SSI Research: Ngành thuỷ sản sẽ còn đối mặt với lạm phát và hàng tồn kho luân chuyển chậm trong năm 2023

Trong báo cáo mới đây, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng năm 2023 lạm phát sẽ tiếp tục là một thách thức trong bối cảnh hàng tồn kho còn lại luân chuyển chậm. Mặc dù các sự kiện lớn mang tính mùa vụ tại Mỹ đang đến nhưng những sự kiện này sẽ không làm giảm lượng hàng tồn kho đang ở mức cao.

Trong năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đã có một năm phục hồi và tăng trưởng vượt bậc, mặc dù có nhiều biến động giữa nửa đầu và nửa cuối năm. 

Theo Tổng Cục Thủy sản, năm 2022, tổng sản lượng đạt hơn 9 triệu tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 5,2 triệu tấn, sản lượng khai thác đạt 3,8 triệu tấn. Giá trị sản xuất thủy sản cũng tăng 3% so với năm 2021.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22% so với kế hoạch 9 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng tôm mang về kim ngạch 4,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021, cá tra thu được 2,4 tỷ USD, tăng 70%.

Trong nửa đầu năm, cả xuất khẩu tôm và cá tra đều tăng trưởng nhờ nhu cầu cao và giá tăng (giả bán bình quân tôm và cá tra sang thị trường Mỹ lần lượt tăng 11% và 55% so với cùng kỳ). Trong nửa cuối năm, lạm phát cao ở các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, trong khi hàng tồn kho vẫn ở mức cao. 

Do đó, khối lượng xuất khẩu nhanh chóng giảm tốc trong nửa cuối năm 2022. Trong bối cảnh khó khăn đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức như biến động tiền tệ, đặc biệt là những khoản nợ phải trả bằng USD và áp lực cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp đối thủ - đặc biệt là các nhà xuất khẩu tôm. 

Với những sản phẩm thay thế có mức giá hợp lý hơn, người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu trước áp lực lạm phát, và xuất khẩu cá tra duy trì đà tăng trưởng tốt hơn xuất khẩu tôm.

Trong báo cáo mới đây, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng năm 2023 lạm phát sẽ tiếp tục là một thách thức trong bối cảnh hàng tồn kho còn lại luân chuyển chậm. 

Mặc dù các sự kiện lớn mang tính mùa vụ tại Mỹ đang đến SSI Research cho rằng những sự kiện này sẽ không làm giảm lượng hàng tồn kho đang ở mức cao. 

“Chúng tôi dự báo hàng tồn kho sẽ được xử lý hoàn toàn vào khoảng quý III năm 2023, với các đơn đặt hàng bắt đầu nhận được vào thời điểm đó. Trong bối cảnh người tiêu dùng giảm mức tiêu thụ, chúng tôi cho rằng doanh thu cá tra sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với doanh thu tôm”, SSI Research nhận định.

 

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho ngành vào năm 2023. Mặc dù cần thêm thời gian để đánh giá tác động định lượng của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với hoạt động xuất khẩu cá tra, điều này sẽ có lợi cho doanh thu của ngành vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. 

Tuy nhiên, Trung Quôc là một thị trường nhạy cảm về giá và giá bán bình quân sang thị trường này luôn ở mức thấp hơn khoảng 40% so với giá bán bình quân sang thị trường Mỹ. SSI Research cho rằng doanh thu từ thị trường Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu từ Mỹ và EU, nhưng không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty trong nửa đầu năm 2023. Điều này có thể là do mức lợi nhuận so sánh cao vào năm 2022. 

“Chúng tôi vẫn quan ngại về mức độ không chắc chắn xung quanh các chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại, chúng tôi dự báo lợi nhuận của các công ty cá tra sẽ giảm trong năm 2023”, SSI Research nhận định..

 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ssi-research-nganh-thuy-san-se-con-doi-mat-voi-lam-phat-va-hang-ton-kho-luan-chuyen-cham-trong-nam-2023-202317104819442.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/