Quy mô đàn heo của Việt Nam lớn thứ 6 thế giới, tại sao nhập khẩu thịt heo vẫn tăng 400%?

Việc nhập khẩu thịt heo, thịt gà đông lạnh giá rẻ đang ngày càng gia tăng, nhất là khi thuế quan nhập khẩu đang trở về mức 0%, tạo áp lực cho thị trường trong nước. Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Chính phủ siết chặt nhập khẩu, giữ cân bằng cho ngành chăn nuôi.

Hiện nay, giá heo hơi 3 miền giảm sâu xuống mức 35.000 – 43.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với đầu năm. Giá bán đang thấp hơn giá thành khoảng 20.000 – 30.000 đồng/kg tùy quy mô.

Giá gà dao động 20.000 – 35.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành khoảng 10.000 đồng. Việc tất cả các sản phẩm của ngành chăn nuôi đều có giá bán thấp hơn giá thành khiến người nuôi nông hộ lỗ nặng, doanh nghiệp chăn nuôi khép kín cũng khó cầm cự.

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam (AHAV), nhiều lĩnh vực của chăn nuôi Việt Nam đã có thứ bậc cao trong khu vực và trên thế giới như quy mô đàn heo đứng thứ 6 – 7, đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới, công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đứng đầu các nước ASEAN.

Tuy nhiên, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt vẫn tăng đột biến trong hai năm gần đây. Cụ thể, năm 2020, nhập khẩu thịt heo năm 2020 tăng 400%, thịt gia cầm tăng 15%, thịt trâu bò tăng 44% so với năm 2019.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết 8 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt heo đạt hơn 257 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 508 triệu USD, tăng 62% về lượng và tăng 84% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Quy mô đàn heo của Việt Nam lớn thứ 6 thế giới, tại sao nhập khẩu thịt heo vẫn tăng 400%? - Ảnh 1.

Thịt heo, thịt gà nhập khẩu tràn ngập trong các siêu thị. (Ảnh: Hoàng Anh)

Đại diện AHAV cho biết dù thịt heo đông lạnh chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng thịt heo trong nước. Các nhà máy chế biến nhập thịt heo đông lạnh vì nguồn cung dồi dào, giá rẻ và ổn định hơn trong nước, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các loại thực phẩm giá rẻ ngày càng gia tăng, nhất là khi các dòng thuế quan nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi đang trở về mức 0% thì áp lực thị trường với chăn nuôi trong nước sẽ là vô cùng lớn.

Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm.

Đồng thời, đề xuất Bộ Công Thương đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, trong đó chú ý đến các sản phẩm thịt gia cầm đã qua xử lý nhiệt. Đây sẽ là mặt hàng có lợi thế của chăn nuôi trong nước thời gian tới.

Bên cạnh đó, đàm phán với các nước xuất khẩu lớn như Mỹ, Brazil, Argentina, Ấn Độ… có chính sách, điều kiện thương mại ưu đãi cho xuất khẩu mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản vào Việt Nam vì hiện nay nước ta đang nhập siêu về nhóm mặt hàng này, trung bình khoảng 6-6,5 tỷ USD/năm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/quy-mo-dan-heo-cua-viet-nam-lon-thu-6-the-gioi-tai-sao-nhap-khau-thit-heo-van-tang-400-20211014145713396.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/