Quốc gia nào chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến giá dầu

Với các hạn chế sản lượng sẽ hết hạn vào tháng 4 này và cuộc chiến giá cả đang bùng nổ, các nhà sản xuất dầu hàng đầu của OPEC đang chạy đua sản xuất để bảo vệ thị phần.

Quốc gia nào chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến giá dầu - Ảnh 1.

Quốc gia nào chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến giá dầu

Thị phần càng lớn đồng nghĩa với tổn thất càng nhiều khi ngành dầu trên thế giới đang sụp đổ vì đại dịch virus corona. Hơn nữa, một số nhà sản xuất, như Iraq và Libya, đang phải đối mặt với những trở ngại chính trị và an ninh để tăng sản lượng.

Dưới đây là công suất dự phòng và những trở ngại đối với các quốc gia sản xuất dầu:

Arab Saudi

Nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới duy trì công suất dự phòng mạnh nhất, cho phép quốc gia này tăng thêm sản lượng để giảm bớt sự dao động giá trong trường hợp gián đoạn nguồn cung ở nơi khác. 

Hiện công ty nhà nước Aramco dự trữ một lượng lớn dầu khi Arab Saudi đang cạnh tranh trong cuộc chiến giá cả và lên kế hoạch tung sản lượng ra thị trường.

Aramco đang đẩy mạnh sản xuất lên công suất tối đa 12 triệu thùng/ngày từ mức trung bình khoảng 10 triệu thùng/ngày trong 3 năm qua. 

Công ty cho biết thậm chí sẽ cung cấp nhiều hơn thế, 12,3 triệu thùng/ ngày, vào tháng 4 bằng cách khai thác dự trữ trong kho và đang có kế hoạch nâng công suất lên 13 triệu thùng/ngày.

Quốc gia nào chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến giá dầu - Ảnh 2.

Nguồn: Bloomberg

Nga

Chính quyền Moscow, người không có thiện chí trong việc thực hiện đề xuất cắt giảm sản lượng dẫn đến sự sụp đổ của liên minh OPEC +, đã đáp trả động thái của Riyadh với một tuyên bố tương tự.

Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak cho biết Nga có khả năng tăng sản lượng 500.000 thùng/ngày, đạt sản lượng tiềm năng cao kỉ lục 11,8 triệu thùng/ngày. Công ty dầu mỏ nhà nước Rosneft PJSC có kế hoạch tăng sản lượng 300.000 thùng/ngày, có thể ngay sau ngày 1/4.

Hiện chưa rõ việc tăng sản lượng của Nga có dẫn đến xuất khẩu cao hơn hay không. Trước khi Nga tham gia cuộc chiến giá cả, nước này dự định xuất khẩu khoảng 1,85 triệu thùng/ngày bằng đường biển vào tháng 3.

Irag

Nhà sản xuất lớn thứ hai OPEC không có quá nhiều sản lượng để bổ sung vì nước này đã hoạt động gần như hết công suất ngay cả khi thực hiện các hạn chế sản xuất trong 3 năm qua. 

Tuy nhiên, Iraq đặt mục tiêu xuất khẩu nhiều hơn khoảng 250.000 thùng/ngày trong tháng 4 so với tháng 2, chủ yếu từ khu vực miền nam và trung tâm của đất nước do chính quyền trung ương kiểm soát.

Sản lượng dầu quốc gia tăng lên 3,7 triệu thùng/ngày, cộng thêm khoảng 450.000 thùng/ngày mà khu vực bán tự trị người Kurd ở phía Bắc, sẽ đưa xuất khẩu của Iraq lên mức cao nhất kể từ tháng 9, theo Bloomberg.

Tuy nhiên có một số trở ngại khi tăng trưởng sản xuất của Iraq bị đình trệ do chính phủ không thể thanh toán cho các công ty dầu khí quốc tế hoạt động tại nước này vì giá giảm sâu. 

Hiện Irag đang phải đối mặt với việc đóng cửa một khu vực sản xuất nhằm ngăn chặn virus corona trong khi các khu vực khác vẫn hoạt động bình thường.

Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất

Đồng minh của Arab Saudi cũng nhanh chóng gia tăng nguồn cung sau sự sụp đổ của thỏa thuận giữa OPEC và các đối tác như Nga hồi đầu tháng này. 

Công ty dầu quốc gia Abu Dhabi sẽ cung cấp 4 triệu thùng/ngày trong tháng 4 khi đẩy nhanh kế hoạch tăng công suất tối đa, nhiều hơn khoảng 1 triệu thùng/ngày so với mức 3,4 triệu thùng/ngày trong tháng 2.

Công ty cho biết cũng đang đặt mục tiêu nâng công suất lên 5 triệu thùng/ngày nhưng chưa rõ thời gian chính xác.

Kuwait

Cùng với Arab Saudi và UAE, Kuwait là một trong những quốc gia vùng Vịnh có công suất dự phòng lớn nhất. Nước này đã bơm ra thị trường trung bình khoảng 400.000 thùng/ngày, dưới mức giới hạn 3,1 triệu thùng kể từ khi OPEC + bắt đầu cắt giảm sản lượng trong năm 2017.

Kuwait dự kiến đạt được mục tiêu 4 triệu thùng/ngày trong năm nay. Sản xuất của quốc gia này sẽ gia tăng khi lấy lại một phần trong số 500.000 thùng/ngày sản lượng tối đa có sẵn trong khu vực trung lập phân chia với Arab Saudi.

Oman

Oman, nhà sản xuất dầu lớn nhất vùng Vịnh nằm ngoài khối OPEC, không có quá nhiều sản lượng bổ sung. Theo một quan chức của Bộ Năng lượng, nước này có thể sản xuất 1 triệu thùng/ngày và có khả năng tăng dần lên đến mức đó. 

Số lượng dầu bổ sung chỉ đủ cho nhu cầu từ các quốc gia nhập khẩu dầu dài hạn của Oman, do đó bất kì động thái nào từ nước này cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường.

Libya, Nigeria

Các nhà sản xuất châu Phi từ lâu đã cung cấp sản lượng dưới mức tiềm năng vốn có, bị cản trở bởi xung đột nội bộ và nội chiến. 

Nếu những cản trở này giảm bớt, các quốc gia này có thể sản xuất thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày, mặc dù điều này khó có thể xảy ra trong ngắn hạn.

Iran

Do lệnh trừng phạt của Mỹ hạn chế doanh số xuất khẩu, sản lượng dầu thực tế của Iran không ổn định. Nước này đang cung cấp khoảng một nửa trong số công suất tối đa gần 4 triệu thùng/ngày. 

Với đại dịch virus corona đang diễn biến phức tạp và các biện pháp trừng phạt vẫn được thực thi, không có khả năng Iran có thể đẩy mạnh sản xuất hoặc xuất khẩu.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/quoc-gia-nao-chiem-the-thuong-phong-trong-cuoc-chien-gia-dau-20200328164239873.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/