Sau một năm đầy thành công, doanh nghiệp dệt may ‘lên dây cót’ cho mục tiêu lớn trong 2019

Có thể nói 2018 là một năm thành công đối với các doanh nghiệp dệt may khi có tới 7/10 doanh nghiệp đạt biên lợi nhuận ròng trên 5%. Bước sang 2019, dù nhu cầu may mặc toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm lại nhưng các doanh nghiệp dệt may vẫn đặt mục tiêu lớn với nhờ những lợi thế có được từ các hiệp định thương mại.

Doanh nghiệp dệt may có thể duy trì tốc độ tăng trưởng dù nhu cầu may mặc toàn cầu dự báo giảm

Theo Báo cáo 2019 của công ty Kinh Doanh thời trang McKinsey & Company - một công ty tư vấn quản lý toàn cầu, nhận định mặt hàng may mặc có thể tăng trưởng 4-5% trong 2019. Trong đó, thị trường lớn như Bắc Mỹ và các quốc gia đã phát triển tại Châu Âu sẽ tiếp tục tăng trưởng dù với tốc đô chậm lại, đạt lần lượt 2,5%-3,5% và 1,5-2,5%.

Tuy nhiên Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, với việc ký kết và tham gia các Hiệp định thương mại thời gian qua, ngành may mặc Việt Nam liên tục được hưởng lợi nhờ những chính sách thuế ưu đãi, qua đó giúp hàng may mặc Việt Nam không ngừng gia tăng thị phần, rõ rệt nhất phải kể đến thị trường may mặc Nhật Bản và Hàn Quốc.

Do đó, BVSC cho rằng với những lợi thế về thuế từ các Hiệp định thương mại sẽ ký kết, EVFTA, cũng như Hiệp định vừa có hiệu lực, CPTPP, ngành may mặc Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để tiếp tục duy trì sự tăng trưởng trong thời gian tới đây.

Với EVFTA, là hiệp định thương mại giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam đang đợi Quốc hội EU phê duyệt, nếu có hiệu lực nhiều khả năng sẽ là bước ngoặt mới cho hàng may mặc Việt Nam.

BVSC cho rằng, một số dòng thuế sẽ ngay lập tức xóa bỏ và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn đối với toàn bộ mặt hàng may mặc trong 7 năm, Hiệp định này có thể sẽ giúp hàng may mặc Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn so với Bangladesh và Campuchia, hai quốc gia đang được hưởng chính sách thuế ưu đãi thuộc chương Everything but Arm (EBA) từ châu Âu là 0%.

Nhờ đó, nhiều khả năng các doanh nghiệp may mặc Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận sâu hơn vào thị trường nhập khẩu may mặc lớn nhất thế giới so với quá khứ. Tuy nhiên, việc phát triển tại thị trường này cũng đòi hỏi các Doanh nghiệp Việt Nam phải cân đối giữa lợi ích kinh tế bên cạnh việc đảm bảo nguồn gốc vải nguyên liệu sử dụng, từ EU hoặc Việt Nam hoặc bên thứ 3.

Trong khi đó, việc CPTPP vừa chính thức có hiệu lực tại Việt Nam ngày 14/3/2019, có thể trong ngắn hạn sẽ không mang đến nhiều tác động đột biến cho may mặc Việt Nam do chúng ta đã ký kết 7/10 quốc gia thuộc CPTPP trước đó với các mức ưu đãi tương đương hoặc thậm chí với điều kiện xuất xứ có phần linh động hơn.

Tuy nhiên, về trung và dài hạn, không thể không kể đến việc CPTPP sẽ giúp Việt Nam tiếp cận những thị trường mới, qua đó đa dạng hóa danh mục khách hàng. Trong đó, tiềm năng nhất là thị trường Canada, quy mô kim ngạch nhập khẩu may mặc khoảng 9 tỉ USD, với lộ trình giảm hoàn toàn thuế quan trong vòng 4 năm.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đặt mục tiêu lớn cho 2019

Năm 2019, nhiều khả năng ngành dệt may sẽ không khởi sắc về cầu khi các dự báo cho thấy những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu tăng trưởng chậm lại. Trong bối cảnh đó, xu thế thắt chặt dòng tiền tại các quốc gia nhập khẩu vẫn tiếp diễn. Mặt khác, ngành còn đối diện với những tác động  phức tạp của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

Mặc dù vậy, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex- Mã: VGT) vẫn đặt mục tiêu cao gồm giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu tăng 6% - 8%; doanh thu kế hoạch tăng 5% -7%; lợi nhuận tăng 12% và mức lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, trong năm 2019 May Sông Hồng (Mã: MSH) đặt mục tiêu đạt 4.300 tỉ đồng doanh thu, tăng 8,9% so với thực hiện 2018. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 475 tỷ đồng, tăng 6%.

2018 được xem là năm thuận lợi với công ty khi doanh thu đạt xấp xỉ 3.950 tỉ đồng, tăng trên 20% so với năm 2017 và vượt 13 % kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 450 tỉ đồng, tăng 94% và vượt 60,78% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Dù chưa có kế hoạch kinh doanh cụ thể cho 2019, Ban lãnh đạo May Việt Tiến (Mã: VGG) cho biết mục tiêu của công ty trong năm nay là tạo ra sự khác biệt để thực sự vượt lên trở thành "cánh chim đầu đàn" trong ngành may mặc Việt Nam, với thương hiệu và mô thức sản xuất chuyên biệt.

Năm 2018, May Việt Tiến đạt doanh thu hợp nhất 16.067 tỉ đồng, tăng 12,5% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 781 tỉ đồng, tăng 7,6%.

Để hưởng được lợi thế từ các hiệp định thương mại trong 2019, Ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) mới đây, cho biết doanh nghiệp này đang đẩy nhanh hoàn tất việc phát hành trên 10,8 triệu cổ phiếu trong đầu năm 2019 để huy động hơn 66 tỉ đồng vốn đầu tư cho dự án Tràng Bảng 5 nhằm tăng công suất sợi DTY và Ployester Chip để sản xuất sợi tái chế.

Mảng sợi tái chế đóng góp 14% tỷ trọng doanh thu của Sợi Thế Kỷ trong năm 2018 và dự kiến lần lượt tăng lên 20% và 30% trong các năm 2019, 2020. Với việc gia tăng đầu tư vào mảng này, Sợi Thế Kỷ nhắm tới các đơn hàng sợi tái chế và chiến lược tăng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sản xuất - kinh doanh.

Đối với Tổng công ty May 10 (Mã: M10), doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2019 đạt 3.211 tỉ đồng, tăng 7%; lợi nhuận 70 tỉ đồng, tăng 6% so thực hiện 2018.

Không lạc quan như các doanh nghiệp nói trên, năm 2019 Dệt may Thành Công (Mã: TCM) đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.953 tỉ đồng, tăng 8% trong khi lợi nhuận ròng lại giảm 7% còn gần 242 tỉ đồng do ảnh hưởng từ việc khách hàng Sears Holding tuyên bố phá sản vào cuối 2018.

Tại hội thảo cơ hội đầu tư mới đây, ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT Dệt may Thành Công cho biết đối với trường hợp phá sản của Sears Holding, công ty đang chờ phán quyết từ Tòa án Mỹ. Dệt may Thành Công đã đàm phán nhằm thay đổi phương thức thanh toán từ trả sau thành tín dụng thư. Khoản phải thu đối với Sears Holding khi họ đệ đơn phá sản là khoảng 4 triệu USD (95 tỉ đồng), chiếm 3% tổng tài sản.

Dệt may Thành Công: Sears Holding vẫn tiếp tục là khách hàng của chúng tôiDệt may Thành Công: Sears Holding vẫn tiếp tục là khách hàng của chúng tôi Doanh nghiệp dệt may có nhiều cơ hội duy trì tăng trưởng lợi nhuận  Doanh nghiệp dệt may có nhiều cơ hội duy trì tăng trưởng lợi nhuận Dệt may Thành Công báo lãi tăng 292% trong tháng 2Dệt may Thành Công báo lãi tăng 292% trong tháng 2

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/sau-mot-nam-day-thanh-cong-doanh-nghiep-det-may-len-day-cot-cho-muc-tieu-lon-trong-2019-20190326171340425.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/