Sức cạnh tranh của hạt điều kém hấp dẫn, nhà nhập khẩu mua hàng cầm chừng

Thay vì ký hợp đồng mua điều nhân dài hạn trong 6 - 9 tháng hoặc hơn thì năm nay, đơn hàng của các nhà nhập khẩu dài nhất cũng chỉ tới giữa năm, với số lượng hạn chế. Nhu cầu tiêu thụ cũng chưa có tín hiệu khả quan.

Nhu cầu giảm, đơn hàng xuất khẩu điều không còn sôi động

Năm 2022, dù đã xin điều chỉnh giảm chỉ tiêu xuất khẩu từ 3,8 tỷ USD xuống 3,2 tỷ USD nhưng cuối cùng ngành điều chỉ về đích ở mức hơn 3 tỷ USD. Năm 2023, ngành hàng đặt mục tiêu khiêm tốn ở mức 3,1 tỷ USD nhưng dự báo tình hình tăng trưởng vẫn chưa thể khả quan khi nhu cầu tiêu thụ tiếp tục ảm đạm khiến doanh nghiệp đối diện nhiều thách thưc. 

Chia sẻ với người viết bên lề hội nghị điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 12 diễn ra ngày 27/2, ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Sơn 1, cho hay trong tháng đầu năm nay, tình hình đơn hàng xuất khẩu của công ty sụt giảm khoảng 17-18% so với cùng kỳ năm ngoái do hạt điều đang phải cạnh tranh với các loại hạt khác như hạt óc chó, hạnh nhân,...  

"Các năm trước, những tháng đầu năm hoạt động sản xuất, bán hàng rất sối động, người mua đặt hàng rất nhiều. Tuy nhiên, năm nay rất ít đơn hàng. Nguyên nhân có thể là do nhu cầu của người tiêu dùng giảm hơn so với trong thời gian dịch COVID-19 diễn ra, người dân không còn tích trữ nhiều thực phẩm, tiêu thụ hiện nay đã quay trở về mức trước dịch", ông Huyên nói.    

Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Sơn 1. (Ảnh: Như Huỳnh)

Cũng theo đại diện Hoàng Sơn 1, giá nhân điều giảm khoảng 17%, trong khi hạt mắc ca đã giảm khoảng 35% so với cách đây hai năm, hạt óc chó, hạnh nhân cũng đã giảm mạnh. Sức cạnh tranh của hạt điều không hấp dẫn bằng các loại hạt khác, các nhà bán lẻ tập trung bán, phân phối hạt khác để có lãi tốt hơn hạt điều đã khiến việc tiêu thụ mặt hàng này giảm sâu. 

Đây không phải là câu chuyện riêng của một doanh nghiệp, ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), cho biết sau tết nông dân đã bắt đầu thu hoạch điều, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu xử lý nguyên liệu, chế biến, nhưng hợp đồng còn khá ít.

Theo ông Hiệp, trước đây, ngay từ đầu mỗi năm, đa số nhà nhập khẩu đã ký hợp đồng mua nhân điều trong 6 tháng, nhiều hợp đồng tới 9 tháng hoặc hơn. Nhưng đầu năm 2023, nhà nhập khẩu nào ký hợp đồng với thời gian mua dài nhất cũng chỉ tới giữa năm, với số lượng hạn chế. Nhìn chung, các nhà nhập khẩu đang mua một cách cầm chừng.

Do đó, đại diện Vinacas cho rằng trong thời gian tới, tình hình vẫn chưa có gì khả quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu điều.   

 Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần điều Long Sơn. (Ảnh: Như Huỳnh)

Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần điều Long Sơn, cũng nhận định rằng một số thị trường đang có sự ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...nhưng lượng hạt điều tiêu thụ không nhiều. Trong khi đó, hai thị trường tiêu thụ nhiều hạt điều nhất là Mỹ và EU thì vẫn rất khó khăn. Do đó, thị trường nhân điều năm 2023 vẫn chưa sáng sủa.

"Sau giai đoạn giãn cách vì COVID, người dân có xu hướng giảm tiêu thụ hạt điều, lạm phát tăng cao khiến họ phải thắt chặt chi tiêu, giảm các mặt hàng không quá thiết yếu như hạt điều. Trong khi đó, giá các loạt hạt giảm sâu và cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục tác động đến túi tiền người châu Âu  khiến việc tiêu thụ hạt điều cũng ảnh hưởng theo", ông Sơn cho hay.

Nguyên liệu không thiếu, thận trọng khi mua vào giá cao

Vinacas cho rằng trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp điều Việt Nam đều có thói quen thu mua ồ ạt điều thô vào đầu vụ. Điều này gây ra tình trạng tăng mua, khiến giá điều nhân luôn ở mức cao. Ngoài ra, do áp lực tài chính, điều thô mua về phải đưa vào sản xuất ngay và bán điều nhân ra để thu hồi vốn, từ đó dẫn tới tình trạng tranh bán, khiến giá điều nhân không thể tăng lên. 

Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Chính sách của Vinacas, cho rằng doanh nghiệp không nên mua vội vã mua nguyên liệu giá cao vì hiện nay sản lượng điều thô thế giới đang tăng, lượng tồn kho ở các quốc gia đều cao nên sẽ không có tình trạng thiếu nguyên liệu. 

“Việt Nam đang là quốc gia chế biến điều nhân số một thế giới, xuất khẩu điều nhân số một thế giới và cũng là nước nhập điều thô nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, mục tiêu hiện tại là sản xuất phải có lợi nhuận chứ không làm mọi cách để bán được hàng, thậm chí là chịu lỗ. Doanh nghiệp cần cân nhắc về sản lượng sản xuất, có đơn hàng đến đâu, mua nguyên liệu đến đó vì nguyên liệu đầu vào chiếm đến 85% chi phí sản xuất điều nhân”, ông Họa chia sẻ.

Ngành điều năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn, mục tiêu xuất khẩu khiêm tốn ở ức 3,1 tỷ USD. (Ảnh: Như Huỳnh)

Còn theo ông Vũ Thái Sơn, việc dự đoán, đánh giá thị trường rất quan trọng. Hiện nay điều thô nhập khẩu chủ yếu từ Campuchia, châu Phi nhưng khả năng phân tích, nắm bắt thị trường của nhiều đơn vị chưa tốt nên đã mua điều thô vào với giá cao. Do đó, trong năm nay, các doanh nghiệp cần phải cân nhắc thận trọng trong hoạt động mua điều thô để có hiệu hơn cho việc sản xuất, kinh doanh.

Trước nhiều dự báo thị trường khó khăn, các doanh nghiệp cho rằng điểm sáng trong năm 2023 có thể đến từ Trung Quốc khi thị trường này đã từ bỏ chính sách Zero-COVID. 

Theo ông Tạ Quang Huyên, với gần 1,5 tỷ dân, người tiêu dùng Trung Quốc cũng khá dễ tính và chịu chi tiêu nên rất phù hợp với sản phẩm điều của Việt Nam. Tiềm năng của thị trường này vẫn rất lớn, tỷ trọng xuất khẩu điều nhân vào Trung Quốc chỉ khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu điều của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp có thể xuất khẩu nhiều hơn qua thị trường này.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/suc-canh-tranh-cua-hat-dieu-kem-hap-dan-nha-nhap-khau-mua-hang-cam-chung-20232272355760.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/