Sàn giao dịch nợ xấu của Việt Nam sắp ra đời, dự kiến vào đầu quý III

Theo đại diện của VAMC, sàn giao dịch nợ sẽ ra đời vào khoảng đầu quý III tới. Sàn giao dịch nợ VAMC được kỳ vọng góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển.

Sàn giao dịch nợ xấu của Việt Nam sắp ra đời - Ảnh 1.

Trụ sở VAMC. (Ảnh: Thời báo Ngân hàng).

Mới đây, tại buổi tọa đàm về nợ xấu do áo Tiền Phong và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết đơn vị này sẽ ra đời sàn giao dịch nợ xấu vào khoảng đầu quý III tới.

Trước đó, thực hiện theo Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017 - 2020 và hướng tới 2022, ngày 28/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành văn bản chấp thuận chủ trương thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh.

Theo đó, VAMC đã khẩn trương tiến hành các thủ tục pháp lý để thành lập và đăng ký hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC. Đơn vị đã ban hành Quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam - Chi nhánh Sàn giao dịch nợ (Sàn giao dịch nợ VAMC).

Ngoài ra, VAMC cũng đã triển khai thủ tục đăng ký hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh và đã được Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

Sàn giao dịch nợ VAMC ra đời với hoạt động trọng tâm là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân. Sàn có nhiệm vụ phát hiện vấn đề, đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.

Sàn giao dịch nợ VAMC được thành lập để hướng tới mục tiêu tạo lập, cung cấp một loại hình dịch vụ mới, chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ xấu, góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển.

Lũy kế từ khi thành lập đến hết 31/12/2020, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt đạt trên 374.000 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ là 342.000 tỷ đồng.

VAMC đã phối hợp cùng các tổ chức tín dụng xử lý trên 290.000 tỷ đồng nợ xấu; thu hồi nợ đạt gần 167.000 tỷ đồng.

Đặc biệt từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (15/8/2017), kết quả thu hồi nợ của VAMC chiếm 63% tổng số thu hồi nợ lũy kế từ khi thành lập đến 31/12/2020. Trong đó, năm 2020, công ty đã xử lý và phối hợp xử lý trên 46.000 tỷ đồng, thu hồi nợ từ trái phiếu đặc biệt trên 14.000 tỷ đồng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/san-giao-dich-no-xau-cua-viet-nam-sap-ra-doi-du-kien-vao-dau-quy-iii-20210626090617184.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/