Room ngoại tại Sacombank thực tế đã chạm ngưỡng 30%?

Theo Tổng Giám đốc Sacombank, là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam niêm yết cổ phiếu tại HOSE, việc room ngoại là 23,64% hay 30% có tác động khá lớn đến ngân hàng.

Sacombank là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam niêm yết cổ phiếu tại HOSE. (Ảnh: TTXVN)

Liên quan đến thông tin về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB), Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa ra văn bản khẳng định mức room ngoại 30% tại Sacombank là đúng.

Cụ thể, tại văn bản ngày 16/2 gửi Sacombank, VSD cho biết đang quản lý tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB là 30% vốn điều lệ hiện tại, dựa trên các căn cứ gồm: Hồ sơ của Sacombank tại công văn số 11/2014/CV-HĐQT ngày 26/2/2014 và công văn số 16/2014/CV-HĐQT ngày 11/3/2014, trong đó đề nghị mở lại tỷ lệ cổ phần sở hữu cổ phiếu STB cho cổ đông nước ngoài về mức 30% vốn điều lệ của Sacombank; Công văn số 829/UBCK-PTTT ngày 4/3/2014 của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc giải toả tỷ lệ sở hữu cổ đông nước ngoài của Sacombank; Quy định pháp luật về ngân hàng và pháp luật chứng khoán.

VSD khẳng định kể từ thời điểm đó đến nay chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ Sacombank đề nghị thay đổi tỷ lệ sở hữu 30% của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB.

Lý giải về con số tỷ lệ 23,64%, VSD cho biết, trong thời gian 400.000.000 cổ phiếu STB đã đăng ký nhưng chưa được niêm yết bổ sung, VSD phải phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) để tính toán số liệu sở hữu nước ngoài dựa trên 1.485.215.716 cổ phiếu đã niêm yết để phản ánh chính xác tỷ lệ room ngoại trên hệ thống của HOSE. Điều này nhằm đảm bảo khi niêm yết bổ sung 400.000.000 cổ phiếu STB thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại STB không vượt quá 30% theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên qua trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết kể từ ngày 19/9/2016, sau khi hoàn thành việc niêm yết bổ sung số lượng chứng khoán phát hành thêm của Sacombank từ việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB đã được VSD điều chỉnh giảm từ 30% xuống 23,63468% (trên số lượng 1.885.215.716 cổ phiếu) cho đến thời điểm hiện nay.

"VSD vẫn niêm yết room ngoại tại STB là 23,64% trong nhiều năm qua. Cho tới ngày 10/2/2023, VSD công bố khối lượng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sacombank đã là 565 triệu cổ phiếu STB, tương ứng với tỷ lệ 29,99%", bà Diễm nói.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank. (Ảnh: TTXVN)

Theo Tổng Giám đốc Sacombank, là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam niêm yết cổ phiếu tại HOSE, việc room ngoại là 23,64% hay 30% có tác động khá lớn đến ngân hàng.

Bởi nếu là 23,64%, Sacombank sẽ có cơ hội lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài phù hợp để làm cổ đông chiến lược. Còn nếu VSD đã "nới" lên 30%, bán cổ phiếu STB cho nhà đầu tư nhỏ lẻ thì cơ hội này không còn nữa. Bà Diễm cho biết Sacombank sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan quản lý để làm rõ về tỷ lệ sở hữu này.

Cập nhật thông tin mới nhất từ VSD ngày 17/2, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại STB hiện là 29,84%, gần chạm mức trần quy định.

Trước đó, sau số liệu công bố của VSD ngày 10/2, Sacombank đã gửi văn bản tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VSD và HOSE về vấn đề tỷ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB.

Trong đó, Sacombank khẳng định từ thời điểm 19/9/2016 khi VSD ra thông báo tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu STB là 23,64%, ngân hàng này chưa có bất kỳ văn bản nào đề nghị VSD tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 30% khi chưa được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

Do vậy, Sacombank đề nghị các cơ quan trên thực hiện kiểm soát và quản lý tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB đúng thông báo ngày 19/9/2016 ở mức 23,63468%.

Sau hơn 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ, Sacombank đã đạt được những bước tiến vững chắc, các mục tiêu trọng tâm như xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng được thực hiện hiệu quả với tốc độ ấn tượng. Dự kiến, trong năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất tái cơ cấu thay vì đến năm 2025 như Đề án cho phép. Do đó, cổ phiếu STB cũng ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Thực tế cho thấy STB là mã chứng khoán được khối ngoại mua ròng nhiều nhất kể từ giữa tháng 11/2022 đến nay. Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI đánh giá Sacombank có khả năng trở thành trường hợp đặc biệt trong ngành ngân hàng trong những năm sắp tới khi là một trong những nhà băng cuối cùng phải xử lý nợ xấu còn lại của chu kỳ tín dụng trước.

Theo SSI, nếu duy trì hiệu quả hoạt động từ quý III/2022 trở đi, Sacombank có thể sớm gia nhập câu lạc bộ các ngân hàng thương mại top 1 tại Việt Nam. Cổ phiếu STB khi ấy có thể sẽ được định giá lại với mức cao hơn.

Cổ phiếu STB giao dịch tại thời điểm 10h42 sáng 17/2 ở mức 24.650 đồng/cổ phiếu.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/room-ngoai-tai-sacombank-thuc-te-da-cham-nguong-30-2023217201810767.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/