PMI Việt Nam tháng 11 đạt 51 điểm, sản lượng tăng lần đầu tiên trong ba tháng

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng trưởng trở lại trong tháng 11, khi sản lượng tăng lần đầu tiên trong ba tháng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn.

Sản lượng tháng 11 tăng lần đầu tiên trong ba tháng

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng Purchasing Managers' Index (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei – một chỉ số tổng hợp về kết quả hoạt động của ngành sản xuất đạt 51 điểm trong tháng 11, tăng so với mức trung tính 50 điểm của tháng 10.

PMIS

Chỉ số PMI báo hiệu mức cải thiện nhẹ của sức khỏe lĩnh vực sản xuất. Các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên trong suốt bốn năm qua trừ một tháng ngoại lệ.

Sản lượng tháng 11 đã tăng lần đầu tiên trong ba tháng sau khi giảm nhẹ trong tháng 9 và tháng 10. Ở những phân khúc có sản lượng tăng, các thành viên nhóm khảo sát cho rằng nguyên nhân là nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng và tăng nhanh hơn so với tháng 10.

Số lượng đơn đặt hàng mới cho đến nay đã tăng suốt 4 năm qua. Nhu cầu khách hàng được cải thiện và việc thu hút được khách hàng mới được cho là nguyên nhân dẫn đến tăng số lượng đơn đặt hàng mới.

Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng nhanh hơn trong tháng 11. Việc làm tăng lần đầu tiên trong ba tháng khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Mặc dù năng lực sản xuất tăng và sản lượng tăng trở lại, các công ty vẫn có lượng công việc tồn đọng tăng nhẹ.

Sản xuất không chịu áp lực lạm phát

Dữ liệu mới nhất cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục không chịu áp lực lạm phát. Chi phí đầu vào chỉ tăng nhẹ với tốc độ yếu nhất trong thời kì tăng kéo dài 11 tháng qua.

Việc thiếu áp lực lạm phát lên chi phí đầu vào cho thấy các nhà sản xuất tiếp tục có thể chiết khấu giá bán cho khách hàng. Giá cả đầu ra trong tháng 10 giảm, sau khi tăng lần đầu trong gần một năm.

Nhu cầu hỗ trợ tăng sản lượng trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã khuyến khích các công ty tăng hoạt động mua hàng trong tháng 11.

Hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng nhẹ sau khi không thay đổi trong tháng trước, và đã góp phần làm tăng tồn kho hàng mua.

Nỗ lực mua hàng của các công ty được hỗ trợ bởi yếu tố thời gian giao hàng của nhà cung cấp nhanh hơn lần đầu tiên trong bốn tháng. Trong khi đó, hàng tồn kho thành phẩm đã giảm tháng thứ hai liên tiếp.

Bên cạnh đó, mức độ lạc quan trong kinh doanh đã giảm so với tháng 10, nhưng vẫn ở mức lạc quan khi có khoảng hai phần năm số người trả lời khảo sát dự báo tăng sản lượng trong năm tới.

Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nói:

"Một số tin tức tích tực về lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã xuất hiện ở bộ dữ liệu PMI kì mới nhất, với sản lượng tăng lần đầu tiên trong ba tháng và việc làm cũng đã tăng trở lại. Điều này cho thấy giai đoạn trì trệ gần đây có thể sẽ kết thúc.

Các công ty vẫn đang cố gắng vực dậy ở mức độ nào đó từ tình trạng hạn chế về sản lượng và năng lực sản xuất trong những tháng gần đây, tuy nhiên, lượng công việc tồn đọng tiếp tục tăng và cần sử dụng hàng tồn kho để hỗ trợ cho sản xuất.

Điều này báo trước xu hướng tăng sản lượng và việc làm trong những tháng tới khi các công ty tiếp tục nỗ lực đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng".


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/pmi-viet-nam-thang-11-dat-51-diem-san-luong-lan-dau-tien-tang-trong-ba-thang-20191202084537145.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/