Phép chọn khó khăn của ông Biden sau quyết định của OPEC: Nên mềm mỏng hay trả đũa Arab Saudi?

Tổng thống Joe Biden đang phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn sau quyết định hạ sản lượng của OPEC+. Thế khó của ông chủ Nhà Trắng càng lộ rõ khi chỉ còn vài tuần nữa là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và giá xăng dầu là một vấn đề nóng bỏng đối với cử tri.

Áp lực đè nặng ông Biden

Giữa tuần này, liên minh dầu mỏ OPEC+ đã quyết định hạ sản lượng của tháng 11 khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày. Tuyên bố đó được giới chức tại Washington coi như một cú đâm sau lưng Tổng thống Joe Biden.

Ba tháng trước, ông Biden đã rút lại lời đe doạ sẽ biến Arab Saudi trở thành “kẻ bị ruồng bỏ” và sau đó, thực hiện một chuyến công du đến quốc gia Trung Đông. Câu hỏi đặt ra bây giờ là ông chủ Nhà Trắng nên làm gì sau động thái giống như một sự phản bội này.

Trước truyền thông, Tổng thống Mỹ chỉ nói ông cảm thấy “thấy vọng” và đang cân nhắc “các lựa chọn thay thế” chưa xác định. Song, các đảng viên Dân chủ đang gia tăng áp lực, đòi hỏi ông Biden phải trừng phạt Riyadh.

Trong một cuộc phỏng vấn cùng báo chí, Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Tom Malinowksi đã đề cập đến sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Arab Saudi, gợi ý rằng Washington nên cân nhắc rút quân về nước.

“Rút quân khỏi Arab Saudi sẽ khiến bọn họ chú ý. Chúng ta cần phải đáp trả. Liệu họ có dám đánh đổi đối tác an ninh Mỹ lấy đối tác an ninh Nga hay Trung Quốc? Riyadh biết rõ rằng họ không thể liều mình đặt cược như vậy”, ông Malinowski diễn giải.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer - lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, cho rằng việc Arab Saudi quyết định liên minh với nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin hòng tăng giá dầu thô là một sai lầm nghiêm trọng.

Ông cho hay: “Người Mỹ sẽ mãi ghi nhớ những gì Arab Saudi đã làm để giúp đỡ Putin tiếp tục cuộc chiến tại Ukraine. Chúng tôi đang xem xét tất cả các công cụ lập pháp để đối phó với hành động kinh khủng này”.

Một cơ sở lọc dầu tại Trung Đông. (Ảnh: AP).

Nhà Trắng của ông Biden đang giữ thái độ thận trọng, đồng thời hy vọng rằng cuối cùng mức giảm sản lượng hàng ngày của OPEC+ sẽ thấp hơn một nửa so với mục tiêu, vì một số nước thành viên hiện không thể hoàn thành hạn ngạch được cấp.

Thay vì trừng phạt Arab Saudi, các cố vấn của ông Biden đang cân nhắc phản ứng bằng cách giải phóng thêm dầu thô từ kho dự trữ chiến lược và có thể là tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với Venezuela.

Chính quyền Washington cũng đang xem xét các động thái nhằm gia tăng áp lực buộc các doanh nghiệp năng lượng trong nước giảm giá xăng bán lẻ, có thể bao gồm việc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu.

Các lựa chọn hạn hẹp của ông Biden

Kế hoạch giảm sản lượng của OPEC+ đến vào một thời điểm tương đối nhạy cảm về mặt chính trị đối với Tổng thống Biden, bởi ông đang coi việc giá xăng dầu hạ nhiệt như một thành tựu trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Ông Ron Klain - Chánh văn phòng Nhà Trắng, đã theo dõi giá xăng dầu trong nhiều tháng qua và đáng mừng là giá đã đi xuống đáng kể. Nhờ đó, các đảng viên Dân chủ cảm thấy họ được tiếp thêm động lực cho cuộc đua.

Song, giá xăng đã rục rịch tăng trở lại ngay cả trước động thái của OPEC+, một phần là do các vấn đề liên quan đến công suất lọc dầu ở khu vực Bờ Tây và Trung Tây, theo New York Times.

Trong bối cảnh nhu cầu đi lên và dự trữ giảm, giá xăng trung bình toàn quốc đã nhích thêm 7 xu lên 3,86 USD/gallon vào đầu tuần này. Dù vậy, giá hiện vẫn còn thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh hơn 5 USD/gallon hồi tháng 6.

Chính quyền Riyadh cho rằng việc cắt giảm sản lượng không phải là một phát súng nhắm vào ông Biden. Họ đã trình bày một số nghiên cứu và biểu đồ cho quan chức chính quyền ông Biden để làm rõ lập luận của mình.

Sau khi giá dầu thô tụt xuống gần mốc 80 USD/thùng trong những ngày gần đây, Arab Saudi đã bày tỏ lo ngại rằng giá sẽ giảm xuống dưới mức 70 USD và có thể là 60 USD/thùng. Điều này sẽ khiến ngân sách nhà nước của họ trở nên bấp bênh.

Các quan chức chính quyền ông Biden e ngại rằng cuộc khủng hoảng thực sự có thể xảy ra vào tháng 12 khi Washington chính thức áp trần giá dầu Nga và Liên minh châu Âu (EU) cấm hoạt động mua dầu thô của Nga qua đường biển.

Tổng thống Biden cho biết bản thân rất thất vọng sau quyết định của OPEC+ và vẫn đang cân nhắc biện pháp đáp trả. (Ảnh: New York Times).

Các lựa chọn của Tổng thống Biden đang rất hạn chế và có thể buộc ông phải đánh đổi. Ông đã ra lệnh xả thêm dầu thô dự trữ, nhưng vì dự trữ đang ở mức thấp nhất trong 4 thập kỷ nên Mỹ có nguy cơ bị thiếu hụt nguồn cung nếu xảy ra chiến tranh hoặc thảm hoạ thiên nhiên.

Ông chủ Nhà Trắng cũng có thể hạn chế xuất khẩu xăng và dầu diesel, qua đó giúp mở rộng nguồn cung và hạ giá trong nước. Tuy nhiên, điều này sẽ gây hại cho các đối tác thương mại của Mỹ - đặc biệt là các đồng minh châu Âu đang cố gắng loại bỏ năng lượng của Nga.

Hoặc, chính phủ Mỹ có thể cho phép doanh nghiệp khai thác dầu thô trên nhiều đất liên bang hơn, đồng thời nới lỏng các quy định về khoan cắt, thăm dò và đặt đường ống để nâng sản lượng trong nước. Dẫu vậy, động thái này có thể khiến các nhà vận động môi trường phản ứng dữ dội.

Bà Darlene Wallace - một thành viên của Liên minh các nhà sản xuất năng lượng Oklahoma, bình luận: “Nhà Trắng cần nới lỏng quy định, thông qua tất cả giấy phép xin khai thác dầu trên đất liên bang và nối lại đường ống Keystone XL để vận chuyển dầu cát từ Canada đến người tiêu dùng Mỹ”.

 

Nếu Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela, thị trường có thể tiếp nhận thêm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran vẫn đang bị đình trệ và triển vọng về một thoả thuận với Venezuela không mấy sáng sủa.

Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng chính quyền ông Biden đang chuẩn bị giảm quy mô trừng phạt Venezuela để tạo điều kiện cho Chevron bơm dầu. Song, trong một tuyên bố, Nhà Trắng nhấn mạnh họ “không có kế hoạch thay đổi chính sách trừng phạt mà không có các bước đi mang tính xây dựng từ chính quyền Tổng thống Maduro”.

Ở một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi Venezuela cần phải làm gì để thuyết phục Mỹ giảm bớt cấm vận, ông Biden nói: “Rất nhiều!”

Ngoài ra, Washington còn một công cụ khác: dự luật chống độc quyền "No Oil Producing and Exporting Cartels" (NOPEC). Dự luật NOPEC cho phép Mỹ kiện các thành viên của OPEC về hành vi thao túng thị trường năng lượng, có khả năng đòi bồi thường hàng tỷ USD.

Giới phân tích cho rằng nếu Nhà Trắng bày tỏ sự ủng hộ đối với NOPEC, dự luật có thể sẽ sớm được thông qua. NOPEC đã được một ủy ban của Thượng viện thông qua vào đầu tháng 5 nhưng hiện vẫn chưa chính thức trở thành luật.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/phep-chon-kho-khan-cua-ong-biden-sau-quyet-dinh-cua-opec-nen-mem-mong-hay-tra-dua-arab-saudi-2022109145322407.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/