Sản lượng tôm toàn cầu có thể giảm vì chi phí nuôi cao

Hiện tại, giá thức ăn chăn nuôi và con giống đang tăng mạnh. Vì vậy, nếu giá tại tại bờ không tăng tương xứng thì nhiều hộ nuôi quy mô nhỏ sẽ không thể duy trì và bỏ ao. Trong đó, hầu hết nông trại nuôi tôm tại châu Á ở mức quy mô nhỏ.

Trang Undercurrent news mới đây dẫn lời Phó chủ tịch tập đoàn C.P Food ông Robins McIntosh cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với sản lượng tôm toàn cầu hiện nay không phải là dịch bệnh mà chính là nguy cơ nhiều hộ sẽ bỏ ao vì chi phí tăng cao.

Ông cho rằng vấn đề mấu chốt hiện nay là giá bán phải tương xứng với chi phí nuôi - vốn đang tăng rất mạnh trong thời gian qua.

Hiện tại, giá thức ăn chăn nuôi và con giống đang tăng mạnh. Nếu giá tại tại bờ không tăng tương xứng thì nhiều hộ nuôi quy mô nhỏ sẽ không thể duy trì và bỏ ao. Trong khi đó, hầu hết nông trại nuôi tôm tại châu Á ở mức quy mô nhỏ.

Sản lượng tôm toàn cầu có thể giảm vì chi phí nuôi cao - Ảnh 1.

Sản lượng tôm toàn cầu ở các khu vực giai đọan 2010 - 2022. (Nguồn: Undercurrent News. Việt hóa: H.Mĩ)

Nếu những hộ nhỏ lẻ không được trả mức giá tương xứng với rủi ro mà họ có thể chịu, họ sẽ dừng việc nuôi. 

“Chúng ta có thể phải đối mặt với rủi ro sản lượng giảm mạnh vì giá bán không tương xứng với chi phí”, ông Robins McIntosh nhận định.

Ở chiều ngược lại, nếu giá bán đủ cao để người nuôi có lãi, họ sẽ chấp nhận các rủi ro liên quan đến thời tiết, dịch bệnh và sản lượng sẽ tăng lên. 

“Với tôi, rủi ro lớn nhất hiện nay không phải bệnh dịch. Dịch bệnh đã diễn ra nhiều năm, nhất là bệnh tôm chết sớm (EMS) đã kéo dài 4 năm nay; hay bệnh đốm trắng ( 3- 4 năm) cũng đã ảnh hưởng đến sản lượng tôm toàn cầu. Nhưng nay đó không còn là vấn đề lớn có thể ảnh hưởng đến sản lượng tôm trong thời gian tới”, ông cho biết.

Nhu cầu thị trường trong năm 2022 sẽ tiếp tục tăng và đủ để hấp thụ sản lượng tôm. Chẳng hạn tại Mỹ, doanh số bán hàng luôn ở mức cao bởi nền kinh tế đang được phục hồi nhờ chính phủ liên tục bơm tiền để hỗ trợ. 

Một phần nguyên nhân khiến giá thành nuôi tôm cao bắt nguồn từ chi phí logistics tăng phi mã.

“Những bất ổn xuất phát từ chi phí vận chuyển tăng cao khu vực châu Á, châu Mỹ, Nam Mỹ. Chi phí thuê container cũng cao ngất ngưởng khiến giá thành nuôi tôm cao”, ông Robins McIntosh nói. 

Vị này cho rằng Ecuador sẽ có lợi thế tại thị trường Mỹ và EU hơn so với các đối thủ châu Á vì vị trí địa lý gần, chi phí logistics rẻ hơn. Đồng thời chi phí nuôi tôm tại Ecuador cũng đang ở mức thấp nhất thế giới.

“Một số trang trại tại Việt Nam có thể chi phí nuôi tôm rẻ hơn so với Ecuador nhưng đa phần thì không. Do đó, sản lượng tại Ecuador sẽ dễ đoán định hơn so với Việt Nam”, ông Robins McIntosh nhận định.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/san-luong-tom-toan-cau-co-the-giam-vi-chi-phi-nuoi-cao-20220111141830019.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/