Startup đua nhau định giá phi lí theo kiểu 'đếm cua trong lỗ' trong tập 6, mùa 3 của Shark Tank Việt Nam

Cả 3 startup tham gia tập 6 của Shark Tank Việt Nam mùa 3 lần lượt định giá công ty là 110 tỉ, 250 tỉ và 1.000 tỉ đồng. Sau đó, họ vẽ nên tương lai sáng lạn khiến các nhà đầu tư sửng sốt.

Tự định giá bản thân hơn 1.000 tỉ

Chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3 phát sóng tối 28/8 trở nên khác biệt bởi sự xuất hiện của "cá mập" mới - ông Nguyễn Hòa Bình, chủ tịch Tập đoàn NextTech. Ngay trong lần đầu tiên lên sóng, Shark Bình đã đưa ra nhiều phát ngôn ấn tượng.

Ở phần giới thiệu của startup Khánh Trình, người gọi vốn 5 triệu USD cho 10% cổ phần, Shark Bình đã cười và cho rằng các startup hiện tại đang quá "ngáo giá".

Screenshot_3

Shark Bình bối rối vì các startup "ngáo giá". Ảnh: Shark Tank Việt Nam

Mô hình kinh doanh của CTCP Khánh Trình tương đối đơn giản. Startup này bán khung xếp đa năng. Nếu gọi vốn thành công, Khánh Trình sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Việc nhà sáng lập định giá bản thân ở mức 50 triệu USD, tương đương hơn 1.000 tỉ đồng khiến các shark muốn biết sản phẩm của Khánh Trình có gì khác biệt.

Giám đốc điều hành Khánh Trình khẳng định, công ty đã xuất khẩu hàng nghìn sản phẩm tới hơn hơn 40 quốc gia và đã nhận bằng sáng chế từ 5 nước: Mỹ, Úc, Nigeria, Nam Phi và Việt Nam.

Giá của một bộ khung treo là 300 USD, và doanh thu ở thị trường nước ngoài là 1 tỉ đồng/tháng sau 9 năm kinh doanh. Theo dự kiến của Khánh Trình, các shark sẽ thu hồi vốn trong 3-5 năm.

Screenshot_2

Khung xếp Khánh Trinh tương đối đơn giản và không có nhiều khác biệt. Ảnh: Shark Tank Việt Nam

Nhưng các nhà đầu tư ví von kế hoạch bán hàng của Khánh Trình là trò "đếm cua trong lỗ". Sản phẩm của Khánh Trình, theo bà Liên, đã hiện diện ở nhiều gian hàng khác trên Amazon. Điểm khác biệt duy nhất là khung xếp Khánh Trình có thể tăng, giảm chiều cao.

Với mức lợi nhuận tháng 400 triệu, theo như Shark Bình, CTCP Khánh Trình chỉ ở có thể định giá tối đa là 30 tỉ. Sản phẩm quá đơn giản cũng là lí do khiến Chủ tịch Tập đoàn Next Tech không rót tiền.

Tương tự, Shark Việt và Shark Dũng cũng lần lượt lắc đầu.

"Sản xuất những khung sắt thế này mà kêu gọi tới 5 triệu USD là một mức giá điên rồ. Theo anh, em nên sản xuất máy in tiền thì may ra một năm in được 5 triệu", Shark Hưng chốt lại.

Chưa lập công ty nhưng vẫn định giá mô hình hơn 100 tỉ

Tương tự với Khánh Trình, bộ đôi Hồng Nguyên - Kim Phụng, những nhà sáng lập của Cộng đồng DrExperia cũng không nhận được bất cứ cái gật đầu nào của các shark.

Mục tiêu mà DrExperia đặt ra là giúp các bác sĩ có thêm thu nhập, đồng thời các bệnh nhân có thể giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh thông qua nền tảng ứng dụng công nghệ. Họ muốn bán 5,5% cổ phần  với giá 5 tỉ dưới dạng trái phiếu chuyển đổi. 

Tuy nhiên, DrExperia hiện mới chỉ hoạt động dưới tư cách một Cộng đồng và chưa thành lập công ty. Do đó mức định giá 110 tỉ khiến các "cá mập" vô cùng bất ngờ.

Screenshot_1

Bộ đôi Hồng Nguyên - Kim Phụng cũng gọi vốn không thành công. Ảnh: Shark Tank Việt Nam

Sản phẩm chính của Cộng đồng DrExperia bao gồm nền tảng y tế chia sẻ DrExperia.com, phần cứng của Doctor link IOT & robot Telemedicine và DrExperia Cloud. Tất cả đều ứng dụng nền tảng công nghệ cao vào việc phát triển mạng lưới y tế.

Kim Phụng nói công nghệ blockchain sẽ được ứng dụng vào công tác bảo mật thông tin tại DrExperia. Chủ trương ấy khiến Shark Hưng bối rối. Theo ông Hưng, việc sử dụng blockchain có nghĩa là phải mở dữ liệu cho toàn bộ cộng đồng xác thực. Do đó việc bảo mật thông tin là bất khả thi.

Trong khi đó, Shark Bình, dù xuất thân là một startup công nghệ, cũng tỏ ra không hứng thú. 

"Ngay ở Việt Nam, tất cả các công nghệ như em vừa nói, khả năng ứng dụng còn rất hạn hẹp. Đó đều là những thuật ngữ 'chém', để cho tương lai mà thôi", Shark Bình giải thích nguyên nhân anh từ chối hợp tác.

Nhà đầu tư Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng để có đầy đủ những thông tin chính xác nhất, DrExperia cần làm việc với toàn bộ bác sĩ và  các bệnh viện, trung tâm y tế. Đó là điều gần như không thể và nếu thông tin sai sẽ vô cùng nguy hiểm.

Việc tự định giá bản thân lên đến 110 tỉ khiến cho DrExperia khó lòng nhận sự đồng ý của các shark còn lại. Shark Việt cho rằng việc bỏ 5,5 tỉ đổi lấy 5% là không "công bằng" và cũng nhanh chóng lắc đầu.

Le thuy Linh

Lê Thị Thùy Linh, giám đốc điều hành dự án "Tối nay ăn gì". Ảnh: Shark Tank Việt Nam

Dịch vụ cung cấp thực phẩm chế biến sẵn tự định giá 250 tỉ đồng

Lê Thị Thùy Linh, người sáng lập và điều hành công ty "Tối nay ăn gì" xuất hiện trên tập 6 của Shark Tank Việt Nam vào tối 28/8 để gọi 2,5 tỉ đồng cho 1% cổ phần của công ty (tương đương mức định giá công ty là 250 tỉ đồng).

Mới chỉ thử nghiệm một tháng, doanh số của "Tối nay ăn gì" đã đạt 700 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó công ty tạm dừng hoạt động để nâng cấp và hoàn thiện các app. Linh giải thích rằng, nếu cứ chạy theo các đơn hàng, cô sẽ không có thời gian để hoàn thiện app.

Ông Nguyễn Hòa Bình, nhà đầu tư mới xuất hiện lần đầu tiên trong mùa 3, nhận định nhà sáng lập "Tối nay ăn gì" đang định giá quá cao và hỏi Linh về lí do khiến cô định giá công ty tới 250 tỉ đồng. 

Nhà sáng lập nói rằng, với mỗi đơn hàng trị giá 100.000 đồng, cô chỉ cần chinh phục 2 triệu hộ gia đình để đạt mức doanh thu khổng lồ.

"Tôi dùng phương pháp định giá nhanh để tính giá trị doanh nghiệp", Linh nhấn mạnh, rồi nói thêm rằng cô kì vọng công ty sẽ hòa vốn sau 9 tháng, và doanh số năm sẽ đạt 400 tỉ đồng vào cuối năm thứ hai.

Ông Bình phân tích rằng mô hình của "Tối nay ăn gì" không mới, chưa chín muồi và "chưa trúng long mạch". Giá trị của công ty, theo ông, là một con số không tưởng.

"Đừng tự dối lòng mình nhé. Bản thân em và các cộng sự của em cũng chưa hoàn toàn tin tưởng vào mô hình kinh doanh của mình đâu", ông Bình khẳng định.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/startup-dua-nhau-dinh-gia-phi-li-theo-kieu-dem-cua-trong-lo-trong-tap-6-mua-3-cua-shark-tank-viet-nam-20190829103658995.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/