RCEP sẽ không làm Việt Nam nhập siêu trầm trọng hơn

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng Hiệp định RCEP chắc chắn sẽ không làm trầm trọng nhập siêu, thậm chí là có khả năng cải thiện cho Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt là trong dài hạn"

Cơ hội thúc đẩy tham gia chuỗi cung ứng

Tại buổi sinh hoạt báo chí chuyên đề "Hiệp định RCEP: Cơ hội và thách thức" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 19/11, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết việc kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

RCEP sẽ không làm Việt Nam nhập siêu trầm trọng hơn - Ảnh 1.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên. Ảnh: Đức Quỳnh

Thứ nhất, Hiệp định RCEP, khi được 15 thành viên thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với qui mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26,2 nghìn tỉ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. 

Ít nhất 64% số dòng thuế được xóa bỏ sau khi hiệp định có hiệu lực. Con số này được nâng lên 90,7% - 92% sau 15 - 20 năm. 

Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa qui tắc xuất xứ (thay vì áp dụng 5 bộ qui tắc xuất xứ của 5 hiệp định FTA như hiện nay) giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại.

"Việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia", ông Thái cho biết.

Bên cạnh đó, Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài. 

Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam.

Điều này góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quiết tranh chấp..., góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực. 

Nếu như nhìn từ bên ngoài, người ta coi chúng ta là một trong những ví dụ thành công trong hội nhập, đặc biệt là vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Theo báo cáo của WTO, chỉ có hai nước là Trung Quốc và Việt Nam mức độ tham gia chuỗi cung ứng phức tạp tăng lên bởi các nước khác đang có xu hướng bảo hộ ngành sản xuất của mình.

"Việc chúng ta chủ động tham gia các cuộc chơi chung về thương mại là một trong những nguyên nhân đóng góp tạo ra chuỗi cung ứng mới. Tất nhiên giai đoạn đầu vẫn là giai công nên giá trị có thể chưa cao và các nước khác sẽ cạnh tranh để tham gia góc độ cung ứng cao hơn", ông Thái nói. 

Tuy nhiên, ông Thái cũng chia sẻ các doanh nghiệp có thể hoàn toàn yên tâm bởi Việt Nam đi trước một bước. 

Thực tế, Việt Nam đã có FTA trước với mức độ cao hơn như Nhật Bản đã có FTA song phương, FTA khu vực giữa ASEAN – Nhật Bản, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà hai bên cùng tham gia, mức độ mở cửa thị trường gần như 100% và lộ trình đi rất nhanh.

RCEP sẽ không làm Việt Nam nhập siêu trầm trọng hơn

Ông Thái cho biết với tất cả các nước ASEAN thì đây là Hiệp định không hướng đến giá trị gia tăng mới về mở cửa thị trường do ASEAN đều đã FTA với các đối tác. 

Thay vào đó, Hiệp định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác với ASEAN trong một Hiệp định FTA. 

Với góc độ hài hòa các qui định hiện có của các Hiệp định ASEAN đã có với các đối tác thì Hiệp định được coi là có giá trị cao trong việc giảm chi phí giao dịch, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường vị trí trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các xung đột về thương mại trong khu vực. 

Đơn cử như doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, khó tận dụng được ưu đãi do có nhiều qui định khác nhau giữa Hiệp định của ASEAN và các nước đối tác. 

Với Hiệp định RCEP, các khó khăn này sẽ giảm đi do sẽ chỉ dùng chung một bộ qui tắc duy nhất và cho phép cộng gộp hàm lượng từ tất cả các nước trong khu vực. 

"Với góc độ như vậy, Hiệp định RCEP chắc chắn sẽ không làm trầm trọng nhập siêu, thậm chí là có khả năng cải thiện cho Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt là trong dài hạn", ông Thái khẳng định.

Quá trình đàm phán các cam kết về mở cửa thị trường trong Hiệp định RCEP đều có sự nghiên cứu và góp ý chặt chẽ từ các các bộ ngành liên quan và doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất của Việt Nam.

Cuối cùng, nhập siêu hay không là một yếu tố cần xem xét nhưng không phải là yếu tố duy nhất khi cân nhắc lợi ích của các FTA. 

Đơn cử như trường hợp chúng ta có FTA song phương và khu vực với Hàn Quốc, nay thêm quan hệ FTA thông qua Hiệp định RCEP. 

Mặc dù còn nhập siêu lớn nhưng không thể phủ nhận giá trị của các Hiệp định này trong việc giúp gắn kết hai nền kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và đem lại nhiều giá trị cụ thể cho người dân và doanh nghiệp hai bên. 

Ông Thái chia sẻ khi Việt Nam gia nhập WTO thì nhập siêu cũng rất lớn nhưng từ việc chấp nhận hội nhập để tự vươn lên thì doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã có những bước phát triển vượt bậc, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp không bị giảm đi mà còn tăng lên đáng kể. 

Nay Việt Nam đã hội nhập trong nhiều năm nên hy vọng sẽ rút ra được các kinh nghiệm cần thiết để hội nhập thành công khi tham gia Hiệp định RCEP.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/rcep-se-khong-lam-viet-nam-nhap-sieu-tram-trong-hon-20201119162009253.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/