Singapore còn gì để cho Trung Quốc học hỏi?

Singapore từ lâu đã là lò huấn luyện của nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực hành chính công và quản lí đô thị. Tuy nhiên số quan chức Trung Quốc đến đảo quốc sư tử đã giảm mạnh trong những năm gần đây và trong một số lĩnh vực như thanh toán di động hay trí tuệ nhân tạo, học trò nay đã trở thành thầy giáo.

Singapore còn gì để cho Trung Quốc học hỏi? - Ảnh 1.

Thủ tướng Singapore Lí Quang Diệu (bên trái) chào đón lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình năm 1978. Từ 1990 đến 2011 đã có khoảng 22.000 quan chức chính phủ Trung Quốc đến Singapore để học hỏi kinh nghiệm quản lí. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Mối thâm giao từ ngày Trung Quốc mới mở cửa

Sau khi sáng lập và lãnh đạo đảo quốc Singapore, Cố Thủ tướng Lí Quang Diệu đã đưa một làng chài nghèo, nhỏ bé trở thành một siêu đô thị hiện đại mang tầm vóc toàn cầu.

Gốc là người Hoa, Lí Quang Diệu theo học tại Đại học Cambridge. Nhờ vậy mà trong ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa giáo lí Đạo Khổng và những giá trị thượng lưu của nước Anh. Cho đến khi qua đời vào năm 2015, Lí Quang Diệu luôn là người theo dõi Trung Quốc bằng con mắt sát sao và sắc sảo nhất quả đất.

Nhưng trong khi Lí Quang Diệu nghiên cứu về Trung Quốc thì người Trung Quốc cũng nghiên cứu ông và Singapore. 

Cuối thập niên 1970, khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình bắt đầu bước chân trên con đường đổi mới Trung Quốc, Singapore được coi như là một thí nghiệm thành công, không chỉ về phát triển kinh tế thị trường mà còn về cả hệ thống chính trị.

Khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền và tới thăm Singapore lần đầu năm 1978, ông cực kì ấn tượng trước trật tự và kỉ luật xã hội của quốc đảo sư tử. Khi trở về nước, ông đã yêu cầu cấp dưới của mình hãy nhìn vào Singapore mà học tập và tìm kiếm cảm hứng cải cách quốc gia.

Singapore vì vậy mà trở thành trường đào tạo cán bộ ở nước ngoài hàng đầu của chính quyền Bắc Kinh. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Singapore, từ giữa thập niên 1990 đến nay đã có hơn 50.000 quan chức Trung Quốc tới nước này để tham gia các chương trình huyến luyện và học hỏi kinh nghiệm.

Lí Quang Diệu dành ra hàng nghìn giờ đồng hồ để trò chuyện trực tiếp với các Chủ tịch, Thủ tướng, Bộ trưởng và các ngôi sao đang lên trong chính trường của “người hàng xóm phương Bắc”.

Từ năm 1976 đến khi qua đời năm 2015, Lí Quang Diệu đã 33 lần đến thăm Trung Quốc. Tất cả lãnh đạo Trung Quốc từ Đặng Tiểu Bình tới Tập Cận Bình đều nhiều lần tham vấn Lí Quang Diệu và gọi ông là “thầy” – một từ thể hiện sự kính trọng tột độ trong văn hóa Nho giáo Trung Hoa.

Singapore còn gì để cho Trung Quốc học hỏi? - Ảnh 2.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình gặp Thủ tướng Singapore tại Bắc Kinh. Ảnh: SCMP.

Năm 2012 khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền lực tối cao ở Trung Quốc, nhièu nhà quan sát trên thế giới không biết ông là ai. Riêng Lí Quang Diệu hiểu rõ khả năng và tham vọng của vị tân lãnh đạo đất nước tỉ dân và đã nói đầy ẩn ý: "Hãy chú ý kĩ người này".

Singapore có gì đáng học?

Trong những năm gần đây, số lượng cán bộ Trung Quốc tới Singapore theo học đã giảm đi đáng kể và một số nhà phân tích cho rằng nguyên nhân là sự trỗi dậy về kinh tế và tiến bộ về công nghệ của đất nước tỉ dân.

Giáo sư Bạc Tín Ngôn của Đại học Tây An cho rằng Bắc Kinh có “những đặc tính của riêng mình và việc sao chép mô hình của Singapore không còn là sự lựa chọn hợp lí nữa”. Ông cũng nhận định các quan chức Trung Quốc đã thay đổi trọng tâm học hỏi.

Trước đây, Trung Quốc học Singapore về chính sách kinh tế và qui hoạch đô thị vì Trung Quốc khi đó muốn lập kế hoạch xây dựng và quản lí các thành phố. “Tuy nhiên hiện nay Trung Quốc quan tâm tới rất nhiều lĩnh vực khác và cho rằng Singapore cũng rất đáng học hỏi về tài chính, ngân hàng và du lịch”.

Theo giáo sư Giáo sư Bạc Tín Ngôn, mặc dù Singapore và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng bao gồm hệ thống chính trị do một đảng lãnh đạo, các quan chức Trung Quốc khi đến đảo quốc sư tử hiện nay nhận thấy “không có nhiều điều đáng học”.

“Ở Trung Quốc có nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết hơn so với Singapore. Singapore được quản lí rất tốt và chỉ có một số vấn đề nổi cộm giữa người dân và chính phủ. Ở Trung Quốc có thể xảy ra cả mâu thuẫn giữa chính quyền cấp tỉnh và các cấp thấp hơn”.

Thực tế, số liệu nhập học của các chương trình phổ biến tại hai trường đại học top đầu Singapore cho thấy lượng quan chức Trung Quốc đăng kí đã sụt giảm trong những năm gần đây.

Các khóa học liên quan tới quản lí đô thị, quản trị xã hội và hành chính công tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và Đại học Quốc gia Singapore (NUS) trước đây là những ngành học hot nhất với quan chức Trung Quốc.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), Trung tâm hành chính công của NTU (NCPA) cho biết số học viên theo học đạt đỉnh 80 người vào năm 2012 rồi giảm dần về khoảng 55 trong những năm gần đây. 

NCPA có hai chương trình thạc sĩ bằng tiếng Trung về hành chính công và kinh tế học quản trị. Hai lớp này vẫn thường được gọi với biệt danh “Lớp của các thị trưởng” vì có rất nhiều thị trưởng Trung Quốc đăng kí học. 

Giáo sư Liu Hong – Giám đốc Trung tâm NCPA cho biết đã có hơn 1.400 quan chức tốt nghiệp từ hai “Lớp của các thị trưởng” này kể từ khi chương trình được mở ra vào năm 1998.

Đa phần học viên là các “quan chức trung cấp ở trung ương và địa phương” cũng như quản lí trung cấp ở các trường đại học hoặc doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.

Singapore còn gì để cho Trung Quốc học hỏi? - Ảnh 3.

Đại học Quốc gia Singapore từng là ngôi trường thu hút nhiều quan chức Trung Quốc theo học. Ảnh: Facebook.

Trường chính sách công Lí Quang Diệu của Đại học NUS (LKYSPP) hàng năm tiếp nhận khoảng 200 học viên, trong đó có trung bình 40 học viên đến từ Trung Quốc đại lục. Các chuyên ngành phổ biến nhất là chính sách công, hành chính công và quan hệ quốc tế.

Trường Lí Quang Diệu còn tổ chức một chương trình học mới về dịch vụ công dành cho “các lãnh đạo cao cấp” trong khu vực công, tư nhân và phi lợi nhuận. 

Trong lứa tốt nghiệp đầu tiên gồm 36 học viên có 4 quan chức đến từ Trung Quốc đại lục, bao gồm ông Du Dingding - Phó trưởng Ban Đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông Ding Mingqin - Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.

Những cơn gió mới trong quan hệ Trung Quốc - Singapore

Giáo sư Liu Hong – Giám đốc Trung tâm NCPA thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) cho rằng Singapore vẫn là một điểm đến được ưa thích cho các quan chức Trung Quốc vì một số lí do, trong đó có việc đảo quốc sư tử này là một nền kinh tế toàn cầu hóa và đã đạt được “những thành tựu ấn tượng” trong các sáng kiến về thành phố thông minh.

“Singapore nổi tiếng trên thế giới vì có mô hình quản lí chính trị và xã hội hiệu quả, trong sạch và hiện đại”, ông Liu Hong nhấn mạnh. Ông đồng thời là Chủ tịch Trường Khoa học Xã hội của Đại học NTU.

Các quan chức Trung Quốc theo học những chương trình này thường xuyên đến thăm các cơ quan chính phủ và gặp gỡ với quan chức cấp cao Singapore.

Ông Victor Gao trước đây là thông dịch cho nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, hiện nay là Phó Chủ tịch Trung tâm về Trung Quốc và Toàn Cầu hóa. Ông cho rằng các cán bộ nhà nước Trung Quốc còn muốn học về cách vận hành của tập đoàn đầu tư nhà nước Temaseck của Singapore và phương thức đầu tư của tập đoàn này vào các doanh nghiệp Singapore.

Theo ông Gao, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “rất có thiện cảm với Singapore” và Trung Quốc có thể học hỏi từ việc Singapore “đồng thời duy trì quan hệ thân thiết với cả Mỹ và Trung Quốc”.

Nói về việc số lượng quan chức Trung Quốc đến học ở Singapore giảm đi, Giáo sư Bạc Tín Ngôn - người từng giảng dạy tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho rằng nguyên nhân có thể là chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng năm 2012.

Từ đó đến nay, chiến dịch này đã xử lí hơn 1,3 triệu quan chức tham nhũng ở các cấp bậc khác nhau. ”Từ khi có chiến dịch chống tham nhũng, qui định đối với quan chức ra nước ngoài được thắt chặt hơn. Nếu không được cho phép thì việc ra nước ngoài gần như là không thể”, Giáo sư Bạc Tín Ngôn nói.

Ông cho biết thêm: Các quan chức cấp thấp chỉ được ở nước ngoài dưới một tuần mỗi năm, các quan chức cấp cao sẽ có hạn mức lớn hơn.

Ở chiều ngược lại, Singapore cũng học từ Trung Quốc. Trong thập kỉ vừa qua, cả Singapore và Trung Quốc đều phát triển nhanh chóng và do vậy hai nước có nhiều điều đáng để học hỏi lẫn nhau. 

Theo một số chuyên gia, Singapore đang nhận thấy sự cấp thiết phải học từ Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Trung Quốc đi đầu như thanh toán di động và trí tuệ nhân tạo (AI).

“Tôi nghĩ hiện nay Trung Quốc không học quá nhiều từ bất kì ai bởi họ đã trở nên tự tin tới mức họ sẵn sàng tự học từ bản thân và thậm chí là xuất khẩu một số kiến thức và kinh nghiệm của mình ra nước ngoài”, Giáo sư Bạc Tín Ngôn nhận định.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/singapore-con-gi-de-cho-trung-quoc-hoc-hoi-20191225235931727.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/