Tài sản cố định (Fixed Assets) là gì? Tại sao cần trích khấu hao tài sản cố định?

Tài sản cố định (tiếng Anh: Fixed Assets) là những tư liệu phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh, có giá trị lớn và tham gia vào nhiều chu kì sản xuất. Theo qui định hiện hành, các tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng và thời gian sử dụng trên một năm đủ điều kiện là tài sản cố định.

National-Housing-Bank-looks-to-cap-loans-advanced-by-housing-finance-companies

Hình minh họa. Nguồn: realtyplusmag.

Tài sản cố định (Fixed Assets)

Định nghĩa

Tài sản cố định trong tiếng Anh là Fixed Assets. Đó là những tư liệu lao động thỏa mãn đồng thời ba điều kiện:

(1) Có giá trị lớn

(2) Thời gian sử dụng dài

(3) Trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất với tư cách là tư liệu lao động

Theo thông tư 45/2013/TT-BTC, các tư liệu lao động được coi là tài sản cố định phải có giá trị từ 30 triệu đồng và thời gian sử dụng trên một năm. Các tư liệu lao động không đủ các tiêu chuẩn trên được gọi là các công cụ lao động nhỏ, được mua sắm bằng nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp.

Phân loại

Tài sản cố định bao gồm:

- Tài sản cố định hữu hình như máy móc, thiết bị, nhà xưởng

- Tài sản cố định vô hình như chi phí thành lập DN, chi phí mua phát minh, bằng sáng chế…

Đặc điểm

- Tài sản cố định tham gia nhiều quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Giá trị tài sản cố định được luân chuyển dần từng phần vào giá trị sản phẩm trong quá trình sản xuất kinh doanh.

- Tài sản cố định không thay đổi hình thái biểu hiện ban đầu cho đến khi bị hư hỏng hoàn toàn. Tuy nhiên, năng lực sản xuất của tài sản cố định bị giảm đi do hao mòn hữu hình và hao mòn vô hình. Trong đó:

• Hao mòn hữu hình: là sự hao mòn về mặt vật chất, về giá trị sử dụng và giá trị của tài sản cố định trong quá trình sử dụng. Nguyên nhân của hao mòn hữu hình trước hết là do thời gian, cường độ sử dụng tài sản cố định; việc chấp hành qui trình trong sử dụng và bảo dưỡng, sửa chữa tài sản cố định…

• Hao mòn vô hình: là sự giảm sút thuần túy về giá trị của tài sản cố địn, biểu hiện ở sự giảm sút giá trị trao đổi của tài sản cố định do ảnh hưởng của tiến bộ khoa học – kĩ thuật và công nghệ sản xuất.

Các thuật ngữ liên quan

Khấu hao tài sản cố định là việc phân bổ một cách có hệ thống giá trị phải thu hồi của tài sản cố định vào chi phí sản xuất kinh doanh trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản cố định.

Trích khấu hao tài sản cố định là hình thức thu hồi vốn đầu tư của DN xuất phát từ sự giảm dần về giá trị và giá trị sử dụng của tài sản cố định dưới tác động của hao mòn.

Mục đích của việc trích khấu hao tài sản cố định

Trong mỗi chu kì sản xuất, người ta tính chuyển 1 phần giá trị tương đương với mức hao mòn tài sản cố định vào trong giá thành phẩm. Khi sản phẩm được tiêu thụ lượng giá trị này được trích lại để hình thành nên quỹ khấu hao nhằm tái đầu tư tài sản cố định.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính; Giáo trình Tài chính tiền tệ, NXB Tài chính)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tai-san-co-dinh-fixed-assets-la-gi-tai-sao-can-trich-khau-hao-tai-san-co-dinh-20190808111342858.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/