mô 8 làn xe. 

Đối với dự án cao tốc TP HCM - Trung Lương, Đèo Cả đề xuất Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Long An làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư PPP, hình thức hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ). Đồng thời, tỉnh sẽ nghiên cứu đề xuất cơ chế tổ chức thu phí dự án giai đoạn 1 để tạo nguồn đầu tư giai đoạn 2, đảm bảo hoàn thành trong năm 2025. 

Tổng mức đầu tư dự kiến theo tính toán của Tập đoàn Đèo Cả là 5.355 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước khoảng 2.650 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 406 tỷ đồng và vốn huy động khác là khoảng 2.300 tỷ đồng.

Đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2, Đèo Cả đề xuất Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo phương thức đối tác công tư PPP, hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); song song làm việc với nhà đầu tư, các ngân hàng tài trợ vốn giai đoạn 1 tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 hoàn thành trong năm 2025 để đảm bảo khả thi phương án tài chính tổng thể dự án; thống nhất với doanh nghiệp dự án bổ sung trạm dừng nghỉ, kiểm tra kỹ thuật cứu hộ cứu nạn vào danh mục cơ sở vật chất của dự án để đảm bảo khai thác đồng bộ, an toàn, hiệu quả. 

Dự kiến tổng mức đầu tư là 9.504 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 4.700 tỷ (chiếm 50%), 720 tỷ là vốn chủ sở hữu (chiếm 15%), 4.084 tỷ đồng còn lại sẽ huy động từ các tổ chức tín dụng, hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Tập đoàn này cũng đề xuất với Chính phủ về việc xin tài trợ lập đề xuất 2 dự án, bao gồm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi thực hiện dự án.

 Bản đồ hai tuyến cao tốc mà Đèo Cả đề xuất thực hiện. (Ảnh: Đèo Cả).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tap-doan-deo-ca-xin-lam-du-an-mo-rong-cao-toc-tp-hcm-trung-luong-va-trung-luong-my-thuan-quy-mo-gan-15000-ty-dong-2022722144010178.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/