SSI: Năm 2020 doanh nghiệp cảng biển tăng trưởng yếu, doanh thu dịch vụ giao nhận có thể tăng từ 30 - 40%

SSI nhận định cạnh tranh trong lĩnh vực cảng biển trong năm tới vẫn còn khá quyết liệt, trong khi với ngành giao nhận, các doanh nghiệp lớn có thể sẽ mất thị phần.

SSI: Năm 2020 doanh nghiệp cảng biển tăng trưởng yếu, doanh thu dịch vụ giao nhận có thể tăng từ 30 - 40% - Ảnh 1.

Ảnh: Tạp chí Công Thương

Theo dự báo của bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI, tổng sản lượng container quốc tế tại cảng biển ước tính tiếp tục tăng trưởng từ 6 - 7% trong năm 2020, dẫn dắt là các công ty có nguồn vốn FDI.

Doanh nghiệp cảng biến tăng trưởng yếu

Các công ty cảng biển được SSI ước tính tăng trưởng yếu, doanh thu cảng biển tăng 3 - 5%, và tăng trưởng lợi nhuận không thay đổi trong năm 2020, do cạnh tranh trong ngành vẫn còn mạnh. 

SSI lấy ví dụ, ở thành phố Hải Phòng, có hai cảng mới đi vào hoạt động (MIPEC và Vinalines Đình Vũ). Hai cảng mới này có công suất hoàn toàn mới khoảng 900 nghìn TEU, chiếm khoảng 15% công suất hiện tại của Hải Phòng. Trong khi đó, nhu cầu có thể chỉ tăng khoảng 6 - 7%. Điều đó có nghĩa là mặc dù nhu cầu cho toàn ngành có tăng trưởng nhưng sản lượng cho từng công ty có thể vẫn không thay đổi.

Theo SSI, ngành vận tải biển có thể gặp khó khăn khi IMO 2020 (cắt giảm khí thải hàng hải trong vùng biển quốc tế) có hiệu lực. Bắt đầu từ năm 2020, tất cả các tàu trên tuyến quốc tế sẽ cần phải chuyển sang sử dụng dầu có hàm lượng lưu huỳnh thấp thay vì hàm lượng lưu huỳnh cao như hiện tại. Nhu cầu về nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp đột ngột trong bối cảnh nguồn cung thấp đã đẩy giá nhiên liệu có lưu huỳnh thấp lên cao hơn 30 - 50% so với nhiên liệu có lưu huỳnh cao trong năm ngoái. Điều này đã tác động tiêu cực trong ngắn hạn lên các công ty vận tải có tuyến quốc tế. 

Đối với thị trường trong nước, IMO 2020 không được áp dụng. Tuy nhiên, SSI ước tính nguồn cung cho thị trường trong nước sẽ tăng đột biến, vì nhiều tàu quốc tế có thể quay lại thị trường trong nước nếu họ không đáp ứng được yêu cầu IMO mà có thể có lãi, điều này sẽ gây ra áp lực giảm giá ở thị trường trong nước.

Tăng trưởng doanh thu ngành giao nhận từ 30 - 40%

Dịch vụ giao nhận tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, với sự tăng trưởng ở cả hai kênh bán lẻ và thương mại điện tử. Theo SSI, các công ty giao nhận ghi nhận tăng trưởng doanh thu ở mức 30 - 40% từ mức tăng trưởng của quy mô thị trường là 20%, thông qua việc giành thị phần của các công ty lớn. 

Mức tăng trưởng lợi nhuận có thể phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của các công ty này, với các giai đoạn phát triển ban đầu vẫn đang thua lỗ. Đối với các công ty đã hoạt động ổn định, SSI ước tính tăng trưởng lợi nhuận có thể đạt mức 25 - 30% trong năm 2020, do ước tính có một số áp lực về giá và tăng chi phí để cải thiện chất lượng dịch vụ.

Theo SSI, các tác động đến ngành logistics sẽ đến từ Hiệp định thương mại tự do VN-EU (VN-EU FTA) dự kiến có hiệu lực từ nửa cuối năm 2020; nguồn vốn FDI dự kiến tiếp tục, tạo ra nhu cầu cho các dịch vụ vận tải B2B/cảng biển; và tăng trưởng thương mại điện tử sẽ giúp nhu cầu vận tải B2C và C2C nhiều hơn.

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng tồi tệ có thể khiến nhu cầu hoạt động thương mại trên toàn thế giới giảm. Mặc dù Việt Nam dự kiến sẽ được hưởng lợi dài hạn miễn là các giao tranh thương mại giữa hai siêu cường quốc vẫn còn tồn tại, trong ngắn hạn Việt Nam có thể cũng bị ảnh hưởng tiêu cực do có liên kết với nền kinh tế toàn cầu.

Đối với ngành giao nhận, việc tăng mức độ cạnh tranh có thể khiến cuộc chiến giá cả giữa các đối thủ cạnh tranh tại một số thời điểm. Mức tăng trưởng mạnh mẽ hiện tại của quy mô thị trường giúp giảm bớt rủi ro này một chút, vì những đối thủ mới có thể vẫn tìm thấy thị trường cho chính công ty họ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ssi-nam-2020-doanh-nghiep-cang-bien-tang-truong-yeu-doanh-thu-dich-vu-giao-nhan-co-the-tang-tu-30-40-20200115104427911.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/