Rung lắc đi lên, dòng tiền đang len lỏi đi tìm kiếm những cơ hội mới

Theo chuyên gia, nhà đầu tư cần theo dõi, bám sát giao dịch và thanh khoản của thị trường để từ đó nhìn nhận được cách dòng tiền vận động. Nếu mọi thứ tốt lên, tích cực lên thì đà kìm hãm có thể sẽ là lò xo giúp thị trường khởi sắc trong thời gian tới.

VN-Index đang đối mặt với xu hướng điều chỉnh do áp lực chốt lời đến từ các nhóm đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, điểm sáng của thị trường lúc này là thanh khoản vẫn duy trì ở mức khá tích cực vì vậy cơ hội thu hút dòng tiền có thể đến với những nhóm cổ phiếu chưa tăng mạnh và có triển vọng kinh doanh tốt vào quý III.

Thị trường chứng khoán thế giới đã bắt đầu diễn biến nhằm phản ứng trước thông tin lạm phát của Mỹ trong tháng 7 giảm xuống còn 8,5% CPI, giảm hơn mức kỳ vọng từ giới phân tích là 8,7% cũng như giảm sâu so với mức 9,1% ở tháng 6.

Thị trường chứng khoán Mỹ có phiên hồi phục rất mạnh tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam lại ghi nhận phiên điều chỉnh vì vậy khó có thể nói chúng ta đã có một tuần giao dịch thành công nhưng ta đã có 4 tuần tăng liên tiếp trước đó cho nên sang đến tuần thứ 5 thì áp lực chốt lời xuất hiện là điều hoàn toàn hiểu được và diễn biến của dòng tiền vẫn luân chuyển, rời bỏ những nhóm làm trụ đỡ hỗ trợ thị trường trong nhịp tăng vừa rồi.

Dòng tiền cũng đã tìm đến các nhóm cổ phiếu yếu và nhìn chung, chưa có dấu hiệu dòng tiền đang rút ra. Mấu chốt để thị trường tạo sức hút với nhà đầu tư chính là cải thiện vấn đề thanh khoản. Trong vài tuần gần đây, thanh khoản đã bắt đầu trở lại.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc phân tích vĩ mô và chiến lược đầu tư KBSV, cho rằng áp lực chốt lời là chuyện hiển nhiên và điều này sẽ mang đến sự tích cực cho thị trường rất nhiều vào thời gian tới. CPI ở Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt, tạo đỉnh ngắn hạn thì việc phản ứng tức thời của thị trường thế giới đang tương đối tốt, cho thấy thông tin CPI ở Mỹ đã làm xoa dịu tâm lý lo ngại của nhà đầu tư.

 Đồ thị kỹ thuật VN-Index trong khoảng 2 tháng gần đây. (Nguồn: TradingView).

Tại Việt Nam, VN-Index đóng cửa tuần thứ 33 của năm 2022 với 2 phiên giảm, 3 phiên tăng, có thêm 9,59 điểm tương đương 0,77% và dừng chân tại mốc 1.262,33 điểm.

Theo ông Đức Anh, giá trị giao dịch đã hạ nhiệt hơn bởi trong thị trường khi rung lắc và điều chỉnh, áp lực bán ra được kiểm soát vô cùng tốt. Do đó, kỳ vọng nhà đầu tư có thể chưa dừng lại ở đây, dòng tiền vẫn đâu đó đang len lỏi đi tìm kiếm những cơ hội mới.

Tính từ đầu năm đến nay, đà giảm điểm của VN-Index nói chung và các cổ phiếu nói riêng là tương đối sâu. Nếu ta nhìn một bức tranh mà ngắn hạn quá khi tham gia vào thị trường trong “vùng trũng thông tin” thời điểm này thì sẽ rất dễ bị xao động.

Theo chuyên gia, nhà đầu tư cần theo dõi, bám sát giao dịch thanh khoản của thị trường để từ đó nhìn nhận được cách dòng tiền vận động. Nếu mọi thứ tốt lên, tích cực lên thì đà kìm hãm có thể sẽ là lò xo giúp thị trường khởi sắc trong thời gian tới.

Thống kê của FiinTrade trong tuần qua, dòng tiền tăng mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa, tăng nhẹ vào nhóm vốn hóa nhỏ nhưng tiếp tục giảm ở nhóm vốn hóa lớn VN30.

Điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu midcap được giao dịch mạnh. Tỷ trọng giá trị giao dịch bình quân của nhóm vốn hóa vừa trong tuần tăng lên 45,99% toàn thị trường, chỉ số giá của nhóm này tăng 0,61%.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa được giao dịch mạnh nhất là HSG, VND, KBC, NKG, VCI, DIG, GEX, VGC, DBC, DGC, trong đó ngoại trừ KBC và DIG, 8 cổ phiếu còn lại đều ghi nhận tăng điểm trong tuần, VGC tăng mạnh nhất với tỷ lệ 12,95%.

Cùng chiều, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng nhẹ lên 15,92%, chỉ số giá cũng tăng 1,35% trong tuần.

Trong khi đó, tỷ trọng giá trị giao dịch các cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn VN30 giảm xuống 33,36%, nhóm cổ phiếu giao dịch mạnh nhất là HPG, SSI, VPB, NVL, STB, MWG, POW, VNM, MBB, PDR với 7/10 mã tăng điểm, VNM, DPR giảm điểm còn POW giữ giá.

Liên quan đến diễn biến nhóm cổ phiếu, ông Đức Anh đánh giá các ngành chứng kiến sự tăng trưởng rất mạnh trong nhịp hồi phục vừa qua là bất động sản, đặc biệt là bất động sản midcap và chứng khoán. Đây là các nhóm ngành có hệ số beta vô cùng cao và phản ứng cực kỳ mạnh ngay khi thị trường ở nhịp hồi đầu tiên.

Tuy nhiên, khi đã tới vùng giá hiện tại thì có lẽ không còn quá rẻ nữa cho nên sẽ phải có sự luân chuyển dòng tiền để tìm đến những nhóm cổ phiếu mà có tính chất cơ bản hơn, được hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô hoặc ít nhất ghi nhận câu chuyện rõ ràng về động lực tăng trưởng trong thời gian tới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/rung-lac-di-len-dong-tien-dang-len-loi-di-tim-kiem-nhung-co-hoi-moi-2022813121258160.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/