Sóng gió có tiếp tục đến với PVN năm 2019?

Năm 2018 được coi là năm đầy khó khăn với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Sang năm 2019, nhiều dự báo cho rằng giá dầu tiếp tục giảm. Liệu điều này ảnh hưởng tiêu cực đến PVN?

4 năm liên tiếp PVN gặp khó khăn

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), 2018 là năm thứ 4 liên tiếp (2015 - 2018) hoạt động dịch vụ dầu khí gặp nhiều khó khăn, giá dầu không ổn định dẫn đến nhiều nhà thầu dầu khí giảm khối lượng công việc và giảm giá dịch vụ.

Hoạt động phát triển dịch vụ ra nước ngoài phải cạnh tranh gay gắt cới các công ty dịch vụ đa quốc gia có tiềm lực mạnh...

song gio co tiep tuc den voi pvn nam 2019
Sóng gió có tiếp tục đến với PVN năm 2019? (Ảnh minh họa)

Việc gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2018 dù đạt kế hoạch nhưng nếu so với mục tiêu Chiến lược phát triển ngành đề ra ở trong nước là 20 - 30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài là 8 - 12 triệu tấn/năm (tổng cộng là 28 - 42 triệu tấn/năm) thì không hoàn thành và đạt thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược đề ra.

Trong khi đó, đây là mục tiêu quyết định đến phát triển bền vững của Tập đoàn và quy mô, chất lượng phát triển tất cả các lĩnh vực vệ tinh khác như khai thác, công nghiệp khí, chế biến, điện, dịch vụ... theo mục tiêu chiến lược được duyệt.

Nguồn vốn để thực hiện công tác tìm kiếm thăm dò gặp khó khăn do cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Tìm kiếm thăm dò dầu khí. PVN đã kiến nghị đề xuất trong Quy chế Quản lý tài chính Công ty mẹ - Tập đoàn, đến nay vẫn chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.

PVN cho hay, hầu hết mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và đang trong giai đoạn cuối, dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên và số lượng giếng khoan mới rất ít. Qua đó, hệ số suy giảm sản lượng hàng năm tùy theo mỏ khoảng từ 15% tới trên 30%.

Các phát hiện dầu khí trong giai đoạn gần đây phần lớn có trữ lượng nhỏ, do giá dầu thấp nên hiệu quả kinh tế không cao, dẫn đến số lượng công trình khai thác mới đưa vào để bổ sung sản lượng khai thác rất ít.

PVN nhận định, tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2019 dự báo còn nhiều biến động như chiến tranh thương mại giữa các nước, tình hình thay đổi chính sách ở một số quốc gia dẫn đến kinh tế bất ổn định, đặc biệt là sự biến động chưa có dấu hiệu ổn định. Phục hồi của giá dầu sẽ là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến PVN.

Giá dầu dự báo tiếp tục giảm trong năm 2019, PVN có tiếp tục chịu sóng gió?

Các tổ chức lớn về năng lượng và dầu thô như OPEC, IEA, Morgan Stanley dự báo giá dầu thô năm 2019 có thể giảm nhẹ so với năm 2018.

Cụ thể, giá dầu WTI trong năm 2019 khả năng giảm về mức trung bình 59 USD/thùng, giá dầu Brent giảm nhẹ về mốc trung bình 66 USD/thùng. Giá dầu Singapore FOB cũng sẽ giảm nhẹ về 45 và 44,2 USD/thùng.

CNBC đưa tinhôm 14/1, thị trường dầu thô thế giới vẫn đang lo lắng về triển vọng kinh tế toàn cầu chững lại. Điều này kéo theo nhu cầu dầu thô giảm sút.

Theo đó, dữ liệu về xuất khẩu của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong tháng 12/2018 xấu nhất trong vòng gần hai năm trở lại đây. Cùng lúc đó, dữ liệu về nhập khẩu cũng không mấy khả quan.

Cụ thể, xuất khẩu tháng 12/2018 của Trung Quốc bất ngờ giảm 4,4% so với năm ngoái, với nhu cầu tại hầu hết các thị trường chính đều yếu. Nhập khẩu cũng giảm mạnh 7,6%, đánh dấu đợt giảm lớn nhất kể từ tháng 7/2016.

Chuyên gia Stephen Innes cho rằng: “Áp lực ngày càng đè nặng lên giá dầu thô bởi triển vọng nền kinh tế Trung Quốc yếu”.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, nếu giá dầu thô trong năm 2019 giảm, một số ngành và doanh nghiệp Việt Nam có nguồn thu chủ yếu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dầu khí sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do giá bán sản phẩm và xuất khẩu thấp.

Các doanh nghiệp khai thác, xuất khẩu và lọc dầu chịu tác động mạnh nhất từ giá dầu giảm, trong khi các doanh nghiệp khác cũng bị sức ép lớn từ giá dầu giảm như các doanh nghiệp xuất khẩu cao su thiên nhiên.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, hoạt động khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 5,4% trong năm 2018. Trong đó, khai thác dầu thô giảm 11,3% và khai thác khí đốt tự nhiên tăng 1,1%.

Xuất khẩu dầu thô tính chung cả năm 2018 tiếp tục giảm mạnh về cả lượng và kim ngạch xuất khẩu so với năm trước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 2,3 tỉ USD, giảm 21,2%, lượng giảm 39,5%.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của PVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay ngành dầu khí Việt Nam hiện bảo đảm cung cấp khí làm nhiên, nguyên liệu để sản xuất khoảng 35% sản lượng điện quốc gia, 70% thị phần phân bón và 64% thị phần khí hóa lỏng phục vụ các ngành công nghiệp và dân dụng cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh ngành dầu khí là ngành kinh tế đặc biệt thực hiện chiến lược biển, Thủ tướng nêu rõ, đất nước cần sự đóng góp của PVN. Do đó, Tập đoàn cần tính toán lại các chỉ tiêu sản lượng dầu khí, đạm, các sản phẩm khác của ngành dầu tính, tính lại doanh thu, nộp ngân sách… có mức phấn đấu cao hơn.


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/song-gio-co-tiep-tuc-den-voi-pvn-nam-2019-117084.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/