'Quy hoạch điện 8 và chính sách giá năng lượng tái tạo - động lực cho một chu kỳ phát triển mới của ngành điện'

Theo VNDirect, nhiệt điện sẽ được hưởng lợi trong bối cảnh thủy điện giảm sút trong giai đoạn 2023 - 2024, còn năng lượng tái tạo vẫn cần cú hích từ chính sách.

Chứng khoán VNDirect nhận định, ngành điện Việt Nam đang chờ thông báo chính thức từ quy hoạch điện 8 (QHĐ) và chính sách giá cho năng lượng tái tạo (NLTT) để khởi động một chu kỳ phát triển mới. Trong đó, nhiệt điện sẽ được hưởng lợi trong bối cảnh thủy điện giảm sút trong giai đoạn 2023 - 2024, còn NLTT vẫn cần cú hích từ chính sách.

Nguồn: VNDirect.

NLTT chờ đợi cú hích chính sách giá

Theo VNDirect, Dự thảo QHĐ 8 mới nhất tiếp tục củng cổ triển vọng tươi sáng của NLTT. Đây sẽ là mảng mũi nhọn trong kế hoạch phát triển ngành điện của Việt Nam ở cả ngắn và dài hạn.

Theo đó, EVN đã tính toán theo bốn phương án và chọn ra giá trị nhỏ nhất cho mỗi loại hình điện trong bốn phương án này. Giá điện gió sẽ giảm khoảng 20-25% so với mức giá FIT trong khi giá điện mặt trời đề xuất thấp hơn 50% và chỉ ở mức 1.188 đồng/kWh.

Ngoài ra, VNDirect nhận thấy, xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình triển vọng ngành NLTT sau giai đoạn giá FIT.

 Doanh nghiệp tiếp cận với danh mục điện gió có lợi thế trong giai đoạn phát triển sau FIT.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn thấy tiềm năng lớn của mảng NLTT tại Việt Nam và hàng loạt các tập đoàn lớn đến từ Thái Lan, Philippines như BCPG, Bgrimm hay AC Energy đã tiếp cận thị trường trong nước thông qua nhiều hình thức đầu tư linh hoạt, bao gồm việc M&A các dự án đã vận hành cũng như thành lập liên danh với các đối tác nội địa để phát triển dự án mới.

Khi bức tranh ngành điện đang dần rõ nét hơn và tập trung phát triển NLTT, xu hướng M&A sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong các năm tới. Do đó, tính cạnh tranh trong giai đoạn này sẽ tăng cao với nhiều thành phần nhà đầu tư đến từ nhiều nơi trên thế giới. Các doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để sẵn sàng chạy đua cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ sắp tới.

Sản lượng điện khí được cải thiện

Theo định hướng từ dự thảo QHĐ 8 bản mới nhất, từ nay đến 2035 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của điện khí, trước khi dừng phát triển sau 2035. Do đó, tổng công suất điện khí sẽ tăng mạnh từ 7.300 MW trong 2022 lên 46.330 MW trong 2035 với tốc độ tăng trưởng kép trong giai đoạn này đạt 15,2%.

Trong đó, công suất điện khí nội địa sẽ tăng gấp đôi đạt 14.930 MW đến năm 2030 với đóng góp chủ yếu từ cụm điện khí Ô Môn (3.810 MW), Dung Quất (2.250 MW) và Miền Trung (1.500 MW).

Cuối tháng 9, giá dầu FO đã giảm 54% từ mức đỉnh đạt 380 USD/tấn, mức thấp nhất trong năm nay. Nhờ đó, giá khí nội địa Việt Nam, vốn neo theo giá dầu này với công thức 46%*FO cũng đã giảm tương ứng.

Ngoài ra, sau khi trải qua đà tăng giá mạnh từ 2020, ảnh hưởng bởi một loạt các sự kiện gây đứt gãy chuỗi cung ứng dầu, khí, như dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine hay Trung Quốc giãn cách, giá khí thế giới đã giảm mạnh từ mức đỉnh nhờ những nỗ lực.

 Sản lượng điện khí có thể được cải thiện.

Nhờ xu hướng giảm giá khí, VNDirect nhận thấy đây là thông tin tích cực cho ngành điện khí với mức huy động điện kỳ vọng sẽ cải thiện, cũng như tình hình đàm phán hợp đồng PPA cho các dự án sắp tới.

Nhìn chung, giá khí nội địa đang được neo theo giá dầu FO và biến động tăng giảm sát với diễn biến giá dầu Brent. Giá dầu Brent có thể giảm dần và đạt mức trung bình 90 USD/thùng và 80 USD/thùng cho lần lượt 2023 - 2024 sẽ là yếu tố quan trọng để giảm bớt những áp lực cạnh tranh cho nguồn điện khí.

Theo VNDirect, đây vẫn là mức giá khá cao khi so sánh với trung bình quá khứ, việc giảm giá khí có thể sẽ dần thu hẹp khoảng cách giữa giá điện khí và giá điện than, đặc biệt trong bối cảnh giá than nhập dự kiến sẽ vẫn neo cao trong năm sau.

Điện than đối mặt với nguy cơ ngắn và dài hạn

Theo VNDirect, giá than nhập tiếp tục neo cao trong năm 2023 sẽ là cản trở chính cho tăng trưởng mảng điện than, đặc biệt khi các nhà máy mới đi vào hoạt động sử dụng 100% than nhập như Nghi Sơn II, Sông Hậu I. Còn các nhà máy sử dụng than nội địa và than trộn trong 2023 - 2024 ít áp lực hơn khi giá thấp hơn các nhà máy than nhập.

 6.800 MW bị đưa ra khỏi cân đối quy hoạch điện trong bản dự thảo mới nhất.

Trong khi đó, các nhà máy tại khu vực miền Bắc sẽ ghi nhận mức huy động sản lượng tối ưu hơn do dự báo nhu cầu điện tại khu vực này sẽ tăng mạnh trong các năm tới. Còn các nhà máy tại khu vực miền Nam có thể vẫn gặp phải áp lực cạnh tranh từ nhiều nguồn điện do tình trạng thừa nguồn tại khu vực.

Về ngắn hạn, VNDirect nhận định, điện than vẫn đóng vai trò rất quan trọng và là một nguồn điện chạy nền đáng tin cậy với giá rẻ, để đảm bảo tính an toàn của hệ thống trong giai đoạn phát triển kinh tế của nước ta từ nay đến năm 2030.

Chu kỳ tăng của thuỷ điện dần khép lại

Theo VNDirect, chu kỳ tăng của thuỷ điện sẽ dần khép lại khi pha La Nina dự kiến kết thúc từ tháng 1/2023. Hơn nữa, triển vọng phát triển thủy điện đang dần cạn kiệt khi dư địa mở rộng công suất của nguồn điện này đã đạt giới hạn.

Nếu không tính đến các dự án mở rộng công suất, Thượng Kon Tum (220 MW) của VSH là một trong những nhà máy thủy điện lớn cuối cùng trong quy hoạch, đánh dấu hồi kết cho sự phát triển của nguồn điện này. Còn dư địa khoảng 6.000 MW thủy điện nhỏ (< 30 MW) trong giai đoạn tới.

 Pha La Nina dự kiến kết thúc từ tháng 1/2023.

Thủy điện nhỏ hiện đang được xếp loại là NLTT do ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường và cảnh quan chung. Tuy rằng, các nhà máy thủy điện nhỏ phụ thuộc nhiều vào thời tiết và khả năng điều tiết kém, các dự án này được hưởng mức giá bán cao hơn trung bình 20-30% so với giá bán các thủy điện công suất lớn nhờ chính sách biểu phí tránh được.

Song, VNDirect cho rằng một số doanh nghiệp vẫn còn được hưởng lợi từ phát triển thủy điện bao gồm PC1, GEG và REE.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/quy-hoach-dien-8-va-chinh-sach-gia-nang-luong-tai-tao-dong-luc-cho-mot-chu-ky-phat-trien-moi-cua-nganh-dien-2022129114724243.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/