PVS lãi hơn nghìn tỷ năm 2020, mục tiêu kinh doanh đi lùi năm 2021

Tổng giám đốc PVS nhận định năm 2021, PVS phải đối diện với nhiều thách thức như xu hướng chuyển dịch năng lượng nhanh, sự cạnh tranh trong trong nước và quốc tế ngày càng khốc liệt, thậm chí có nguy cơ mất cơ hội công việc ngay trên sân nhà.

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động Công đoàn, hoạt động Đoàn Thanh niên năm 2020 và Hội nghị Người lao động năm 2021, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) đã công bố kết quả kinh doanh năm 2020 và kế hoạch cho năm 2021.

PVS cho biết doanh thu hợp nhất năm 2020 là 18.000 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch năm 2020, tăng 2% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế là hơn 1.000 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2019. Nộp ngân sách nhà nước 953 tỷ đồng.

Doanh thu năm 2020 của công ty mẹ PVS là 10.423 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch năm 2020, tăng 17% so với năm trước. 

Kết quả doanh thu công ty mẹ tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do trong năm 2020 công ty mẹ trực tiếp thực hiện một số dự án như: Dự án đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt cho PV GAS, Dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam – Gói A1, Dự án LNG Thị Vải… Trong đó, doanh thu các dự án cơ khí dầu khí là 8.050 tỷ đồng, doanh thu các dự án công trình công nghiệp là 2.373 tỷ đồng. 

PVS đã hoàn thành công tác chế tạo, vận chuyển, lắp đặt và chạy thử giàn Sao Vàng CPP vào ngày 28/7/2020 và bắt đầu vận chuyển khí về bờ từ ngày 16/11/2020. Giàn Đại Nguyệt WHP đang được tập trung thi công chế tạo, tiến độ đến ngày 5/1/2021 đạt 65,54%.

Trong số các dự án PVS đang triển khai hiện nay có dự án Gallaf (Al Shaheen) ở Qatar đã hoàn thành công tác chế tạo, vận chuyển và lắp đặt ngoài khơi 3 giàn khoan và 3 cầu dẫn với khối lượng lên đến gần 10.000 MT. 

Hiện dự án Gallaf đang trong giai đoạn đấu nối và chạy thử, tiến độ tổng thể đến thời điểm hiện tại đạt 87,09%. Đây là dự án PVS thắng thầu quốc tế EPCI với tổng giá trị trên 320 triệu USD.

Cạnh tranh với nhà thầu quốc tế, nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà

Ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc PVS báo cáo dưới tác động kép do dịch bệnh COVID-19 và giá dầu sụt giảm làm các hoạt động dịch vụ của PVS bị đình trệ, nhu cầu dịch vụ suy giảm và phải thực hiện giãn tiến độ các dự án theo yêu cầu của khách hàng. 

Tiến độ, chi phí các dự án bị ảnh hưởng đáng kể do việc hạn chế đi lại, tiếp xúc ảnh hưởng đến công tác tổ chức quản lý, điều hành các dự án của PVS, đặc biệt với các công việc có liên quan tới đến chủ đầu tư, nhà thầu có yếu tố nước ngoài. 

Khối lượng công việc, dự án trong nước vẫn chưa cao, giá dịch vụ duy trì ở mức thấp và cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Ngoài ra, việc chưa có giải pháp cụ thể tạo hành lang pháp lý, hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu quốc tế vào các dự án tại Việt Nam cũng tạo nguy cơ mất cơ hội công việc của các doanh nghiệp Việt Nam ngay trên sân nhà.

Trong năm 2020, với từng mảng kinh doanh, PVS cho biết các dịch vụ cung ứng tàu chuyên dụng, kết quả doanh thu năm là 2.057 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm 2020.

Dịch vụ cung cấp, quản lý, vận hành, khai thác tàu chứa FSO/FPSO đạt 3.300 tỷ đồng doanh thu năm 2020, tăng 10% so với năm 2019.

Đối với dịch vụ căn cứ cảng dầu khí, doanh thu năm 2020 là 1.728 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch năm. 

Doanh thu dịch vụ vận chuyển, lắp đặt, đấu nối, vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng các công trình dầu khí thực hiện năm 2020 là 3.300 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch năm và tăng 117% so với năm 2019.

Năm 2021 dự báo là năm khó khăn với PVS

Tổng giám đốc PVS nhận định bước sang năm 2021 với nhiều thách thức, từ hội nhập quốc tế sâu rộng, xu hướng chuyển dịch năng lượng nhanh, sự cạnh tranh trong trong nước và quốc tế ngày càng khốc liệt.

Doanh nghiệp đặt mục tiêu năm 2021 với doanh thu công ty mẹ là 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu mục tiêu năm 2021 giảm khoảng 4% so với năm 2020.

Trong một báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng tiến độ đấu thầu hợp đồng mới trong 6 tháng cuối năm 2020 và có khả năng kéo dài sang 6 tháng đầu năm 2021.

VCSC dự báo lợi nhuận cốt lõi năm 2021 của PVS giảm 27,1% đến từ lợi nhuận M&C giảm do lượng việc làm thấp hơn, dù có đóng góp từ kho nổi FSO mới trong dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt.

Tuy nhiên, dù có các thách thức trong ngắn hạn, VCSC duy trì quan điểm tích cực cho triển vọng của PVS trong trung hạn do PVS là công ty được hưởng lợi chính từ sự phục hồi trong ngành cũng như cơ hội việc làm gia tăng từ các dự án LNG.

Theo đó, lợi nhuận công ty dự kiến phục hồi từ năm 2022 trở đi với dự phóng năm 2022 tăng trưởng 21,1% dẫn dắt bởi lượng backlog mảng M&C đạt 3 tỷ USD tính đến cuối năm 2020 và lợi nhuận ổn định từ mảng FSO.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/pvs-lai-hon-nghin-ty-nam-2020-muc-tieu-kinh-doanh-di-lui-nam-2021-20210110142640256.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/