SCIC lãi sau thuế hơn 3.300 tỷ nửa đầu năm, muốn đầu tư mua cổ phần Vietinbank

Sau 6 tháng, SCIC đã hoàn thành 92% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết tổng doanh thu của nửa đầu năm ước đạt 4.915 tỷ đồng, đạt 62,2% kế hoạch năm 2022 do Ủy ban phê duyệt. Trong đó, doanh thu cổ tức ước đạt 3.667 tỷ đồng, bằng 63% chỉ tiêu năm; doanh thu bán vốn ước đạt 716 tỷ đồng, đạt 53% so với kế hoạch.

Lợi nhuận trước thuế lũy kế ước đạt 3.511 tỷ đồng, thực hiện được 98% mục tiêu năm. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.310 tỷ đồng, tương đương 92% kế hoạch cả năm. 

Đến ngày 30/6/2021, danh mục doanh nghiệp của SCIC có 128 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 47.374 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 158.217 tỷ đồng.

Về công tác bán vốn, từ đầu năm đến nay, SCIC đã thực hiện bán vốn thành công tại 17 doanh nghiệp, thu được 716 tỷ đồng, trên giá vốn 128 tỷ đồng, đạt chênh lệch bán vốn là 588 tỷ đồng. Như vậy doanh thu và chênh lệch bán vốn tương ứng đạt 53% và 137% so với kế hoạch năm 2022.

 Ông Nguyễn Chí Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV SCIC phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: SCIC). 

Về hoạt động đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, SCIC đã nghiên cứu một số cơ hội đầu tư như: Xây dựng đề án thí điểm và định hướng phát triển Bệnh viện Giao thông vận tải; hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu Đề án cơ chế giải pháp triển khai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho SCIC tại Đề án 844 và thí điểm sử dụng Quỹ phát triển Khoa học công nghệ của doanh nghiệp để phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo;

Ngoài ra, SCIC còn hợp tác với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng; Nghiên cứu dự án bán quyền thu phí đường cao tốc Bắc - Nam; hợp tác với Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) nghiên cứu dự án Hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hợp tác với CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) nghiên cứu Dự án cảng xăng đầu đầu mối.

Cùng với đó là hoạt động hợp tác với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) nghiên cứu dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; hợp tác với Tổng công ty đường sắt Việt Nam nghiên cứu dự án Nhà ga logistics đường sắt; báo cáo Ủy ban đề nghị hỗ trợ đề xuất UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gia hạn giấy phép đầu tư dự án dự án Cái Mép Hạ cho Công ty Đóng tàu và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VTSC) và đáng chú ý là nghiên cứu dự án đầu tư mua cổ phần tăng vốn Vietinbank.

Tính tới cuối năm ngoái, trong danh mục đầu tư công bố của SCIC chỉ có duy nhất một ngân hàng là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - Mã: MBB) với tỷ lệ sở hữu 9,42%.

Trong 6 tháng cuối năm, SCIC tập trung bán vốn một số doanh nghiệp lớn như: Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam, CTCP Điện máy, CTCP Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại, CTCP Địa ốc Vĩnh Long...

Bên cạnh đó, SCIC sẽ tiếp tục triển khai bán vốn tại các doanh nghiệp theo Thông báo 281/TB-VPCP để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ cổ phần hóa và thoái vốn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/scic-lai-sau-thue-hon-3300-ty-nua-dau-nam-muon-dau-tu-mua-co-phan-vietinbank-202284203453169.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/