Sản lượng dầu thô của Mỹ có thực sự giảm hay chỉ là suy luận của Tổng thống Trump?

Vào ngày 6/4, Tổng thống Donald Trump cho biết các nhà sản xuất dầu thô của Mỹ đã giảm sản lượng do ảnh hưởng tự nhiên từ việc giá dầu lao dốc. Tuy nhiên, liệu các công ty này đã thực sự giảm sản lượng chưa, hay đó chỉ là suy luận của ông Trump?

Sản lượng dầu thô của Mỹ thực sự đang giảm hay chỉ là suy luận của Tổng thống Trump? - Ảnh 1.

OPEC+ muốn kéo Mỹ vào bàn đàm phán nhưng ông Trump khước từ. Dù vậy, ông Trump cho biết sản lượng khai thác của các nhà sản xuất tại Mỹ đang giảm. (Ảnh minh họa: Getty Images)

"Tôi cho rằng việc các nhà sản xuất dầu thô của Mỹ giảm sản lượng là lẽ tự nhiên. Ý tôi là, nếu quan sát bạn sẽ thấy họ đang giảm dần sản lượng theo qui luật cung - cầu của thị trường. Các công ty này đang hành động rất nghiêm túc".

Đó là lời chia sẻ của Tổng thống Trump trong buổi họp báo tối ngày 6/4 tại Nhà Trắng khi được hỏi liệu ông có yêu cầu các nhà sản xuất dầu thô nội địa giảm sản lượng theo yêu cầu của OPEC hay không. 

Ông Trump nói thêm: "Không ai yêu cầu tôi ra lệnh như vậy cả, nếu họ mở lời, tôi sẽ cân nhắc đưa ra quyết định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ đúng là đang giảm sản lượng khai thác đấy".

Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô ở Mỹ hiện đang duy trì ổn định gần mức đỉnh mọi thời đại là 13 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, con số này chỉ là ước tính dựa trên các dự đoán ngắn hạn chứ không phải dữ liệu thực tế.

Số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tại Mỹ

Theo oilprice.com, có một số dấu hiệu cho thấy sản lượng khai thác của các hãng sản xuất dầu thô của Mỹ sắp giảm mạnh, hoặc hiện đã sụt giảm đáng kể.

Trong báo cáo gần nhất, Baker Hughes, công ty cung cấp dịch vụ trong ngành dầu mỏ, cho biết số lượng giàn khoan dầu và khí đốt đang hoạt động tại Mỹ đã giảm 64 giàn, mức giảm mạnh nhất trong một tuần trong vòng 5 năm qua. Tổng số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ giảm xuống còn 664 giàn, mức thấp nhất trong hơn ba năm qua.

Các ông lớn ngành dầu mỏ của Mỹ có động thái gì?

Ông Ryan Sitton, một trong các ủy viên của Ủy ban Đường sắt Texas, đã buộc các nhà sản xuất dầu thô trong bang giảm sản lượng khai thác. Hiện tại, chỉ riêng các công ty tại Texas đã sản xuất khoảng 41,4% tổng sản lượng dầu mỏ và chất lỏng khác của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Vài tuần trước, gã khổng lồ Chevron tuyên bố hãng đã giảm chi tiêu khoảng 4 tỉ USD (tương đương 50% mức chi cho hoạt động khai thác tại lưu vực Permian). Mức giảm này tương đương với sản lượng khai thác tại lưu vực Permian sụt 125.000 thùng so với dự báo ban đầu của Chevron.

Sản lượng dầu thô của Mỹ thực sự đang giảm hay chỉ là suy luận của Tổng thống Trump? - Ảnh 2.

Sản lượng dầu thô của một số tiểu bang tại Mỹ. (Ảnh: Oilprice.com/EIA)

Trong tuần này, Continental Resources, một trong các nhà sản xuất lớn nhất tại khu vực Bakken ở bang North Dakota và Montana, đã quả quyết rằng họ sẽ giảm sản lượng khoảng 30% trong tháng 4 và tháng 5.

Oilprice.com dẫn lời Continental cho biết công ty thực hiện giảm sản lượng để "phù hợp với nhu cầu dầu thô hiện tại, vốn đã sụt giảm đáng kể do đại dịch COVID-19".

Hôm 7/4, Exxon tuyên bố công ty sẽ giảm chi tiêu vốn khoảng 10 tỉ USD trong năm nay và phần lớn mức giảm sẽ được thực hiện tại lưu vực Permian.

Lí do mà việc cắt giảm sẽ chủ yếu ở Permian là vì đây là nơi đầu tư ngắn hạn có thể dễ dàng được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu. Và cũng không nhất thiết rằng việc giảm chi tiêu vốn của Exxon sẽ làm giảm sản lượng khai thác của hãng tại lưu vực lớn nhất nước Mỹ này.

Texland Petroleum, chủ yếu hoạt động tại lưu vực Permian, cũng đã giảm sản lượng và dự kiến đến ngày 1/5, toàn bộ 1.211 giếng khoan của công ty sẽ đóng cửa vì các nhà tinh chế dầu thô giảm hoạt động nhằm phù hợp với nhu cầu nhiên liệu đang suy yếu.

OPEC và đồng minh đã hành động từ đầu tháng 4

Dù chưa có thỏa thuận với OPEC, sản lượng khai thác của Nga trong tháng 4 đã bắt đầu chững lại, giảm từ 11,29 triệu thùng/ngày hồi tháng 3 xuống còn 11,25 triệu thùng/ngày vào đầu tháng 4.

Một quan chức chính phủ Nga cho biết các công ty khai thác của nước này không cần tăng sản lượng trong bối cảnh cung đang vượt cầu.

Gã khổng lồ Vedanta của Ấn Độ đang giảm sản lượng từ mức 180.000 - 190.000 thùng/ngày xuống còn 160.000 thùng/ngày do một hoặc nhiều nhà máy lọc dầu đối tác tiến hành giảm giá dầu thô.

Tập đoàn Petrobras của Brazil hôm 7/4 cho biết họ đã phê duyệt mức sản lượng là 2,97 triệu thùng/ngày cho tháng 4. Vào năm ngoái, sản lượng dầu thô của Brazil đã chạm ngưỡng 3 triệu thùng/ngày.

Brazil cũng được mời tham dự cuộc họp của liên minh OPEC+ vào tối ngày 9/4 (theo giờ Việt Nam) với vai trò là một "tay chơi" quan trọng trên thị trường dầu mỏ khi OPEC thấy rằng sản lượng khai thác của nước này có thể tăng 310.000 thùng/ngày trong năm nay, chỉ đứng sau Mỹ và Na Uy.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/san-luong-dau-tho-cua-my-co-thuc-su-giam-hay-chi-la-suy-luan-cua-tong-thong-trump-20200409175208109.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/