Quốc hội Mỹ còn vướng mắc gì mà chưa chịu nâng trần nợ công?

Chính phủ Mỹ đã chạm trần nợ công vào ngày 19/1 và tạm thời không thể vay nợ thêm. Bộ Tài chính đang phải sử dụng đến các biện pháp đặc biệt để kéo dài ngân sách hoạt động của chính phủ đến đầu tháng 6. Các chính trị gia đã qua nhiều vòng đàm phán nhưng chưa thể thống nhất nâng trần nợ.

Bài phát biểu Thông điệp Liên bang tối 7/2/2023 của Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Bloomberg).

Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang tối 7/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc Đảng Cộng hòa muốn cắt giảm các chương trình chi tiêu quan trọng với hàng trăm triệu người dân Mỹ như quỹ lương hưu và bảo hiểm y tế.

Nhiều nghị sỹ Đảng Cộng hòa nhanh chóng la ó phản đối và ông Biden nhân cơ hội này để tuyên bố rằng các chương trình phúc lợi xã hội “vẫn đang an toàn” và được “sự ủng hộ thống nhất” của cả hai đảng.

Ông Biden nhắc tới chương trình lương hưu và bảo hiểm y tế trong sự kiện quan trọng tối 7/2 giữa bối cảnh Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang cản trở yêu cầu nâng trần nợ công mà chính phủ đưa ra, làm tăng nguy cơ vỡ nợ.

Chính phủ Mỹ chạm trần nợ công 31.400 tỷ USD vào ngày 19/1 và từ đó đến nay không được phép vay nợ mới, chỉ có thể dùng các nguồn thu từ thuế và phí để trang trải các khoản chi tiêu và trả nợ đến hạn.

Ông Biden và Đảng Dân chủ chiếm đa số ở Thượng viện muốn nâng trần nợ để cho phép chính phủ tiếp tục đi vay. Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa chiếm đa số ở Hạ viện lại đang gây khó dễ, yêu cầu chính phủ phải cắt giảm chi tiêu để đổi lấy việc nâng trần nợ.

Quyết định nâng trần nợ hiện nay và quy mô chi tiêu trong tương lai là hai vấn đề riêng biệt, không có liên quan đến nhau. Việc nâng trần nợ không có nghĩa là Quốc hội cho phép chính phủ tiêu xài phung phí, mà chỉ có tác dụng cấp tiền cho chính phủ chi tiêu vào những khoản đã được Quốc hội thông qua.

Hàng năm, Quốc hội Mỹ đều phê duyệt kế hoạch thu chi ngân sách liên bang. Liên tục trong hai thập kỷ qua, chính phủ Mỹ luôn chi nhiều hơn thu nên Washington phải vay nợ để bù đắp phần thiếu hụt.

Quốc hội biết rõ chính phủ phải đi vay bao nhiêu tiền để thực hiện kế hoạch chi ngân sách đã được phê duyệt, nhưng trần nợ công không được tự động nâng lên tương ứng theo bản ngân sách. Khi nào nợ gần chạm trần và Bộ Tài chính kêu cứu, hai đảng trong Quốc hội mới ngồi lại với nhau để bàn bạc.

Chính phủ Mỹ thâm hụt ngân sách liên tục trong hàng chục năm.

Theo Reuters, Nhà Trắng đã tuyên bố sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề nâng trần nợ, nhưng Tổng thống Joe Biden vẫn đồng ý gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vào hôm 1/2 để thảo luận về vấn đề ngân sách.

Hôm 6/2, tức một ngày trước bài phát biểu Thông điệp Liên bang của ông Biden, ông McCarthy nói: “Chúng ta phải tìm được một tiếng nói trong trong vấn đề nâng giới hạn nợ một cách có trách nhiệm. … Vỡ nợ không phải là một sự lựa chọn, nhưng tăng thuế, nâng lãi suất và một nền kinh tế vô dụng cũng không thể là tương lai của chúng ta”.

7 ý tưởng từ Đảng Cộng hòa

Đảng Cộng hòa tại Hạ viện muốn Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ đáp ứng điều kiện gì để đổi lấy việc nâng trần nợ công?

Theo Washington Post, ông McCarthy chưa chính thức công bố một bản danh sách rõ ràng những yêu sách của Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, các đảng viện Cộng hòa đang có 7 đề xuất sau đây:

Thứ nhất, giảm mạnh các khoản chi tiêu “không thiết yếu”, tức là không kể đến các chương trình bảo hiểm y tế, hỗ trợ dinh dưỡng và lương hưu. Tổng giá trị các khoản chi này tương đương 30% tổng ngân sách liên bang.

Đảng Cộng hòa muốn đưa các khoản chi “không thiết yếu” trong năm 2023 về ngang với mức của năm 2022. Ý tưởng này nghe có vẻ không quá ghê gớm, nhưng nếu Đảng Cộng hòa không cắt ngân sách cho quốc phòng hay phụ cấp cho cựu chiến binh như đã tuyên bố, đa phần các chương trình chi tiêu nội địa còn lại sẽ mất tới 20% ngân sách.

Thứ hai, thay đổi chính sách hưu trí và bảo hiểm y tế. Sau khi gặp Tổng thống Joe Biden hôm 1/2, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã nhấn mạnh rằng hai bên không bàn luận về vấn đề cắt giảm quỹ lương hưu và bảo hiểm y tế. Cựu Tổng thống Donald Trump cũng khuyến nghị Đảng Cộng hòa không đòi hỏi cắt giảm các chương trình “chi tiêu bắt buộc” này.

Tuy nhiên, nhiều đảng viên Cộng hòa đã đưa ra những đề xuất có khả năng cải tổ sâu sắc chính sách lương hưu và bảo hiểm y tế, nếu không thay đổi ngay lập tức thì sẽ là trong tương lai.

Các nghị sỹ Đảng Cộng hòa cho rằng hai chương trình này đang gây ra thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe tài khóa của nước Mỹ. Quỹ An sinh Xã hội (hưu trí) được dự đoán là sẽ mất khả năng thanh toán vào năm 2033, Bảo hiểm Y tế cho người lớn tuổi cũng sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng vào năm 2026.

Cái bẫy mà ông Joe Bien giăng ra tối 7/2 sẽ cản đường nhiều nghị sỹ Đảng Cộng hòa trong nỗ lực đòi cắt quỹ lương hưu và bảo hiểm y tế.

 

Thứ ba, cắt giảm ngân sách của Sở Thuế vụ. Trong Đạo luật Giảm lạm phát được ban hành vào tháng 8/2022, Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) được cấp thêm ngân sách hoạt động 80 tỷ USD. Đảng Cộng hòa nhất quyết phản đối điều khoản này nhưng không thành vì vào thời điểm đó, Đảng Dân chủ đang chiếm thế đa số tại cả hai viện quốc hội.

Theo nguồn tin của Washington Post, các đảng viên Cộng hòa kỳ cựu trong Hạ viện đã bắt đầu thảo luận về việc yêu cầu Đảng Dân chủ cắt giảm ngân sách cho IRS để đổi lấy việc nâng trần nợ công.

Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Rick Scott của bang Florida nói: “Tôi muốn đuổi việc hết những nhân viên IRS mới thuê”.

Điều trớ trêu là nếu cắt giảm ngân sách hoạt động của IRS thì chính phủ Mỹ khó phát hiện các trường hợp gian lận và trốn thuế, ngân sách bị thất thu và sẽ phải vay nợ nhiều hơn – điều mà Đảng Cộng hòa luôn chỉ trích.

Thứ tư, dừng các gói hỗ trợ COVID. Trong đại dịch 2020 - 2021, Quốc hội đã đồng ý chi hơn 5.000 tỷ USD để hỗ trợ khẩn cấp người dân, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ giai đoạn đen tối 1929 – 1933.

Một số đảng viên Cộng hòa gần đây đã xem xét khả năng dừng giải ngân các gói hỗ trợ này và dùng số tiền còn lại để trả bớt nợ liên bang. Tuy nhiên theo ông Gene Dodaro, Tổng Kiểm soát viên Mỹ, số tiền cứu trợ còn lại chưa được phân bổ vào đâu chỉ là 157 tỷ USD, tương đương 0,5% tổng nợ liên bang 31.000 tỷ USD hiện nay.

Thứ năm, xây bức tường biên giới. Bức tường giữa biên giới Mỹ và Mexico được bắt đầu xây dựng dưới thời Tổng thống Donald Trump và hiện còn đang dang dở.

Hạ nghị sỹ Cộng hòa Chip Roy đến từ bang Texas, người đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận đưa ông McCarthy vào ghế Chủ tịch Hạ viện, từng tuyên bố hồi cuối tháng 1 rằng ông sẽ dùng việc nâng trần nợ hòng đổi lấy việc tăng cường quyền hạn cho Bộ An ninh Nội địa để chặn tất cả người nhập cư vượt biên giới.

Một số nghị sỹ Cộng hòa khác thì muốn tăng ngân sách cho việc hoàn thành bức tường biên giới. Đề xuất này có vẻ khả thi hơn so với ý tưởng của ông Roy. Đảng Dân chủ chắc chắn không bao giờ đồng ý, và ngay cả một số nghị sỹ Đảng Cộng hòa cũng phản đối đề xuất của ông Roy.

Người nhập cơ vào Mỹ tại bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico, bang Arizona ngày 12/5/2021. (Ảnh: Getty Images).

Thứ sáu, thêm các yêu cầu làm việc mới cho những người nhận hỗ trợ liên bang. Tuy nhiên, các nhà phân tích tỏ ra hoài nghi vì Mỹ đã có yêu cầu việc làm với hầu hết chương trình như hỗ trợ dinh dưỡng, bảo hiểm y tế cho người thu nhập thấp, và hỗ trợ kinh tế cho người nghèo.

Thứ bảy, không nâng trần nợ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Một số nghị sỹ Cộng hòa cho rằng mối nguy hiểm của việc chạm trần nợ đã bị thổi phồng, và cho dù Quốc hội không nâng trần nợ thì Bộ Tài chính vẫn có thể thanh toán các khoản chi quan trọng nhất như trả nợ cho trái chủ, trả tiền hưu trí, thanh toán bảo hiểm cho người nghèo hay ngân sách quốc phòng.

Nguồn thu của Chính phủ Mỹ đủ để trả cho 75% chi tiêu hàng năm. Nếu Quốc hội không nâng giới hạn nợ, Nhà Trắng và Đảng Dân chủ sẽ phải tự tìm cách cắt một số khoản chi.

Hạ nghị sỹ Cộng hòa Andy Biggs đến từ bang Arizona đã tuyên bố sẽ không nâng trần nợ trong bất cứ hoàn cảnh nào. “Chúng ta không thể tăng trần nợ. Đảng Dân chủ đã tiêu xài phung phí tiền thuế của chúng ta và làm đồng tiền của nước Mỹ mất giá. Bọn họ đã gieo gió thì giờ phải gặt bão”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/quoc-hoi-my-con-vuong-mac-gi-ma-chua-chiu-nang-tran-no-cong-202328233728672.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/